Quảng Bình: Chú trọng đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp

(PLVN) - Những năm qua, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được triển khai mạnh mẽ bằng nhiều giải pháp, góp phần thay đổi nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, trên bình diện chung, nhận thức về công tác ATVSLĐ của các doanh nghiệp vẫn chưa cao dẫn đến còn có những “khoảng trống” trong tổ chức thực hiện, tiềm ẩn những nguy cơ mất ATVSLĐ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, PCCN thông qua các buổi tập huấn về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, PCCN thông qua các buổi tập huấn về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. 

Ngay từ đầu năm 2020, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ trì tham mưu Hội đồng ATVSLĐ tỉnh ban hành Kế hoạch số 07/KH-HĐATVSLĐ ngày 14/1/2020 về triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020 để chỉ đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng tháng hành động về ATVSLĐ để bảo đảm phù hợp, thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả.

Theo đó, tập trung vào việc nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người lao động về công tác ATVSLĐ, nhất là lao động trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, lao động trong điều kiện có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, những nơi có nguy cơ mất ATVSLĐ. 

Tuy nhiên, năm 2020 do ảnh hưởng của Đại dịch bệnh Covid-19 nên Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ đã không tổ chức theo kế hoạch, nên Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị, doanh nghiệp mình để tổ chức các hoạt động hưởng ứng.

Cụ thể, các hoạt động như: Tuyên truyền phổ biến các quy định về ATVSLĐ dưới nhiều nhiều hình thức như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn tuyên truyền, phát tờ rơi, khẩu hiệu; xây dựng chương trình công tác ATVSLĐ phù hợp với điều kiện làm việc của địa phương, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, tăng cường huấn luyện kiến thức về kỹ thuật ATVSLĐ đối với người lao động, nhất là lao động  mới tuyển dụng, củng cố kiện toàn bộ máy làm công tác ATVSLĐ ở doanh nghiệp.

Trong thời điểm giãn cách xã hội, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã chấp hành các biện pháp phòng, chống bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định, bảo đảm tuyệt đối an toàn công tác phòng dịch và sức khỏe người lao động, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong lao động sản xuất trong thời điểm dịch bệnh xảy ra.

Công tác tuyên truyền pháp luật ATVSLĐ và triển khai Tháng An toàn, vệ sinh lao động.
Công tác tuyên truyền pháp luật ATVSLĐ và triển khai Tháng An toàn, vệ sinh lao động. 

Đi cùng với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ngành Lao động Thương binh và Xã hội cũng thường tổ chức các đoàn liên ngành để kiểm tra, chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện các quy định về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp.

Qua kiểm tra tại một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, gạch tuynen và một doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực sản xuất khác trên địa bàn cho thấy, vấn đề ATVSLĐ vẫn chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Các vi phạm liên quan đến quyền lợi của người lao động như chưa trang cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, chưa tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động, có doanh nghiệp chưa đóng BHXH đầy đủ  cho người lao động, chưa khám sức khỏe định kỳ cho người lao. 

Thực tế cho thấy, công tác huấn luyện ATVSLĐ hiện nay ở các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn hạn chế, như đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ không chuyên sâu, số lượng ít, điều kiện vật chất hạn chế. Mặt khác,  các quy định của pháp luật thay đổi thường xuyên; tốc độ phát triển của doanh nghiệp về số lượng cũng như quy mô tăng nhanh; dẫn đến công tác quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn như… Nhiều doanh nghiệp không thực hiện quản lý, khai báo, kiểm định các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất làng nghề…

Người lao động tại Công ty Cổ phần Dệt may Huế, Chi nhánh Quảng Bình luôn được đảm bảo các điều kiện về an toàn lao động.
Người lao động tại Công ty Cổ phần Dệt may Huế, Chi nhánh Quảng Bình  luôn được đảm bảo các điều kiện về an toàn lao động. 

Trong thời gian tới các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của nhà nước về ATVSLĐ ở các cơ sở thuộc mọi thành phần kinh tế. Tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, các công trình xây dựng trọng điểm sử dụng nhiều lao động thời vụ. Kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các hành vi vi phạm pháp luật lao động… nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về công tác ATVSLĐ cho các doanh nghiệp, tạo môi trường lao động hiện đại, an toàn, thân thiện cho người lao động.

Các sở, ngành, địa phương cần theo dõi, chỉ đạo sâu sát các doanh nghiệp thực hiện những nội dung về ATVSLĐ do Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động tỉnh đề ra; các đơn vị, doanh nghiệp cần thường xuyên quan tâm thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ cho người lao động nhằm tạo thói quen tuân thủ các qui định về ATVSLĐ cho người lao động; tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ;

Hướng dẫn người lao động tự đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ trước khi làm việc và thường xuyên trong quá trình lao động; tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khoẻ người lao động, khám sức khoẻ định kỳ… để phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp cho người lao động; thường xuyên kiểm tra, cải thiện điều kiện lao động, quan trắc môi trường lao động và có các biện pháp khắc phục ngay khi các điều kiện lao động không bảo đảm an toàn cho người lao động; đẩy mạnh công tác huấn luyện ATVSLĐ và xem đó là hoạt động hết sức quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ luật pháp về ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động…

Đọc thêm