Sau vụ 'pha nước cất làm vắc xin giả chống Covid - 19': Tăng cường ngăn chặn hành nghề y không phép

(PLVN) -  Sở Y tế tỉnh Bình Định vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường hơn nữa biện pháp quản lý đối với các cơ sở y tế hành nghề khám, chữa bệnh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn trường hợp hành nghề không phép, có dấu hiệu lừa đảo.
Một số tang vật công an thu giữ tại nơi ở của đối tượng Sương
Một số tang vật công an thu giữ tại nơi ở của đối tượng Sương

Theo Sở Y tế tỉnh Bình Định, ngày 14/3, Công an TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Tiêu Thị Tuyết Sương (46 tuổi, ngụ xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một số người dân trên địa bàn huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn.

Đối tượng Sương đã có hành vi sử dụng nước cất pha với kháng sinh để làm giả vắc xin, rồi lừa đảo tiêm phòng ngừa các bệnh cho trẻ em, phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung, phòng ngừa bệnh đột quỵ và phòng ngừa bệnh Covid-19.

Đối tượng Tiêu Thị Tuyết Sương tại cơ quan công an

Đối tượng Tiêu Thị Tuyết Sương tại cơ quan công an

Ngay sau đó, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định Lê Quang Hùng đã có văn bản yêu cầu phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cần tăng cường hơn nữa biện pháp quản lý đối với các cơ sở y tế hành nghề khám, chữa bệnh. Đặc biệt, phòng y tế cần phối hợp với chính quyền địa phương để kịp thời phát hiện, ngăn chặn trường hợp hành nghề không phép, có dấu hiệu lừa đảo.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định giao Thanh tra sở phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời phát hiện, ngăn chặn cơ sở hành nghề không phép, có dấu hiệu lừa đảo để bảo vệ sức khỏe, tài sản của người dân.

Ông Lê Quang Hùng cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định phải có biện pháp phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh việc tuyên truyền, để người dân nắm thông tin nhằm tránh bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo. 

Theo ông Hùng, chỉ có các cơ sở y tế đã thực hiện công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin và được Sở Y tế tỉnh Bình Định công khai danh sách trên trang thông tin điện tử của sở này thì mới được tiêm vắc xin phòng bệnh. Người dân không được tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh tại nhà cá nhân như trường hợp của đối tượng Sương.

Liên quan đến vụ lừa đảo tiêm vắc xin giả nói trên, đối tượng Sương khai đã lừa tiêm các loại vắc xin giả cho khoảng 30 người ở TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước.

Công an TP Quy Nhơn đã làm việc với 9 bị hại trong vụ lừa đảo này. Những bị hại này khai báo, số tiền đã đưa cho Sương để tiêm ngừa các loại vắc xin, người cao nhất gần 8 triệu đồng, người thấp nhất 1,4 triệu đồng.

Đọc thêm