Nằm trên thượng nguồn sông Sài Gòn, hồ Dầu Tiếng trải rộng trên địa bàn 4 huyện: Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương), Dương Minh Châu, Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) và Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) với diện tích mặt hồ lên đến 270 km², tổng dung tích là 1,58 tỷ m³ nước.
|
Hồ Dầu Tiếng trở thành “đại công trường” khai thác cát |
Đứng trên bờ đập, một người dân ngụ xã Phước Minh (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) ngao ngán: “mục đích chính của hồ Dầu Tiếng bây giờ không còn để điều tiết nước cho sông Sài Gòn hay phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm ngàn héc ta đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và các tỉnh thành lân cận mà giờ đây, có lẽ "nhiệm vụ chính" của hồ Dầu Tiếng là nơi làm giàu cho hàng chục công ty, đơn vị khai thác cát”.
|
Hàng chục bãi cát nằm sát bờ, đe dọa an toàn bờ đập chính hồ Dầu Tiếng |
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, hiện trên lòng hồ thủy lợi lớn nhất khu vực Đông Nam Á này có 18 giấy phép khai thác cát cho 16 doanh nghiệp. Trong đó, riêng tỉnh Tây Ninh cấp 16 giấy phép cho 14 doanh nghiệp. Chưa kể, bờ đập hồ Dầu Tiếng còn phải “gánh” 19 bến thủy nội địa với mục đích xếp dỡ hàng, tập kết cát.
|
Bất chấp quy định về thời gian, nhiều đơn vị vẫn rầm rập khai thác xuyên đêm |
Theo quy định, các doanh nghiệp chỉ được phép khai thác từ 7 giờ đến 17 giờ hàng ngày, tuy nhiên, tối ngày 22/2, phóng viên ghi nhận trên lòng lồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn huyện Dương Minh Châu, hàng chục bãi cát vẫn sáng đèn, tàu bơm hút, xe cuốc và từng đoàn xe ben vẫn “làm việc” hết công suất như không có khái niệm thời gian ban ngày hay ban đêm.
|
Cát vàng ở hồ Dầu Tiếng đang là nguồn lợi khổng lồ cho các chủ khai thác |
Chưa kể, những công ty, doanh nghiệp khi khai thác phải cách bờ chắn sóng 500m và cách đập chính là 1km. Tuy nhiên, những hình ảnh chúng tôi dễ dàng ghi lại cho thấy, từ bờ đập, người ta tạo ra một con đường dài chưa tới 100 mét nối thẳng ra bãi tập kết cát. Ở đó, nhiều tàu vỏ thép công suất lớn chỉ việc thọc vòi xuống lòng hồ hút cát lên bãi. Bên trên, hàng chục xe cuốc, xe ben hoạt động hết công suất để làm giàu cho chủ mỏ.
Ai cũng biết việc khai thác cát quá gần bờ đập chính sẽ khiến lòng hồ sát bờ đập ngày càng sâu. Bên cạnh đó, hàng trăm lượt xe siêu trọng rầm rập chở cát ngày đêm sẽ tác động mạnh làm phần chân đê bị yếu, hư hỏng, không đảm bảo an toàn dẫn đến nguy cơ vỡ bờ đập hồ Dầu Tiếng ngày càng hiện hữu.
Trước thực trạng đáng báo động này, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
“Giám sát” ngược cơ quan chức năng
Một lãnh đạo Thanh tra Giao thông tỉnh Tây Ninh cho biết, để vận chuyển trót lọt những xe chở cát qua khỏi Trạm Kiểm tra tải trọng lưu động Số 52 (trạm cân) đặt trên Tỉnh lộ 781 (đoạn qua địa bàn huyện Dương Minh Châu), nhiều đối tượng ngồi trên bờ đê, quan sát trực diện trạm cân để cảnh giới. Khi lực lượng thay ca hoặc ăn cơm tối, đối tượng này ra hiệu cho xe tắt đèn lao nhanh qua trạm.