Sĩ Nhiếp có phải là ông tổ ngành giáo dục Việt Nam?

(PLVN) - Lâu nay người Việt thường nhắc tới thầy Chu Văn An, Võ Trường Toản… là những người gieo chữ, mở đầu cho sự nghiệp giáo dục của nước ta. Tuy nhiên, ngay từ thời kỳ Bắc thuộc lần 2, Thái thú Sĩ Nhiếp đã có công phát triển Nho giáo và Hán ngữ tại đất Việt. 
Cổng đền thờ Sĩ Nhiếp (Thuận Thành, Bắc Ninh).
Cổng đền thờ Sĩ Nhiếp (Thuận Thành, Bắc Ninh).

“Nam giao học tổ”

Theo sử liệu, Sĩ Nhiếp (137 - 226) là Thái thú Giao Chỉ vào cuối đời nhà Hán. Qua giai đoạn Tam Quốc, ông cát cứ và cai trị Giao Châu. Do ông đã thực thi nhiều chính sách tiến bộ nên được hậu thế tôn làm Nam Giao học tổ. Ông được cho là người đầu tiên mở đường cho Nho giáo ở Việt Nam, đem chữ Hán và tổ chức hệ thống học, dạy chữ nho cho người Giao Chỉ. 

Sử gia lớn Nhà Lê sơ, Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Nước ta thông thi thư, học lễ nhạc, làm một nước văn hiến, là bắt đầu từ Sĩ Vương, công đức ấy không những chỉ ở đương thời mà còn truyền mãi đời sau, há chẳng lớn sao? Con không hiền là tội của con thôi. 

Tục truyền rằng sau khi Sĩ Vương mất được chôn cất cẩn thận. Đến cuối thời nhà Tấn hơn 160 năm sau, người Lâm Ấp vào cướp, đào mộ của Sĩ Vương, thấy mình mặt vẫn như sống, cả sợ lại đắp lại, người địa phương cho là thần, làm miếu để thờ gọi là “Tiên Sĩ Vương”. Có lẽ là khí tinh anh không nát, cho nên thành thần vậy”.

Sĩ Nhiếp là viên quan do nhà Hán đưa sang nhưng không phải người Hán mà là người Việt. Bởi tổ tiên của ông là người Vấn Dương nước Lỗ. Khi Vương Mãng thay ngôi Nhà Hán, tổ tiên Sĩ Nhiếp mới tránh loạn sang tỵ nạn Giao Châu, tới Nhiếp là sáu đời.

Ông sang Bắc Kinh du học, được làm quan rồi bổ về nhậm chức ở quê quán. Suốt trong 40 năm ông giữ chức là thời kỳ Trung Quốc tao loạn. Ông đã khéo lèo lái, tránh cho Giao Châu khỏi lâm vào vòng tranh chấp giữa các thế lực Ngụy – Ngô.

Sự thông tuệ của ông được chính những viên quan nhà Hán hết lời khen ngợi, đồng thời cũng lý giải cho việc ông đưa ra nhiều chính sách về giáo dục của nước ta thời kỷ Bắc thuộc. Điều đó thể hiện qua lá thư của Viên Huy, vốn là quan nhà Hán bấy giờ đang ở Giao Châu, gửi cho Thượng thư lệnh Nhà Hán là Tuân Úc năm 207.

Lá thư viết: “Giao Châu Sĩ phủ quân đã học vấn sâu rộng lại thông hiểu chính trị, trong thời buổi đại loạn, giữ vẹn được một quận hơn hai mươi năm, bờ cõi không xảy ra việc gì, dân không mất nghiệp, những bọn khách xa đến trú chân đều được nhờ ơn, dẫu Đậu Dung giữ đất Hà Tây cũng không hơn được.

Khi việc quan có chút nhàn rỗi thì chăm xem các sách thư, truyện. Phàm những chỗ biên chép không rõ ràng trong sách Xuân Thu Tả Thị truyện, (tôi) đem hỏi, đều được ông giảng giải cho những chỗ nghi ngờ, đều có kiến giải của bậc thầy, ý tứ rõ ràng, chặt chẽ. Lại như sách Thượng thư, cả cổ văn và kim văn, những ý nghĩa to lớn, ông đều hiểu biết tường tận, đầy đủ”.

Tuy nhiên, một số sử gia phong kiến chính thống và hiện đại cho rằng việc suy tôn Sĩ Nhiếp là người có công khai phá Nho học ở Việt Nam không chắc đã đúng. Theo Việt sử lược (là một cuốn lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán của một tác giả khuyết danh ra đời vào nhà Trần), điều đó không chắc đã đúng. 

Việt sử lược ghi rằng: “Nhà làm sử thường cho nước ta (Việt Nam) có văn học là khởi đầu từ Sĩ Nhiếp. Cái ý kiến đó có lẽ không phải. Vì rằng từ khi Nhà Hán cai trị đất Giao Chỉ đến đời Sĩ Nhiếp đã được hơn 300 năm, người Giao Chỉ đã có người học hành thi đỗ hiếu liêm, mậu tài. Vậy nói rằng đến ông Sĩ Nhiếp mới có Nho học thì chẳng sai lắm ru.

Hoặc giả ông ấy là một người có văn học trong khi làm quan, lo mở mang sự học hành, hay giúp đỡ những kẻ có chữ nghĩa, cho nên về sau mới được cái tiếng làm học tổ ở nước Nam, tưởng như thế thì có thể hợp lẽ hơn”.

Ai là ông tổ ngành giáo dục nước Việt vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.
 Ai là ông tổ ngành giáo dục nước Việt vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.

Mặc cho những tranh cãi, ngày nay ngay trên đất Thuận Thành, Bắc Ninh vẫn còn đền thờ Sĩ Nhiếp và những câu chuyện về công lao của ông phát triển ngành giáo dục Việt Nam.

Ngôi đền suy tôn công đức

Ngày nay, người dân làng Tam Á, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh thuộc vùng đất Luy Lâu xưa kia vẫn lan truyền bài thơ: “Dạy dân thông hiểu điều thi lễ/ Xứng là học tổ đất trời Nam/ Lăng mộ nghìn thu cừu trấn phục/ Tam quan cổng đón đất nho sinh”.

Được biết những lời này nói về Thái thú Sĩ Nhiếp, đền thờ ông ngày nay được đặt tại làng Tam Á. Nơi đây còn lưu truyền những câu chuyện nhuốm mà huyền bí về cuộc đời cũng như sự nghiệp Nho học của ông. 

Tương truyền từ thành Luy Lâu nay thuộc huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh, có lần Sĩ Nhiếp cùng đoàn tuỳ tùng đi kinh lý qua làng Tam Á thấy một vùng phong thuỷ lạ, dưới sông đàn cá lớn nổi đầu cùng chầu về một hướng có khu đất cao um tùm cổ thụ. Sĩ Nhiếp xuống ngựa quan sát và thăm hỏi dân làng. Sau khi ông quy tiên, dân làng dựng đền thờ ông tại khu đất được cho là linh thiên này. 

Khu di tích Đền và lăng mộ Sỹ Nhiếp nằm trên một gò đất cao phía Tây Bắc cuối làng Tam Á. Theo các tài liệu và văn bia còn được lưu giữ tại đây cho biết, vị trí gò đất này chính là nơi Sỹ nhiếp đã mở trường dậy chữ Hán và truyền thụ Nho Giáo đầu tiên ở nước ta.

Ngôi đình hiện nay được tạo dựng theo kiểu chữ “Đinh” gồm 5 gian tiền tế phía trước, tiếp lối là 3 gian hậu cung, liên kết kiến trúc kiểu giá chiêng, chồng giường, kẻ truyền. Đặc biệt, phía ngoài đền vẫn còn hiện hữu công trình kiến trúc to lớn cổ kính là cổng đền, có kiến trúc theo lối ngũ môn hai tầng 8 mái. Phía trên cổng vẫn còn rõ 4 chữ Hán lớn đắp nổi “Nam giao học tổ” ở mặt trước và mặt sau là “Hữu công nho giáo”. Đồng thời có các câu đối bằng chữ Hán được ghi trên mặt trong, ngoài trụ cột của cổng đền. 

Trong hậu cung đền thờ tượng Sỹ Nhiếp chất liệu bằng đồng, hai bên phía ngoài là các tượng quan văn, võ đứng chầu, mỗi bên 5 tượng. Tổng thể hậu cung có 10 tượng với vai trò cận vệ bằng đất cao 1.60m. 

Trong đền hiện còn 3 bia đá: “Sỹ Vương miếu bi ký tinh mệnh” có niên đại TK XVII; Bia “Lệnh luận bi”, dựng năm 1801; Bia “Lệnh chỉ bi ký” dựng năm 1763.

Những tấm bia này có nội dung ca ngợi công lao của Sỹ Nhiếp trong việc truyền dậy chữ Nho và lễ thức nho giáo vào nước ta. Khu lăng mộ phía sau đền, hướng tây bắc, xung quanh xây tường hoa con tiện và một ban thờ ở chính giữa phía trong lối vào trước gò mộ của Sỹ Nhiếp.

Khu vực lăng mộ trước đây là cánh rừng cổ thụ rộng 4 mẫu. Tương truyền khi ngài mất, 99 người học trò về viếng thầy, mỗi người mang theo một nắm cơm. Nhưng vì thương nhớ thầy, không ai cầm lòng ăn được đã để lại, sau này hóa thành 99 gò nổi xung quanh khu lăng mộ.

Câu chuyện nhuốm màu huyền tích về tình cảm xót thương của những người học trò dành cho người thầy đáng kính. Giờ đây câu chuyện đã hóa thành đất đai, gò đống như minh chứng cho sự trường tồn của tình nghĩa thầy trò.

Lăng Sĩ Nhiếp hiện nay không còn được rộng lớn như trước. Khu vực lăng là một khoảng đất nhỏ xung quanh xây tường hoa có gắn con tiện và một ban thờ ở chính giữa. Dấu ấn nổi bật của khu vực trước lăng là một con cừu đá, tương truyền do các cao tăng của Ấn Độ khi về đây thuyết pháp đã tạc nên.

Lăng mộ của Sĩ Nhiếp ngày nay.
 Lăng mộ của Sĩ Nhiếp ngày nay.

Trước đây vốn có hai con nhưng sau đó, một con chạy ra ruộng phá lúa của dân. Mẫu Man Nương đã làm phép đánh lõm lưng và bắt về chùa Dâu tu tập. Cho đến nay, một con cừu vẫn phủ phục trước lăng Sĩ Nhiếp, con còn lại vẫn ở chùa Dâu.

Thêm đó, con đường lát gạch nghiêng chạy giữa cánh đồng gần ngôi đền cũng được dân làng tôi thời cổ cho rằng có hình dáng thành cái ngó sen. Cùng với đó đền thờ Sĩ Vương thành cái đài sen, tôn vinh thế đất làng sang quý. Con đường ấy được đặt tên là đường cái Ngu. Nhiều người cho rằng cái tên đó có lẽ biến âm của Nghiêu, tên một triều đại vua sáng tôi hiền khuôn mẫu trong cổ sử phong kiến phương Bắc.

Theo nhiều cụ cao niên trong làng Tam Á, bởi làng có thế đất quý như vậy mà khi xưa mỗi khi xây dựng làng còn để nguyên dải sống đất bề ngang chừng hai thước, chạy dọc dải đất làng như cái cột sống, không ai dám xâm phạm.

Từ cái sống đất thiêng ấy, hai phần ba hộ dân trong làng quay mặt làm nhà hướng Nam, trông ra ba cánh ruộng trũng thuộc diện đẳng điền thường chuyên cấy lúa nếp hoa vàng. 

Một phần ba số hộ làm nhà quay mặt hướng Bắc trông xuống bến sông Hoàng giang khởi từ chân thành Ốc xuôi về vùng Kinh Bắc. Đấy là luật bất thành văn, bất kể giầu nghèo sang hèn không ai dám trái lệ.

Người làng Tam Á ngày nay vẫn thường than thở rằng: nền đất miếu cổ thời hợp tác hoá dựng nhà hộ sinh xã để chị em “có chỗ sinh nở” hàng chục năm trời. Còn sống đất làng bị chiếm dụng hết, có gia đình cơi nới sân, có hộ làm công trình phụ nên đất làng mất thiêng. 

Trước đây, làng Tam Á có nhiều người đỗ đạt làm quan to trong triều đình, âu cũng là do thế đất linh thiêng, nhưng ngày nay không còn nhiều người đỗ đạt nữa. 

Đọc thêm