Người dân huyện miền núi Vân Canh đổi đời nhờ vốn vay chính sách

(PLVN) - Nhờ được vay vốn ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, những năm qua, hàng trăm lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Vân Canh (tỉnh Bình Định) đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.
Bộ mặt nông thôn huyện Vân Canh khởi sắc nhờ người dân vay vốn từ ngân hàng chính sách để phát triển kinh tế.
Bộ mặt nông thôn huyện Vân Canh khởi sắc nhờ người dân vay vốn từ ngân hàng chính sách để phát triển kinh tế.

Nhiều năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Vân Canh đã phối hợp với chính quyền và các hội, đoàn thể triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi đến từng thôn, làng, tạo điều kiện cho người dân được vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, con em học tập, học nghề… góp phần quan trọng tạo sinh kế, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên làm giàu.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, doanh số cho vay của PGD NHCSXH huyện Vân Canh đạt gần 80 tỷ đồng/1.745 lượt hộ vay. Trong đó, doanh số cho vay một số chương trình lớn như: hộ nghèo hơn 18 tỷ đồng/464 lượt hộ vay, hộ cận nghèo hơn 18 tỷ đồng/351 lượt hộ vay, hộ mới thoát nghèo gần 11 tỷ đồng/186 lượt hộ vay, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn hơn 12 tỷ đồng/264 lượt hộ vay.

Tổng nợ dư trong 8 tháng đầu năm đạt gần 270 tỷ đồng/4.922 hộ vay, tăng gần 23 tỷ đồng so đầu năm, thực hiện đạt hơn 98% kế hoạch năm 2020. Tổng số nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách huyện là hơn 1 tỷ  đồng, tăng 300 triệu đồng so với đầu năm, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch năm 2020.

Chị Xuân thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách.
 Chị Xuân thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách.

Đến làng Hà Văn Trên (xã Canh Thuận), hỏi thăm nhà chị Đinh Thị Xuân (41 tuổi) có lẽ ai cũng biết, bởi gia đình chị là một trong những hộ đồng bào dân tộc thiểu số biết vươn lên thoát nghèo nhờ sử dụng hiệu quả vốn vay từ PGD NHCSXH huyện.

“Năm 2007, tôi bắt đầu vay vốn từ PGD NHCSXH huyện với số tiền 30 triệu đồng để trồng cây keo. Đến nay, tôi đã thu hoạch 2 lứa keo (6 năm thu hoạch 1 lứa) và đang trồng lứa thứ 3 trên diện tích 10ha. Cứ 1ha keo, tôi thu lời được 60 triệu, nhờ thế mà có tiền mua xe cơ giới để phục vụ khai thác, vận chuyển keo. Hiện nay, tôi đang vay 200 triệu của các chương trình tín dụng chính sách để mở rộng phát triển diện tích trồng keo. Nói thật, nếu không có nguồn vốn vay từ PGD NHCSXH huyện thì cuộc sống gia đình tôi không thể có được như ngày hôm nay”, chị Xuân chia sẻ.

Chị Đinh Thị Hà - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Hội Phụ nữ làng Hà Văn Trên - cho biết: “Tổ viên trong tổ hiện có 46 người vay vốn từ PGD NHCSXH huyện để chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế hộ gia đình. Gia đình tôi cũng đang vay 100 triệu đồng để trồng keo. Những năm tháng trước kia, cái đói, cái nghèo bao phủ làng quê nhưng năm gần đây, cảnh tượng ấy đã không còn, người dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ có nguồn vốn vay từ PGD NHCSXH huyện”.

Chương trình cho vay dự án WB3 vừa đạt mục tiêu giảm nghèo vừa phủ xanh đất trống đồi trọc ở Vân Canh.
 Chương trình cho vay dự án WB3 vừa đạt mục tiêu giảm nghèo vừa phủ xanh đất trống đồi trọc ở Vân Canh.

Theo ông Nguyễn Văn Vinh - Giám đốc PGD NHCSXH huyện Vân Canh, hiện nay có 18 chương trình cho vay vốn ưu đãi nhưng ông tâm đắc nhất là chương trình cho vay dự án phát triển ngành lâm nghiệp (WB3). Chương trình vừa đạt mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, mang ý nghĩa môi trường, xã hội rất lớn.

“PGD NHCSXH huyện Vân Canh sẽ tiếp tục cùng các hội, đoàn thể, các địa phương chung tay nỗ lực đưa đồng vốn đến đúng địa chỉ, đúng đối tượng được thụ hưởng, để những đồng vốn đó đem lại sự no ấm, hạnh phúc cho những hoàn cảnh khó khăn và chắp cánh cho những ước mơ tương lai”, ông Vinh cho biết.

Đọc thêm