Ở miền Tây có nhiều làng hoa nổi tiếng và lâu đời như: Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), Làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ (Cần Thơ), Mỹ Tho (Tiền Giang)… Là “thủ phủ hoa” của miền Tây, làng hoa Sa Đéc đã có “thâm niên” hơn 100 năm cung cấp các loại hoa kiểng tết cho các tỉnh thành từ Nam chí Bắc.
Đến nay, toàn TP Sa Đéc có trên 500ha trồng hoa kiểng, với 2.300 hộ đang sản xuất kinh doanh và trên 2.000 chủng loại hoa kiểng; giá trị sản xuất hoa kiểng hằng năm chiếm hơn 60% giá trị sản xuất nông nghiệp của TP.
Để chuẩn bị cho Tết Canh Tý 2020, làng hoa Sa Đéc có trên 100ha hoa kiểng với sự tham gia của khoảng 2.000 hộ dân. Điểm thu hút của làng hoa Sa Đéc là luôn đổi mới, sáng tạo, tiếp thu công nghệ và lai tạo nhiều giống hoa mới lạ như: Đô la, ngân lượng, cúc lùn để bàn, dưa Pepino Nam Mỹ... Năm nay làng hoa Sa Đéc có các loại hoa kiểng như hồng ngoại trên 200 giống, cúc kim cương, violet, hồng ri, hoa hồng xanh, cúc tia, cúc đồng tiền mini siêu lùn...
Ông Trần Văn Tiếp, Chủ nhiệm Hội quán Tôi yêu màu tím ở TP Sa Đéc cho biết, năm nay sẽ tiếp tục đưa ra thị trường các loại hoa kiểng “màu tím” là đặc sản của cơ sở. Hội quán sẽ cung ứng hơn 100.000 chậu hoa; trong đó có nhiều giống hoa mới tiềm năng như con bướm xuân, cúc kim cương, dưa Nam Mỹ, lúa trồng trong chậu... và điều đặc biệt là tất cả hoa kiểng mang màu tím.
Các làng hoa miền Tây đã chuẩn bị hàng trăm ngàn chậu hoa đón Tết. |
Ngoài ra, ông Tiếp còn sang tận Nam Mỹ, để mua giống và trồng thành công dưa tí hon màu tím về trồng theo phương pháp của riêng mình. Dưa cho nhiều trái, màu sắc tím đẹp, hương vị thơm ngon, vỏ mỏng, có thể bảo quản từ 15 - 20 ngày sau khi thu hoạch.
Để đẩy mạnh nguồn thu nhập từ nghề trồng hoa kiểng, bà con làng hoa Sa Đéc đang trồng hoa kiểng theo hướng lồng ghép phát triển du lịch. Với thương hiệu và nét đặc sắc riêng, làng hoa Sa Đéc ngày càng thu hút khách du lịch tìm đến để tham quan, mua sắm, trải nghiệm thành phố hoa vùng sông nước. Nhiều nơi đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới, phun tưới tự động phục vụ sản xuất, chủ động tìm kiếm thêm nhiều giống hoa mới.
Tại làng hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ (TP Cần Thơ), bà con trồng hoa rất phấn khởi vì thời tiết thuận lợi, các loại hoa kiểng đang phát triển tốt. Những vườn hoa đều đã sẵn sàng “bung hàng” chất lượng tốt nhất phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Nơi đây có khoảng 18ha hoa kiểng với hơn 230 hộ tham gia sản xuất.
Hằng năm, nơi đây cung cấp cho thị trường hàng trăm ngàn chậu hoa, với khoảng 20 chủng loại như cúc, vạn thọ, cát tường, bách hợp, mai dạ thảo, hướng dương, bông giấy… Theo bà con trồng hoa, năm nay từ giữa tháng 8 âm lịch, người dân làng hoa kiểng Phú Thọ - Bà Bộ đã bắt tay chuẩn bị cho vụ hoa Tết.
Bà Đỗ Thị Hoa (phường Long Hòa, quận Bình Thủy) có hơn 30 năm kinh nghiệm làm hoa kiểng cho biết, Tết năm nay gia đình bà trồng khoảng 10.000 chậu hoa các loại. Đặc biệt, sẽ cho “ra lò” một số hoa mới như: Pha lê, cúc maragarita…
Nhiều loại hoa được nhà vườn nghiên cứu, đổi mới để thu hút khách hàng. |
Với diện tích khoảng 650ha, làng hoa kiểng Cái Mơn (huyện Chợ Lách, Bến Tre) cũng đang tất bật vào mùa. Thế mạnh của làng hoa này là kiểng tạo hình, bon sai, mai vàng và hoa tết. Năm nay Cái Mơn tung ra kiểng tạo hình độc, lạ như kiểng hình chuột tạo hình từ cây tắc (hay còn gọi là cây hạnh, quất - NV) hoặc kiểng tạo hình chuột từ cây xanh, bông trang…
Ông Nguyễn Văn Công cho biết, đang tạo hình kiểng để phục vụ thị trường Tết, đặc biệt hút hàng là kiểng tạo hình Tý (chuột). Đã có hàng trăm đơn hàng kiểng hình chuột được khách hàng trong cả nước đặt làm. Theo ông Năm Công, kiểng chuột năm nay ông tạo hình với chiều cao 1,5m, giá từ 2 - 5 triệu đồng/chậu.
Tạo hình nhiều trái cây độc lạ
Nhằm đáp ứng nhu cầu vào dịp Tết Nguyên đán của người tiêu dùng, nhiều nhà vườn ở Đồng bằng sông Cửu Long không ngừng tạo hình nhiều loại trái cây “độc, lạ”. Các loại sản phẩm mới phải kể đến như bưởi hình thỏi vàng, bưởi vuông, dừa hình hồ lô, xoài thư pháp…
Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sản xuất trái cây tạo hình ấp Phú Trí A (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Hậu Giang) cho biết, để có nguồn bưởi tốt đáp ứng được việc tạo hình, khắc chữ, phải tìm sang các vườn ở Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre mua; hoặc hợp tác sản xuất với chủ vườn. Do tạo hình công phu, đòi hỏi khâu chăm sóc đặc biệt nên trái cây tạo hình giá thành luôn có giá cao, mỗi cặp hàng triệu đồng.
Xoài tạo hình của anh Huỳnh Thanh Khoa (ngụ xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) cũng đang được săn tìm. Bằng sự sáng tạo, anh Khoa tạo hình thư pháp, hình bản đồ trên trái xoài phục vụ nhu cầu chưng Tết.
Việc đưa hình lên những trái xoài ngon ngọt được cho là mang ý nghĩa tốt đẹp, an lành trong ngày Tết đầu năm như “Xuân Mới”; “Phát Tài”; “Phát Lộc”; “Vạn Sự”; “Như Ý”; “An Khang”; “Thịnh Vượng”… Bên cạnh đó, anh còn sản xuất xoài in hình bản đồ Việt Nam khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.