Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020: Thành phố Thái Nguyên chuyển mình vượt bậc

(PLVN) - 5 năm qua, thành phố Thái Nguyên đã có bước phát triển vượt bậc, ngày càng khẳng định vị thế trong Hiệp hội đô thị Việt Nam và đô thị trung tâm vùng các tỉnh miền núi trung du Bắc bộ. Tạo tiền đề vững chắc để thành phố bước vào giai đoạn phát triển mới, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa xây dựng thành phố phát triển nhanh và bền vững theo hướng văn minh, hiện đại.
TP Thái Nguyên đang dần trở thành đô thị động lực cho vùng núi trung du phía Bắc.
TP Thái Nguyên đang dần trở thành đô thị động lực cho vùng núi trung du phía Bắc.

Phát triển kinh tế theo hướng hiện đại

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020, của UBND TP.Thái Nguyên cho thấy, trong 5 năm qua thành phố này đã có những bước phát triển rất sáng trong lĩnh vực kinh tế.

Theo đó, thành phố đã từng bước tập trung phát triển công nghiệp xây dựng theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường; bước đầu đã thu hút được một số dự án, các ngành sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến đầu tư vào thành phố, kết quả sản xuất công nghiệp qua hàng năm đạt mức tăng trưởng ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp địa phương bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 13,1%, nếu như năm 2016 đạt 5.542 tỷ đồng thì năm 2020 dự kiến đạt tới 10.433 tỷ đồng. 

Trong khi đó, phát triển nông nghiệp giai đoạn này mặc dù diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp bởi quá trình đô thị hóa…nhưng do áp dụng tiến bộ KHKT thâm canh, tăng năng suất nên vẫn có tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt tăng ổn định, năm 2020 dự ước đạt tới 135 triệu đồng/ha. 

Thành phố cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Phúc Trìu, Thịnh Đức, Đồng Liên, Huống Thượng. Quy hoạch vùng sản xuất chè, ứng dụng công nghệ cao tại các xã Phúc Trìu, Tân Cương, Phúc Xuân, Quyết Thắng, Thịnh Đức, Phúc Hà.

Thành phố Thái Nguyên cũng đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2016. Thành phố đã lựa chọn xã Đồng Liên là xã nông thôn kiểu mẫu, xã Tân Cương hoàn thiện các tiêu chí để xóm Hồng Thái 2 là xóm nông thôn mới kiểu mẫu.    

Theo UBND TP Thái Nguyên, dịch vụ thương mại đang chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Thế mạnh dịch vụ, thương mại cũng được khai thác rất hiệu quả, phát triển đa dạng, phong phú cả về quy mô, hình thức góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành.

Các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch được đẩy mạnh, kết hợp với các hoạt động thương mại, dịch vụ, truyền thống, tạo điểm nhấn và sức bật cho các hoạt động dịch vụ du lịch, tiếp tục khai thác tốt tiềm năng của địa phương. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội giai đoạn 2016-2020 tăng trên 14%, năm 2020 dự ước đạt 25.900 tỷ đồng. 

Thu hút đầu tư phát triển đô thị động lực

Theo UBND TP Thái Nguyên, việc thu hút đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị cũng đạt được những kết quả rất tích cực. Chỉ tính trong hai năm (2016, 2017), thành phố đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 40.000 tỷ đồng. Đặc biệt, với kết quả của Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018 đã có 30 nhà đầu tư, 54 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 63 nghìn tỷ đồng đầu tư vào thành phố. 

Đồng thời việc triển khai dự án “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc-TP Thái Nguyên” năm 2019 và dự án “Phát triển tổng hợp đô thị động lực TP Thái Nguyên” vay vốn Ngân hàng Thế giới, được Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Thế giới phê duyệt với tổng số vốn 181 triệu USD, được đánh giá là nguồn lực tài chính quan trọng tạo động lực phát triển đô thị TP Thái Nguyên trong thời gian tới.  

Được biết, năm 2020, một loạt các doanh nghiệp lớn như: doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường, Tập đoàn Indevco Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Danko, Công ty Tecco, Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG… với gần 100 dự án, tổng mức đầu tư trên 100.000 tỷ đồng, đầu tư vào nhiều lĩnh vực.

Nhiều dự án, công trình trọng điểm đã và đang hoàn thành đi vào sử dụng cũng góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị thành phần theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của nhân dân thành phố. 

Theo UBND TP Thái Nguyên, công tác quản lý, chính trang đô thị trong 5 năm qua cũng có nhiều tiến bộ. Dự án điều chỉnh quy hoạch chung TP Thái Nguyên đến năm 2035 đang được tập trung chỉ đạo để triển khai thực hiện. Ngoài ra, thành phố cũng đang tích cực triển khai quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu theo đồ án được duyệt và huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư hạ tầng theo hướng mà mở rộng không gian đô thị, đồng bộ và hiện đại. 

Thống kê của UBND TP Thái Nguyên cho thấy, đến nay đã có 46,5% diện tích đất nội thị được lập quy hoạch chi tiết 1/500; Công tác quản lý dịch vụ đô thị được tăng cường ngày càng hiệu quả; chất lượng dịch vụ ngày một nâng cao. 98% dân số khu vực nội thành được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, 100% lượng chất thải rắn đô thị, 100% lượng chất thải y tế được thu gom, xử lý hợp vệ sinh, 32km đường đô thị được ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật. 

Thành phố đã hoàn thành việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính, thành lập 2 phường thuộc thành phố theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đến nay, thành phố đã được mở rộng với quy mô 32 đơn vị hành chính, gồm 21 phường và 11 xã, với tổng diện tích 222,93 km2. 

Thành phố tiếp tục  triển khai có hiệu quả các đề án: Xây dựng tuyến phố văn minh đô thị; phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; nâng cao năng lực quản lý trật tự xây dựng và mỹ quan đô thị. Chất lượng dịch vụ công ích đô thị ngày một nâng cao.

Liên tục các năm từ 2016 đến năm 2019, TP Thái Nguyên được Bộ Xây dựng, Hiệp hội các đô thị Việt Nam khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phòng trào “Xây dựng đô thị Xanh-Sạch-Đẹp” gắn với tăng trưởng xanh và chống biến đổi khí hậu.

Tốc độ tăng trưởng của các ngành sản xuất giai đoạn 2016-2020  đạt  15,75%. Trong đó tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ-thương mại đạt 18,15%, công nghiệp xây dựng đạt 15,4%, nông lâm nghiệp, thủy sản đạt 10,7%. Giá trị sản xuất công nghiệp địa phương. Thu ngân sách trên địa bàn năm 2016 đạt 1,487,7 tỷ đồng, năm 2017 đạt 2.750,58 tỷ đồng, năm 2018 đạt 3.016 tỷ đồng, năm 2019 đạt 2.510 tỷ đồng và dự ước năm 2020 đạt 2.437 tỷ đồng. Giải quyết việc làm tăng thêm năm 2016 đạt 4.031 lao động, năm 2017 đạt 4.709 lao động, năm 2018 đạt 4.800 lao động, năm 2019 đạt 5.100 lao động và năm 2020 dự ước đạt 5.400 lao động.

Đọc thêm