Ngoài các khó khăn do ý thức chấp hành bản án của tổ chức, cá nhân còn hạn chế, do nội lực của các cơ quan THADS chưa đáp ứng tốt yêu cầu, thì còn có những khó khăn do những bất cập trong thể chế THADS. Bài viết này xin được phân tích một số bất cập trong cách tính thống kê THADS. Hy vọng các cơ quan chức năng sớm tìm ra giải pháp khắc phục nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực hơn trong công tác THADS.
Với cách tính thống kê THADS như hiện nay, thì án có điều kiện đang tính theo nghĩa vụ thi hành án chứ không phải tính theo điều kiện về tài sản, thu nhập thực tế của đương sự. Một đương sự có nghĩa vụ thi hành án 100 tỷ, mặc dù qua xác minh, đương sự này chỉ có tài sản duy nhất trị giá 10 tỷ, thì cơ quan THADS vẫn phải xác định có điều kiện 100 tỷ chứ không phải là 10 tỷ như điều kiện tài sản thực tế của đương sự.
Ví dụ Cục THADS tỉnh Hà Tĩnh đang thi hành việc thi hành án giữa Công ty Cổ phần Công nghiệp hóa cốc Hà Tĩnh phải trả nợ vay cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Hà Tĩnh 180 tỷ đồng. Mặc dù qua xác minh, thẩm định giá, Công ty cổ phần công nghiệp hóa cốc Hà Tĩnh chỉ có tài sản duy nhất là nhà xưởng và máy móc trị giá 30 tỷ đồng nhưng do tài sản bán đấu giá không có người mua, cho nên hơn 1 năm nay Cục THADS vẫn đang phải thống kê vụ việc này là án có điều kiện với số tiền là 180 tỷ đồng.
Như vậy, với cách tính thống kê như hiện nay thì số án có điều kiện đang được thống kê “ảo” là rất lớn. Điều này vừa không phù hợp với tình hình tài sản, thu nhập thực tế của đương sự, vừa làm cho việc hoàn thành chỉ tiêu của các cơ quan THADS trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Cũng với cách tính thống kê như hiện nay, thì gần như cơ quan THADS đang phải “ôm” vào cả phần việc của các cơ quan khác. Điển hình là hoạt động bán đấu giá tài sản. Theo quy định hiện hành, sau khi cưỡng chế kê biên, định giá tài sản, cơ quan THADS ký hợp đồng ủy quyền cho tổ chức bán đấu giá tiến hành bán đấu giá tài sản. Trong thời gian chờ tổ chức đấu giá bán tài sản thì cơ quan THADS vẫn phải thống kê vụ việc là đang thi hành dở dang. Điều này rõ ràng là không phù hợp vì toàn bộ quá trình bán đấu giá tài sản là do tổ chức bán đấu giá thực hiện chứ không phải do cơ quan THADS thực hiện. Việc bán đấu giá thành trong thời gian bao lâu, nhanh hay chậm phụ thuộc vào tổ chức bán đấu giá chứ không phụ thuộc vào cơ quan THADS. Do đó, trong nhiều trường hợp, tổ chức đấu giá tài sản chậm bán tài sản đấu giá, thậm chí vi phạm trình tự bán đấu giá làm kéo dài thời gian bán đấu giá tài sản thì cơ quan THADS vẫn phải gánh chịu hậu quả về mặt thống kê là chậm thi hành án.
Theo quy định của Luật THADS hiện hành thì đương sự có một khoảng thời gian là 10 ngày để tự nguyện thi hành án. Trong thời gian này, cơ quan THADS chưa được áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên về mặt thống kê, thời gian tự nguyện thi hành của đương sự nói trên cũng phải tính vào thời gian tổ chức thi hành án của cơ quan THADS. Điều bất hợp lý này đã dẫn đến một thực tế là vào gần thời điểm chốt số liệu thống kê, nếu các Tòa án chuyển cho cơ quan THADS nhiều bản án, quyết định thì coi như việc hoàn thành chỉ tiêu của cơ quan THADS trở thành “điều không thể”.
Từ các bất hợp lý về mặt thống kê THADS nói trên, chúng tôi kính đề nghị Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS: Nghiên cứu khắc phục tình trạng thống kê “ảo” khi thống kê đối với các vụ việc có điều kiện thi hành án; tách các hoạt động của các cơ quan khác có liên quan đến hoạt động THADS (tổ chức bán đấu giá. Tòa án, thanh tra, kiểm tra...), không thống kê vào thời gian tổ chức thi hành án của cơ quan THADS. Đồng thời, không thống kê thời gian tự nguyện thi hành án của đương sự vào thời gian tổ chức thi hành án của cơ quan THADS.
Là những người hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực thi hành án dân sự, chúng tôi xin mạnh dạn nêu ra những bất cập trong thống kê THADS hiện nay và kiến nghị các giải pháp khắc phục. Rất mong các bạn đồng nghiệp góp ý, trao đổi.