Thư viện trở thành điểm 'nóng' du lịch

(PLVN) - Một kỷ nguyên mới cho ngành thư viện trên toàn thế giới đã được triển khai vài năm gần đây. Không chỉ là một “kho sách” đơn thuần như trước, thư viện kiểu mới là một nơi gặp gỡ sinh động với chức năng mở cho tất cả mọi người. 

Cuộc “cách mạng” của ngành thư viện

Khoảng một thập kỷ trước, ngành thư viện trên toàn thế giới phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Bởi chức năng quan trọng nhất của thư viện là cung cấp sách và cập nhật thông tin cho công chúng dường như đã bị thay thế bởi sự nhanh, tiện, rẻ của sách điện tử, Internet và những trang bán sách trực tuyến như Amazon.com, còn ở Việt Nam có Tiki.com.

 

Để đấu tranh cho sự sống còn, bà Loida Garcia Febo - Chủ tịch Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ, cho rằng ngành thư viện phải “xác định lại cuộc chơi của mình”, tức là xác định lại vai trò của các thư viện trong đời sống hiện đại. Từ đó, bà đã đưa ra nhiều những sáng kiến tuyệt vời mà sau nhiều năm kêu gọi đầu tư và nỗ lực đổi mới; đến nay, cả thể giới có thể chiêm ngưỡng hàng chục thư viện kiểu mới tại một số nước tiên tiến, là điểm đến thu hút hàng triệu du khách và chắc chắn chúng không giống với những “kho sách” truyền thống như hàng thập kỷ trước đây bởi sự đầy đủ các tiện nghi cao cấp, ví như vườn trên sân thượng, công viên, không gian vui chơi, rạp chiếu phim, phòng chơi game, trung tâm mua sắm, phòng trưng bày nghệ thuật, nhà hàng…. Thậm chí có những tiện ích được thiết kế khá kỳ quặc như tại thư viện Aarhus (Đan Mạch), chiếc chuông khổng lồ sẽ reo lên mỗi khi có một đứa trẻ được sinh ra ở bệnh viện gần đó. 

Không chỉ là nơi giải trí, thư giãn, tìm tòi kiến thức, bà Garcia Febo cho rằng nhiều thư viện còn là nơi tuyệt vời để cung cấp không gian làm việc cộng đồng, và tất nhiên là miễn phí. Không chỉ là những cửa hàng cafe, nhiều thư viện kiểu mới hiện nay còn trang bị những phòng họp hoành tráng, phù hợp với cuộc gặp gỡ giữa các đối tác kinh doanh; hoặc buổi gặp gỡ riêng với các chuyên viên tư vấn; hoặc những lớp học các kỹ năng quan trọng, hoạt động teambuilding (hoạt động xây dựng, gắn kết nhân viên). 

Xu hướng mới hiện nay, các thư viện đang hướng tới cung cấp cho công chúng những tính năng mà họ không thể có được ở nhà, ở cơ quan, hay một thư viện thông thường. Hai mươi năm trước, thư viện có thể chỉ có sách. Nhưng ngày nay, các thư viện còn cập nhật những công nghệ mới đắt đỏ như máy in 3D, máy cắt laser, phòng thu, phòng phát sóng các sản phẩm âm nhạc, phim. Khách hàng có thể đến thư viện để “truy cập” trước khi họ quyết định mua. Hoặc họ đơn thuần chỉ đến đây để thử trải nghiệm với những công nghệ họ không bao giờ có đủ khả năng sở hữu.

Chính bởi những yêu cầu trên, nhiều toà nhà được thiết kế tinh vi bởi những kiến trúc sư nổi tiếng thế giới, nhằm tạo ra những hình ảnh trực quan cuốn hút nhất ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Thư viện Trung tâm Oodi, Helsinki, Phần Lan

 

Ngày 6/12/2018 là ngày lễ kỷ niệm 101 năm Phần Lan giành được độc lập từ nước Nga. Một ngày trước đó, người Phần Lan được nhận một món quà kỷ niệm đáng giá: Thư viện Trung tâm Oodi. Mặt tiền thư viện được làm gần như hoàn toàn bằng vân sam có nguồn gốc từ Phần Lan. Cấu trúc thép xen lẫn thuỷ tinh mang đến một vẻ ngoài mềm mại, lôi cuốn. Chính phủ Helsinki đã chi trả 68 triệu euro cho dự án này, cũng như vị trí đắc địa đối diện với Quốc hội Phần Lan. Công ty  ALA Architects đã vượt qua hơn 543 đối thủ để giành được quyền thiết kế công trình lịch sử này. Với diện tích hơn 17.000 mét vuông, chỉ một phần ba không gian ở đây được phân bổ cho sách, được vận chuyển bởi các robot thông minh được thiết kế đặc biệt; phần còn lại là không gian cộng đồng được thiết kế để gặp gỡ và làm việc. 

Chỉ một phần ba không gian trong thư viện được sử dụng để sách với 100.000 cuốn sách. Nhờ có các dịch vụ trực tuyến và một nhóm robot phân loại sách, người dùng có thể truy cập vào gần 3,4 triệu hạng mục sách chỉ với cú nhấp chuột. Điều này làm cho Oodi trở thành điểm dịch vụ chính trong một hệ thống thư viện phân loại sách rộng lớn. Không chỉ có sách, thư viện còn có phòng thu âm, nhà bếp, phòng chơi game với máy chơi game Playstation với không gian 3D, máy chiếu, màn hình điện tử… ấn tượng. 

Ba tầng của thư viện có các mục đích khác nhau. Tầng trệt rộng mở với nhà hàng, rạp chiếu phim, trung tâm thông tin của Liên minh châu Âu, một số khu vực cho các buổi hòa nhạc với mục đích khuyến khích người dân hòa nhập. Tầng hai với các thiết bị điện tử, các phòng làm việc, dành cho các hoạt động sáng tạo ồn ào. Một “xưởng” sản xuất ở tầng hai là không gian được phân bổ để may, làm huy hiệu với đầy đủ máy may, máy quét và máy in, máy cắt laser và trạm hàn, thậm chí có nơi chơi trống. Tầng trên cùng còn được gọi là “thiên đường” của những tín đồ sách, người tham quan có thể nằm dài trên những chiếc thảm len dưới tán cây xanh trong một không gian thoáng rộng và vô cùng yên tĩnh.

Chính vì những tiện ích này, đến tháng 3/2019, Oodi đã chào đón vị khách thứ một triệu. Bà Anna-Maria Soininvaara - Giám đốc thư viện cho hay: “Chúng tôi đã chào đón du khách từ khắp nơi trên thế giới, chủ yếu là từ châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Số sách trên kệ sẽ không bao giờ là đủ cho những người yêu sách. Minh chứng là các kệ sách ở đây luôn chỉ trống một nửa bởi những cuốn sách đã được người khác mượn đọc”.

Thư viện Quốc gia Qatar, Doha, Qatar

 

Khai trương vào tháng 4/2018, thư viện Quốc gia Qatar được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Hà Lan, Rem Koolhaas. Đây là biểu tượng của thành phố giáo dục Doha, cũng đại diện cho một đất nước luôn tôn kính việc học hành. 

Thư viện khổng lồ này chứa trên một triệu cuốn sách và không gian cho hàng ngàn độc giả trên diện tích 42.000 mét vuông. Các cạnh của tòa nhà được nâng lên cao hơn, tạo ra không gian hình tam giác ở trung tâm. Kết cấu này cho phép mọi người tiếp cận vào tòa nhà từ trung tâm của nó. 

Ước tính ngay lối vào của thư viện đã có những giá sách chứa gần một triệu cuốn sách, gồm 137.000 cuốn sách cho trẻ em và 35.000 cuốn sách cho thanh thiếu niên. Tiến sĩ Sohair Wastawy – Giám đốc điều hành thư viện, cho biết: “Những giá sách này được xây dựng trên một mặt nghiêng, trông như thể chúng sắp rơi ra khỏi sàn. Đó là một hình ảnh ẩn dụ cho tinh thần ham học hỏi, khuyến khích người tham quan đến lấy những cuốn sách ấy xuống khỏi kệ”.

Theo đó, trần nhà cao hơn 20 mét, được làm hoàn toàn bằng kính, chứa một thông điệp là “ánh sáng rất cần thiết đối với học tập”. Các kệ sách trở thành một phần của công trình cả về vật chất – chúng được làm từ vật liệu đá cẩm thạch trắng giống như sàn nhà và các cơ sở hạ tầng khác, giúp phản chiếu ánh sáng tự nhiên, tạo điều kiện đọc sách tốt nhất.

Bộ sưu tập di sản được đặt ở trung tâm của thư viện, trong một không gian sâu sáu mét, ốp đá travertine màu be, bao gồm 11 phòng, chứa đầy các di sản vật thể quan trọng của thành phố Doha và đất nước Qatar. Ý nghĩa của việc để một “thư viện di sản” chìm sâu xuống so với mặt đất tại trung tâm của thư viện hàm ý “di sản là gốc rễ của quốc gia, gốc rễ của đất đai và nhiệm vụ của con người là khai quật và lưu giữ và bảo tồn nó, theo Tiến sĩ Wastawy.

 

Không chỉ mang nhiều ý nghĩa nhân văn đối với đất nước này cũng như với du khách bốn phương, Thư viện Quốc gia Qattar còn là nơi hàng trăm hoạt động sự kiện miễn phí diễn ra hàng tháng, đặc biệt là các sự kiện về nghệ thuật, âm nhạc. Thậm chí, ở đây còn có phòng thí nghiệm để viết nhạc, phòng thu âm, phòng phát sóng và không gian chơi cho trẻ em ở mọi lứa tuổi. Không chỉ là nơi cả gia đình có thể đến cả ngày mà không chán, đây cũng là điểm đến gây ấn tượng sâu sắc với du khách khi chạm chân tới thành phố Doha hiện đại.

Hai thư viện kể trên nằm trong xu hướng thư viện kiểu mới đang tạo nên một kỷ nguyên đặc sắc dành cho ngành thư viện ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Có thể kể tới những tên tuổi nổi bật khác như Thư viện Tianjin Binhai (Binhai, Trung Quốc); Central Library (Austin, bang Texas, Hoa Kỳ); Deichman Bjørvika (Oslo, Na uy); Bảo tàng Văn học (Dublin, Ailen)…

Được đầu tư, thiết kế hoành tráng, mỗi thư viện kiểu mới có thể mang đến những khung cảnh ngoạn mục khác nhau trong mắt du khách. Nhưng quan trọng hơn hết, ấy là ý nghĩa nhân văn đằng sau hành động này: nhằm đề cao, nuôi dưỡng và lan toả văn hoá đọc sách và truyền thống hiếu học ở mỗi quốc gia trước sự “xâm lăng” của tính lười biếng, ỷ lại và quá phụ thuộc vào công nghệ ngày nay.

Đọc thêm