Ngành Bảo hiểm xã hội: Nỗ lực vượt khó bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm

(PLVN) - Năm 2020 kết thúc với nhiều gam mầu trầm trong bức tranh kinh tế - xã hội thế giới và trong nước do những tác động tiêu cực, nặng nề từ đại dịch Covid-19. Ở Việt Nam, năm 2020, còn phải kể đến những thiệt hại lớn từ bão lũ.
Ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Ảnh minh họa.
Ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh đó, với vai trò nòng cốt trong hệ thống an sinh xã hội (ASXH), thời gian qua, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đã phát huy hiệu quả tích cực giúp hàng triệu người dân, người lao động (NLĐ) vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. 

Sáng tạo trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT

Chia sẻ về những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 tới ASXH thời gian qua, ông Nguyễn Thế Mạnh – Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thực hiện ASXH nói chung, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nói riêng.

Nguy cơ nợ BHXH tăng do hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn. Giảm lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN do lao động mất việc làm, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới không tăng. Gây áp lực đến mở rộng người tham gia BHXH tự nguyện do phải thực hiện giãn cách xã hội, khó khăn trong công tác tuyên truyền vận động…

Nếu như tháng 12/2019, toàn quốc có số người tham gia BHXH bắt buộc là 15.200.000 người; thì tháng 5/2020 con số này chỉ còn 14.404.000 người, giảm 796 nghìn người; số nợ BHXH, BHYT tăng lên trên 5% so với kế hoạch thu vào tháng 4/2020. Số doanh nghiệp, đơn vị, tạm đóng quỹ hưu trí và tử tuất; danh sách NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ không lương, ngừng việc gia tăng…

Theo đó, BHXH Việt Nam đã chủ động, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và DN vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 như: cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4  trên Cổng Dịch vụ công quốc gia của Chính phủ; chi trả lương hưu, chế độ BHXH qua tài khoản ATM và hệ thống ngân hàng; giãn, hoãn đóng của DN vào quỹ hưu trí, tử tuất theo chỉ đạo của Chính phủ; đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT.

Mới nhất, BHXH Việt Nam đã công bố ứng dụng “VssID-Bảo hiểm xã hội số” trên điện thoại thông minh với nhiều tiện ích giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tiếp xúc trực tiếp trong tham gia, tra cứu, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người dân và DN.

Tính đến hết năm 2020, diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,1 triệu người, tăng gần gấp đôi so với năm 2019, tăng 1,2% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28 của Đảng và tăng gấp 5 lần so với năm 2015. Duy trì và tăng trưởng đối tượng tham gia BHYT theo lộ trình BHYT toàn dân với 88 triệu người tham gia, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu bao phủ được Thủ tướng Chính phủ giao.

Tập trung triển khai 8 nhóm giải pháp trọng tâm

Hiện nay, Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên những diễn biến của dịch bệnh vẫn rất phức tạp, với nhiều hậu quả kéo dài. Trước tình hình đó, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, thời gian tới, ngành BHXH sẽ tập trung thực hiện 8 nhóm giải pháp trọng tâm để tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, hỗ trợ tốt hơn nữa cho người dân, NLĐ, DN.

Một là, tiếp tục chủ động, tích cực tham gia với các Bộ, ngành hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân; Kịp thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định mới về BHXH, BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

Hai là, tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, linh hoạt, sáng tạo để hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 125 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28;…

Ba là, đẩy mạnh việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Bốn là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành ở Trung ương, các tổ chức chính trị, xã hội, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT....

Năm là, giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT đảm bảo chính xác, kịp thời, thuận tiện nhất cho người thụ hưởng; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ…

Sáu là, tiếp tục tăng cường CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC với phương châm lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ; liên thông dữ liệu với các bộ, ngành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng ứng dụng BHXH số - VssID.

Bảy là, tiếp tục kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; triển khai hiệu quả Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”…

Tám là, thực hiện phân công, phân nhiệm đảm bảo nguyên tắc: rõ người, rõ việc, rõ quy trình, trách nhiệm; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, chuyển đổi mạnh mẽ tác phong làm việc sang phục vụ người tham gia, thụ hưởng chính sách tạo thuận lợi tối đa cho người dân và DN.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm, chính sách BHTN cũng giúp hàng trăm nghìn NLĐ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống. Năm 2020, toàn quốc đã giải quyết chế độ BHTN cho hơn 1 triệu người với số tiền chi trả hơn 16.000 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ 2019.

Đọc thêm