Tú Hoa - Nữ tiểu thuyết gia Nam kỳ bí ẩn

(PLVN) - Vào thời chiến tranh Đông Dương, ở miền Nam có 3 nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng là: Tú Hoa, Tùng Long và Lan Phương. Tuy nhiên, ngoài tác phẩm của bà Tùng Long, bà Lan Phương, dường như ít người nhớ đến nữ sĩ còn lại – bà Tú Hoa.

Không biết Tú Hoa tên thật là gì, sinh và mất năm nào, cũng không có bất kỳ hình ảnh nào về bà. Tuy nhiên trong một số bài viết của các tác giả “có tiếng” trước đây nhiều lần nhắc đến tên bà. Theo đó, cái tên Tú Hoa cũng vang dội một thời trong giới văn chương giai đoạn 1930 – 1945, được đánh giá là một nữ tiểu thuyết gia của Nam Kỳ thời này.

Trong tập sách “Nao nức hội trăng rằm”, ở chương viết về “Bình Nguyên Lộc – Tổng quan văn chương vùng đất Đồng Nai”, nhà văn Hồ Trường An đã nhiều lần nhắc đến nữ sĩ Tú Hoa. Các cứ liệu này cho biết: “Miền Nam vào thời chiến tranh Đông Dương có 3 nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất là bà Tú Hoa, bà Tùng Long và bà Lan Phương”. Trong đó, bà Tú Hoa đi đầu trong “bảng xếp hạng”. Bà Tùng Long và bà Lan Phương có thể nói là thế hệ “đàn em” tiếp nối. 

Về nữ sĩ Tú Hoa, theo nhà văn Hồ Trường An, “vào thời tiền chiến, bà đã đoạt giải Tự Lực Văn Đoàn qua cuốn tiểu thuyết “Bóng Mơ”. Sau đó, bà viết thêm vài cuốn tiểu thuyết nữa cũng khá ăn khách, tuy nhiên không hiểu sao bắt đầu từ năm 1964 bà ngưng viết luôn”. 

Tác phẩm “Lưu Luyến” được in đúng vào năm 1964, trùng khớp với ghi chép của nhà văn Hồ Trường An “không hiểu sao bắt đầu từ năm 1964 bà ngưng viết luôn”. Có thể “Lưu Luyến” là tác phẩm sau cùng của Tú Hoa được ấn hành rộng rãi.

Bìa tác phẩm “Lưu Luyến” của Tú Hoa.
 Bìa tác phẩm “Lưu Luyến” của Tú Hoa.

Trong bài viết của Hồ Trường An còn cho thấy bà Tú Hoa đa số viết truyện tình cảm gay cấn, éo le với những nhân vật được mô tả sơ sài về mặt tâm lý,  thường là tự sáng tác chứ không phóng tác tiểu thuyết và phim ảnh ngoại quốc. Điều này có thể minh chứng qua tác phẩm “Lưu Luyến”.

Cũng như nhiều nhà văn vào thuở Nam Bộ Kháng Chiến, bà Tú Hoa “viết văn bằng giọng văn Bắc Nam pha trộn, nhưng rất mềm dịu, du dương với ngôn ngữ dân đô thị lúc viết nhật ký hay lúc viết thư tâm sự hay thư tình. Thế có nghĩa dù viết văn không có chêm những tiếng nhỉ, nhé, ư, ạ, eo ơi, thảo nào, thế à... nhưng ngôn ngữ được sử dụng rất trung tính, không phảng phất sương khói ngôn ngữ Bắc Kỳ, không vết điêu khắc giọng văn Huế, không đậm đặc ngôn ngữ Nam Kỳ”.

Trong bài viết “Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội với tùy bút “Dưới Mái Trăng Non” trong tập “Nao nức hội trăng rằm”, nhà văn Hồ Trường An cũng hé lộ hướng đi văn chương của Tú Hoa sau thành công với “Bóng Mơ”. “Còn bà Tú Hoa dù có quyển tiểu thuyết “Bóng Mơ” đoạt giải Tự Lực Văn Đoàn đi nữa, nhưng về sau lại bà Tú Hoa xoay qua viết tiểu thuyết diễm tình, mở đường cho hai bà Lan Phương và Tùng Long làm mưa làm gió trong giới độc giả bình dân ở Miền Nam Việt Nam”. 

Trong tạp chí Tri Tân số 59 tháng 8/1942, Kiều Thanh Quế đã có bài viết “Phê bình “Bóng mơ” – tiểu thuyết của bà Tú Hoa”. Trong đó có đoạn: “Nhiều bạn làng văn ở Nam Kỳ bảo rằng, trước “Bóng Mơ”, bà Tú Hoa, dưới một bút danh khác, đã có viết nhiều tiểu thuyết rồi. Bảo thế là ngụ ý rằng ngọn bút Tú Hoa cũng đã quen với nghề văn lâu rồi. Nhưng các tiểu thuyết của bà đã xuất bản từ trước đều viết theo một lối văn xưa: nghĩ sao viết vậy, không đếm xỉa đến cú pháp là gì cả! Ngày nay khác! Bà hành văn theo lối mới: đúng cú pháp và cốt được giản dị, rõ ràng. Bước đầu của sự thay đổi lối văn hay là sự phôi thai của một tài nghệ bao giờ cũng là giai đoạn ngượng nghịu, ngỡ ngàng... Ước mong rằng giai đoạn phôi thai tài nghệ của bà Tú Hoa rồi đi qua, để đưa ngòi bút bà đến thời kỳ điêu luyện...”. 

Từ đó có thể thấy “Bóng Mơ” là điểm sáng trong sự nghiệp văn chương của Tú Hoa, đánh dấu sự thay đổi ngoạn mục so với các tác phẩm trước đó. Còn về sau, các tác phẩm “cũng khá ăn khách”, “xoay qua viết tiểu thuyết diễm tình” chỉ là những nhận xét chung chung, không có bất kỳ cơ sở hay cứ liệu nào để có thể biết được con đường văn chương của Tú Hoa phát triển như thế nào sau “Bóng Mơ”. Đây vẫn làm điều thắc mắc mà nhiều bạn đọc yêu văn chương cũng đành bỏ ngỏ và tiếp tục chờ đợi những tư liệu hữu ích bổ khuyết khoảng trống này.

Đọc thêm