Nên thống nhất tất cả quy định về nổ súng vào 1 đạo luật

(PLO) -Tại phiên họp thứ 3 diễn ra vào ngày 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Hình minh họa
Hình minh họa

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được trình bày tại phiên họp cho biết, ngày 30/6/2011, UBTVQH đã ban hành Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; tiếp đó, ngày 12/7/2013, UBTVQH đã ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Sau hơn 4 năm tổ chức triển khai thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong tình hình mới.

Cần quy định rõ về cảnh báo trước khi nổ súng

Đa số ý kiến phát biểu đều khẳng định sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật mới. Về bố cục của dự thảo Luật, có ý kiến đề xuất cần rà soát, điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với tên chương, tên điều.

Đề nghị nghiên cứu bổ sung một số quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài khi mang vào Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ; bổ sung quy định về sử dụng vũ khí quân dụng vì dự thảo Luật mới quy định đối tượng trang bị mà chưa có quy định việc sử dụng vũ khí quân dụng của các đối tượng được trang bị.

Có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát các văn bản luật liên quan đến các quy định trong dự thảo Luật để chỉnh lý, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, nhất là các quy định về tiền chất thuốc nổ cho thống nhất với quy định của Luật hóa chất; các quy định về sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ cho thống nhất với Bộ luật Hình sự, Luật Cơ yếu, cũng như các quy định trong các dự án Luật Cảnh vệ, Luật Công an xã đang được cho ý kiến.

Liên quan đến việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về hoạt động rà phá bom mìn, xử lý ô nhiễm bom mìn vì hiện nay hoạt động này đang được thực hiện bởi nhiều tổ chức với nhiều nguồn vốn khác nhau, công tác quản lý chưa thống nhất, còn bất cập.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng cho rằng, Điều 5 của dự án Luật về hành vi bị cấm còn chưa cụ thể; đề xuất cần “quy định rõ hành vi, đối tượng bị cấm; cấm ai, ai cấm, cấm cái gì, vì sao cấm thì phải nêu rõ, còn quy định như Điều 5 thì chung chung quá”. Đồng thời, quy định nổ súng như dự thảo Luật cũng chưa cụ thể, còn chung chung, khó vận dụng trong thực tiễn; dự thảo Luật cần nghiên cứu, xây dựng các quy định cụ thể về nổ súng.

Đồng quan điểm nêu trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Hà Ngọc Chiến nêu quan điểm: Bên cạnh được quy định trong dự án Luật thì nổ súng còn được quy định ở một số đạo luật khác; đề xuất nên tiến tới thống nhất đưa tất cả các quy định về nổ súng vào dự án Luật này (Điều 21) để bảo đảm tính thống nhất đối với các quy định về nổ súng. Đồng thời dự án Luật cũng cần có những quy định rõ về cảnh báo trước khi nổ súng.

Viện kiểm sát đề xuất được trang bị vũ khí

Phân tích 2 xu hướng mà thực tiễn xảy ra là có trường hợp lẽ ra cần phải nổ súng, nhưng lực lượng chức năng không bổ sung vì các quy định chưa cụ thể, rõ ràng, người được trang bị sử dụng vũ khí sợ rủi ro pháp lý đến với mình khi giới hạn về phòng vệ chính đáng và không chính đáng là mong manh và xu hướng thứ hai là việc lạm dụng nổ súng, khi chưa cần thiết, không cần thiết nổ súng thì đã nổ súng, gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng người dân; Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về 2 xu hướng này với các số liệu dẫn chiếu cụ thể để cân nhắc, xây dựng các quy định cụ thể, rõ ràng và chặt chẽ hơn về quy định nổ súng, cũng như hoàn thiện hồ sơ đối với dự án Luật. 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Nguyễn Thanh Hải và một số ý kiến khác cho rằng dự án Luật cũng cần có những quy định cụ thể về điều kiện sức khỏe, tâm lý của những người được trang bị vũ khí, tránh tình trạng do những điều kiện về sức khỏe, tâm lý mà người được trang bị vũ khí lạm dụng vũ khí; không kiểm soát được hành vi trong quá trình sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Một đề xuất khác tương đối bất ngờ được đưa ra trong cuộc họp, là sau khi lý giải “đã là tội phạm thì đều nguy hiểm giống nhau”, ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Ban soạn thảo dự án luật đưa cơ quan điều tra của VKS là một trong những đối tượng được trang bị vũ khí cùng các công cụ hỗ trợ. “Nếu không được trang bị vũ khí và công cụ hỗ trợ trong quá trình điều tra thì sẽ gây nguy hại trực tiếp đến anh em điều tra viên”, ông Phong nói. 

Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương Nguyễn Mai Bộ thì chỉ ra những khiếm khuyết của dự án luật khi chưa đề cập hết những đối tượng được trang bị vũ khí và công cụ hỗ trợ, đó là cảnh sát biển, cơ quan kiểm ngư...  Ông Bộ cũng cho rằng dự án luật chưa đi sâu vào thủ tục trang bị, mà chỉ đi sâu vào thủ tục cấp giấy phép trang bị.

Phiên họp thứ 3 của UBTVQH khai mạc sáng 12/9 tại Nhà Quốc hội. Theo chương trình, phiên họp sẽ diễn ra tới ngày 22/9. Dự kiến phiên họp có rất nhiều nội dung để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 10 tới, trong đó UBTVQH sẽ tập trung cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2; cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 3 dự thảo luật đã trình Quốc hội khóa XIII cho ý kiến là dự án Luật về Hội, dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và dự án Luật Đấu giá tài sản.

Bên cạnh đó, UBTVQH xem xét, cho ý kiến về 10 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV bao gồm: Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi), dự án Luật Quy hoạch, dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi)…

UBTVQH cũng nghe, cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng.

Trong ngày 15/9, UBTVQH nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung đối tượng được miễn thuế nông nghiệp như dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12.

Theo dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đề nghị bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/12/2020 đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức của các hộ gia đình, cá nhân và toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết với việc bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo đề xuất như trên tổng số thuế sử dụng đất nông nghiệp dự kiến được miễn đối với hộ gia đình, cá nhân khoảng 34,3 tỷ đồng; còn với tổ chức là khoảng 19,2 tỷ đồng, tác động không lớn đến giảm thu ngân sách nhà nước. 

Đọc thêm