Phụ nữ, Công an sát cánh cùng nhau vì bình yên cuộc sống

(PLVN) - Cách đây hơn 3 năm, ngày 29/12/2017, Bộ Công an và Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã ban hành kế hoạch phối hợp thực hiện Nghị quyết liên tịch 01/TW về quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội giai đoạn 2017 - 2020 (NQLT 01/TW).
Tuyên truyền phòng chống tội phạm. Ảnh minh họa.
Tuyên truyền phòng chống tội phạm. Ảnh minh họa.

Sự phối hợp giữa hai ngành diễn ra trong bối cảnh tình hình tội phạm về trật tự xã hội tuy giảm về số vụ nhưng tính chất vẫn nghiêm trọng. Đáng chú ý, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội gia tăng, trong đó có nhiều vụ giết người thân; tội phạm xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em gia tăng, nhiều đối tượng là thân nhân, người quen của nạn nhân; tội phạm về ma túy diễn biến rất phức tạp, nhất là trên các tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm; người nghiện trong cộng đồng còn nhiều, là nguyên nhân, điều kiện phát sinh nhiều loại tội phạm. Bên cạnh đó, thiên tai, hạn hán, bão lũ, ô nhiễm môi trường… gia tăng, tác động trực tiếp đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Ngày 6/1/2021, Bộ Công an và Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức tổng kết (NQLT 01/TW) sau 3 năm phối hợp. Kết quả cho thấy, đề cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên gia đình trong việc phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tệ nạn xã hội (TNXH) từ gia đình, Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với lực lượng Công an cùng cấp duy trì mô hình câu lạc bộ “Gia đình phòng, chống TNXH” và triển khai nhiều mô hình tiêu biểu trong công tác phòng, chống tội phạm và TNXH như mô hình: Gia đình không có người nghiện ma túy; Chi hội không có chồng con phạm tội và mắc TNXH; Phụ nữ liên kết phòng, chống tội phạm và phát triển kinh tế; xe loa tuyên truyền; Dòng họ tự quản; Tiếng kẻng an ninh; Làng tự quản gắn với chốt an ninh; câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật.

Trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2019 - 2022, hai ngành đã có nhiều hoạt động phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công như: phát hiện, phản ánh, lên tiếng với chính quyền, các cơ quan chức năng về các vụ việc ngược đãi, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm, vi phạm các quyền hợp pháp của phụ nữ, trẻ em gái ngay tại cộng đồng, khi mới xảy ra vụ việc.

Từ năm 2018 đến năm 2020, Cơ quan điều tra các cấp đã tiếp nhận, xử lý 5.286 tin báo, tố giác liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và bạo lực gia đình; đã giải quyết 5.070 tin (đạt tỷ lệ 95,91%), trong đó nhiều tin báo, tố giác tội phạm do cán bộ hội viên, phụ nữ cung cấp. Điều tra, khởi tố 4205 vụ/4069 bị can xâm hại trẻ em; 45 vụ/34 bị can liên quan bạo lực gia đình; 283 vụ/448 bị can phạm tội mua bán người.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay đã phát sinh các loại tội phạm mới, phi truyền thống, từ những bài học kinh nghiệm và kết quả triển khai trên thực tế trong 3 năm qua, bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã đặc biệt nhấn mạnh các vấn đề hai ngành cần quan tâm để triển khai có trọng tâm, trọng điểm, sát thực với tình hình của từng địa bàn, từng cấp.

“Ví dụ, khu vực Tây Nam Bộ nhức nhối tội phạm xâm hại trẻ em, kết hôn với người nước ngoài với mục đích không trong sáng. Miền núi phía Bắc là vấn đề làm sao để con em không vi phạm ma tuý, ở các đô thị, thành phố lớn là làm sao để trẻ em tránh xa các trò chơi games, xâm hại tình dục, tệ nạn xã hội… Chú trọng sử dụng truyền thông điện tử để có cách tiếp cận phù hợp với giới trẻ nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội cho phụ nữ trẻ, cho thanh thiếu niên” – bà Hà Thị Nga nhấn mạnh. 

Đọc thêm