Tìm biện pháp tránh bổ nhiệm người nhà

(PLO) - Bổ nhiệm cán bộ là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm và đặt câu hỏi tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chiều qua (16/11). Trả lời các ĐB, ông Tân thừa nhận có hiện tượng bổ nhiệm nhiều ở cuối nhiệm kỳ. 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.

Năm 2017 sẽ thanh tra trọng tâm về đề bạt, bổ nhiệm 

Tại phiên chất vấn, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đặt câu hỏi “Có hay không có tình trạng bổ nhiệm ồ ạt cán bộ vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ, trong đó có những người không đủ năng lực” cũng như trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc thanh, kiểm tra khi để xảy ra tình trạng này và hướng khắc phục. 

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Tân nói: “Đến giờ này, theo báo cáo sơ bộ của chúng tôi thì hiện tượng bổ nhiệm nhiều ở cuối nhiệm kỳ là có”. Nhưng ông cho rằng cần phân tích rõ là bổ nhiệm lại và bổ nhiệm mới, bổ nhiệm đúng tiêu chuẩn, đủ điều kiện và đúng quy hoạch. “Vấn đề này cần có thời gian Bộ sẽ tiến hành thanh tra một số nơi mà thấy cần thanh tra công vụ để làm rõ vấn đề. Thủ tướng Chính phủ (TTCP) đã chỉ đạo thanh tra công vụ tiến hành thanh tra 2 doanh nghiệp. Khi có kết quả cụ thể chúng tôi sẽ có báo cáo”, ông Tân cho hay.

Về trách nhiệm của Bộ Nội vụ, ông Tân cho biết, trong thời gian qua việc thanh tra công vụ của Bộ Nội vụ đã làm rất nhiều nhưng tập trung vào việc tổ chức biên chế, thi tuyển vào công chức. Trong năm 2017, Bộ sẽ đặt vấn đề đề bạt, bổ nhiệm làm trọng tâm về thanh tra công vụ. “Chúng tôi sẽ tiến hành thanh tra đối với một số bộ, ngành và các địa phương để giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là ở cuối nhiệm kỳ, xem đây là một công việc thường xuyên để đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý”, ông khẳng định.

Về kiểm tra việc bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng ở tỉnh Hải Dương gây bức xúc trong dư luận, ông Tân cho hay, với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tiến hành thanh tra Nhà nước về mặt công vụ đối với Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương. Cơ quan này có 46 người thì có 44 người là lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên. Đối với UBND tỉnh Hải Dương chưa có quy định cấp phòng có bao nhiêu cán bộ lãnh đạo. Sở có 9 phòng thì thừa 8 phó phòng. Sau khi làm việc với tỉnh Hải Dương thì 1 người đã trở về vị trí cũ và 7 người còn lại xin rút, không nhận chức phó phòng. 

Bộ Nội vụ đã kiến nghị UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Sở LĐTB&XH thực hiện đúng quy định về chức danh lãnh đạo cấp phòng, cụ thể không quá 3 phó phòng, khi đề bạt bổ nhiệm đảm bảo đúng tiêu chuẩn, thực hiện đúng quy trình, xử lý nghiêm đối với những người làm công tác tham mưu đề bạt bổ nhiệm quá số lượng quy định, làm xã hội bức xúc. 

Cần nghiên cứu lại quy trình 

Ông Tân cũng cho biết, Bộ đã báo cáo TTCP trong việc bổ nhiệm người nhà với 9 địa phương. “Qua báo cáo lần này, chúng tôi đề nghị Thủ tướng có chỉ đạo UBND các tỉnh trong việc bổ nhiệm cán bộ phải thực hiện đúng tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình bổ nhiệm cán bộ theo quy định của Đảng và Nhà nước”, ông nói. Bộ trưởng Nội vụ cũng nhấn mạnh việc tuyển chọn cán bộ phải áp dụng rộng rãi, công khai, minh bạch, dân chủ và đề nghị nên xem xét xử lý đối với những trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc tham mưu không đúng tiêu chuẩn, điều kiện cũng phải đưa ra rút lại những quyết định bổ nhiệm không đúng theo tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình trong thời gian qua.

Ông Tân cũng thừa nhận trong thời gian qua việc thẩm định hồ sơ để bổ nhiệm, đề bạt đối với cán bộ còn rất nhiều khoảng hở. “Có thể nói, trong phân cấp để xét tuyển, làm đúng quy trình, tiêu chuẩn nhưng khi bổ nhiệm lại có sai phạm. Như vậy, cần nghiên cứu lại quy trình”, ông Tân nói.

Đối với giải pháp cho vấn đề đề bạt, bổ nhiệm, theo ông Tân, sắp tới Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các nghị định, xây dựng các quy trình đề bạt, bổ nhiệm phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, chuyên viên cấp vụ đến cấp lãnh đạo. Trên cơ sở đó, cấp nào sai, cấp đó phải chịu trách nhiệm. 

“Đây là vấn đề cần sự phân định nhiệm vụ thật rõ ràng, quy định trách nhiệm rõ ràng của từng cấp để khắc phục tình trạng khi bổ nhiệm rồi nhưng cán bộ không đúng chuẩn lại không ai chịu trách nhiệm. Để công khai, minh bạch cho việc bổ nhiệm cán bộ, Bộ Nội vụ đã trình Bộ Chính trị đồng ý, Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới công tác tuyển chọn. Đây là một trong những giải pháp tránh tình trạng bổ nhiệm người nhà”, ông nói.

Mới tinh giản được 17.000 người 

Tại phiên họp, trước những băn khoăn của các ĐB về lộ trình tăng lương, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết tiền lương là vấn đề rất phức tạp, rất khó khăn. Theo lộ trình tiền lương đã báo cáo Bộ Chính trị tại tờ trình của Ban Cán sự Đảng Chính phủ thì đến nay lộ trình tiền lương đã thông qua tại 5 lần kỳ họp của Trung ương. 

Bắt đầu từ năm 2013, chúng ta xác định mức lương tối thiểu trước đây là 1.150.000. Trong hai năm 2014, 2015 tiền lương cơ sở không tăng, và năm 2016 tiền lương cơ sở chúng ta chỉ tăng 7% (lên 1.210.000 đồng). Nếu năm 2017 theo đề nghị của Bộ là trả nợ cho những năm trước không tăng cộng với phần của năm 2016 thì phải tăng 26%, mức lương này lên tới 1.410.000 đồng. Như vậy thì tổng chi ngân sách quá lớn. Do đó, vừa rồi Ban Chỉ đạo Cải cách tiền lương đã họp và đề nghị QH năm 2017 chỉ tăng 7%, tức là lương cơ sở là 1.300.000 đồng. Trong giai đoạn 2016-2020, tình hình thu ngân sách rất khó khăn và hiện nay chi cho tiền lương mất 1/3 trong chi ngân sách cho khoảng 6,5 triệu người hưởng lương và chế độ nên để thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới trước mắt sẽ thực hiện nghiêm tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Theo Bộ trưởng Tân, trong hai năm vừa qua, chúng ta mới chỉ tinh giản được hơn 17.000 người, theo mục tiêu là tinh giản 5% biên chế, nếu thực hiện bình quân mỗi năm phải tinh giản 36.000 người. Do đó, đối với các cơ quan hành chính nhà nước, khối Đảng, đoàn thể, các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần thực hiện nghiêm theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Còn các đơn vị sự nghiệp thì ngoài việc tinh giản 10% biên chế đến năm 2020 thì khuyến khích xã hội hóa theo tự chủ tự lập. 

“Nếu đến 2021 các đơn vị tự chủ tự lập giảm được 20%, cộng với 10% công chức thì chúng ta có cơ sở và điều kiện để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương”, ông Tân nói. Ngoài ra, ông Tân cho rằng: “Mức lương cơ sở tăng lên 1300.000  từ 1/7/2017 nhưng để đảm bảo cuộc sống tối thiểu hiện nay phải đảm bảo 3.300.000. Như vậy chúng ta chưa đạt được 50% mức lương tối thiểu cho nên lộ trình tăng lương trong thời gian tới cần nhiều giải pháp như tinh giản biên chế, tiết kiệm chi để dành một phần ngân sách cho tăng lương trong thời gian tới”. 

Không phải nghỉ hưu là sẽ “hạ cánh an toàn”

Về trường hợp của ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Tân cho biết, hiện nay Ban Bí Thư đã có quyết định cách chức Bí thư Ban Cán sự Đảng đối với nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong giai 2011-2016. Riêng về mặt Nhà nước, hiện nay theo chỉ đạo của Ban Bí thư đã giao cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ phối hợp QH và các cơ quan chuyên môn xem xét xử lý về mặt hành chính kịp thời, tương ứng theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước. “Nhưng đây là vấn đề khó, chưa có tiền lệ nên Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các ban chuyên môn tham mưu cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Đảng bộ QH để có biện pháp xử lý về mặt hành chính”, ông Tân nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, điều này chứng tỏ quyết tâm xử lý những người đã nghỉ hưu có vi phạm chứ không để nghỉ hưu là sẽ “hạ cánh an toàn”: “Nguyên tắc này cũng sẽ cảnh báo cho những người còn đang tại chức phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Đây là vấn đề khó, mới, chưa có, chúng ta phải tạo cơ sở, hành lang pháp lý để giải quyết những trường hợp sau này”.

Vẫn theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ đang chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Cán bộ, công chức, sẽ sửa đổi những quy định của Luật Cán bộ, công chức theo hướng thể hiện cao về tinh thần, trách nhiệm kể cả đương chức và nghỉ hưu. Trong thời điểm chưa sửa đổi được Luật Công chức, viên chức, những văn bản cần có quy định phù hợp để xử lý trước mắt đối với những trường hợp cán bộ vi phạm đã nghỉ hưu. 

Đọc thêm