Tôn giáo gần 2 tỷ tín đồ
Với khoảng 1,8 tỷ tín đồ, Hồi giáo hiện là tôn giáo lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Thiên Chúa giáo. Những người theo đạo Hồi có mặt ở hơn 100 quốc gia trên tất cả các châu lục. Đa số các học giả cho rằng, Hồi giáo ra đời ở vào đầu thế kỷ VII sau Công nguyên, khiến đây trở thành tôn giáo “trẻ nhất” trong số các tôn giáo lớn trên thế giới. Các ghi chép đến nay khẳng định Hồi giáo khởi phát từ Mecca, khu vực thuộc Ả rập Xê-út ngày nay. Sự ra đời của tôn giáo này gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Muhammad - người khai sáng tín ngưỡng Hồi giáo, người được các tín đồ Hồi giáo thế giới tôn vinh là “tinh thần”, “toàn năng”, “vĩnh cửu”...
Từ năm 636, những người theo đạo Hồi bắt đầu những cuộc viễn chinh tấn công, mở đầu cho một thời kỳ truyền bá Hồi giáo sang các quốc gia khác. Cho đến thế kỷ XI, Hồi giáo trở thành một tôn giáo quốc tế, thống soái các quốc gia dân tộc từ Địa Trung Hải đến Vịnh Ba Tư. Trong vòng 3 thế kỷ tiếp sau đó (từ thế kỷ XIV đến XVI), Hồi giáo truyền bá xuống vùng Đông Nam Á. Ngày nay, các tín ngưỡng của đạo Hồi đã lan rộng khắp thế giới.
Từ “Hồi giáo” có nghĩa là “phục tùng ý muốn của Chúa”. Những người theo đạo Hồi được gọi là người Hồi giáo. Người Hồi giáo theo chủ nghĩa độc thần và tôn thờ một Thượng đế, Đấng toàn tri trong tiếng Ả Rập được gọi là Allah. Họ sống một cuộc sống hoàn toàn phục tùng Allah, tin rằng không có gì có thể xảy ra nếu không có sự cho phép của Allah.
Theo các giáo lý của đạo Hồi, lời của Thánh Allah đã được tiết lộ cho nhà tiên tri Muhammad thông qua thiên thần Gabriel. Người Hồi giáo tin rằng Muhammad đã được Thánh Allah cử đến để răn dạy các quy tắc nên cực kỳ tôn sùng nhà tiên tri này.
Cũng tương tự một số tôn giáo khác, không có một hình ảnh hay biểu tượng nào của Hồi giáo được tất cả người Hồi giáo trên toàn thế giới chấp nhận. Trên thực tế, các cộng đồng Hồi giáo nguyên thủy từ thời Nhà tiên tri Muhammad đã không sử dụng bất kỳ một biểu tượng nào. Các đội quân Hồi giáo chỉ sử dụng các lá cờ màu trơn (đen, trắng hoặc xanh lá) với mục đích đơn giản là để phân biệt.
Tuy nhiên, hầu hết mọi người ngày nay công nhận mặt trăng lưỡi liềm và ngôi sao là biểu tượng chính thức của đạo Hồi. Phần lớn những người theo đạo Hồi tôn kính biểu tượng này như một biểu tượng linh thiêng cho đức tin tôn giáo của họ. Biểu tượng mặt trăng lưỡi liềm và ngôi sao có thể được nhìn thấy trên hầu hết các nhà thờ Hồi giáo và thậm chí trên cờ của một số quốc gia Hồi giáo như Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Libya, Tunisia và Algeria.
Hình ảnh mặt trăng lưỡi liềm và ngôi sao được cho là xuất hiện trước đạo Hồi và ban đầu là biểu tượng của Đế chế Ottoman, tiền thân của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Theo đó, người Thổ Nhĩ Kỳ cổ đại ở vùng Trung Á đã bắt đầu thờ phụng vị thần Bầu trời tối cao Tengri và các vị thần mặt trời, mặt trăng. Trăng lưỡi liềm tượng trưng cho thần mặt Trăng Ay Ata còn ngôi sao tượng trưng cho thần Mặt trời Gun Ana.
Những đồng xu được tìm thấy ở các nước Kyrgyzstan và Uzbekistan có niên đại vào năm 576-600 là bằng chứng cho thấy người Thổ Nhĩ Kỳ cổ đại đã sử dụng biểu tượng này từ trước khi đạo Hồi xuất hiện.
Trên thực tế, các nhà sử học cho rằng, việc người Hồi giáo sử dụng biểu tượng mặt trăng lưỡi liềm và ngôi sao vốn là biểu tượng của người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman là kết quả của sự “lan tỏa văn hóa”, tương tự như sự giao thoa của các biểu tượng văn hóa, ý tưởng, phong cách… giữa các nền văn hóa khác nhau. Theo đó, các ý kiến cho biết, dù Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay chủ yếu là người Hồi giáo, nhưng khi người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman chinh phục Trung Đông, Bắc Phi và phần lớn Đông Âu, họ không theo đạo Hồi. Đối với họ, đây là một tôn giáo ngoại lai.
Tuy nhiên, theo thời gian, đạo Hồi đã lan tỏa từ các quốc gia Hồi giáo mà người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman đã chinh phục sang chính người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman. Và, như một phần của “sự truyền bá văn hóa”, cùng với quá trình thống trị thế giới Hồi giáo hàng thế kỷ của Đế chế Ottoman, người Hồi giáo dần đã sử dụng biểu tượng mặt trăng lưỡi liềm và ngôi sao. Biểu tượng trăng lưỡi liềm và ngôi sao cũng đã trở nên gắn liền với đạo Hồi, xuất hiện rất nhiều trên quốc kỳ của các quốc gia theo đạo Hồi. Trăng lưỡi liềm và ngôi sao tượng trưng cho quyền năng tối cao của các bậc thánh thần, sự tốt lành và hạnh phúc.
Trên thực tế, những người ủng hộ việc sử dụng mặt trăng lưỡi liềm và ngôi sao làm biểu tượng của Hồi giáo cũng chỉ ra rằng, một số đoạn trong Kinh Koran – sách thánh của Hồi giáo - ủng hộ việc sử dụng biểu tượng này.
Những biểu tượng khác
Ngoài mặt trăng lưỡi liềm và ngôi sao, Rub el Hizb cũng thường được xem là biểu tượng trực tiếp của đức tin Hồi giáo. Biểu tượng này bao gồm hai hình vuông chồng lên nhau - một hình vuông đặt song song với mặt đất và một hình vuông nghiêng 45 độ. Cùng với nhau, hai hình vuông tạo thành một ngôi sao 8 cánh. Phần cuối cùng của biểu tượng là một vòng tròn nhỏ được vẽ ở trung tâm của ngôi sao.
Biểu tượng Rub el Hizb được cho là mang ý nghĩa đánh dấu sự kết thúc của các đoạn trong Kinh Koran. Phần “Rub” của biểu tượng có nghĩa là 1/4 trong khi phần “Hizb” mang ý nghĩa là một nhóm. Logic đằng sau điều này là Kinh Koran được chia thành 60 phần dài bằng nhau, hay còn gọi là Hizb, và mỗi Hizb lại được chia thành bốn Rub.
Vì vậy, Rub el Hizb đánh dấu tất cả những phân chia này và thường được thấy trong Kinh Koran. Trên thực tế, cũng giống như biểu tượng mặt trăng lưỡi liềm và ngôi sao, biểu tượng Rub el Hizb xuất hiện trên các lá cờ hoặc biểu tượng, bao gồm cả biểu tượng ở Morocco, Uzbekistan và Turkmenistan.
Màu xanh lá cây được xem là biểu tượng quan trọng cần đề cập đến khi nói về đạo Hồi. Ngay từ khi mới xuất hiện đạo Hồi, màu xanh lá cây đã được hầu hết các tín đồ của đạo này liên kết với tôn giáo của họ vì trong Kinh Koran có dòng nói rõ rằng “những người sống trên thiên đường sẽ mặc những bộ quần áo bằng lụa và gấm tốt màu xanh lá cây”.
Do đó, hầu hết các bản sao Kinh Koran được đều có bìa màu xanh lá cây. Các nhà thờ Hồi giáo được trang trí với nhiều màu sắc khác nhau nhưng hầu như luôn có tông màu xanh lá cây làm chủ đạo và các ngôi mộ của các vị thánh Sufi cũng được phủ bằng lụa màu xanh lá cây. Bạn cũng có thể nhận thấy rằng lá cờ của hầu hết các quốc gia Hồi giáo đều có màu xanh lá cây ở các vị trí rất nổi bật.
Nói về màu sắc, hai màu khác mang tính biểu tượng mạnh mẽ trong Hồi giáo là trắng và đen. Cũng như trong các nền văn hóa khác, màu trắng là màu của sự tinh khiết và hòa bình, là màu chủ đạo của đạo Hồi. Tuy nhiên, màu đen trong Hồi giáo mang ý nghĩa biểu trưng rất khác so với các nền văn hóa khác. Ở đây, màu đen tượng trưng cho sự khiêm tốn.
Cùng với màu xanh lá cây, trắng và đen cũng thường được xuất hiện trên quốc kỳ của hầu hết các quốc gia theo đạo Hồi. Màu đỏ cũng là một màu thường được sử dụng nhưng dường như nó không có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đạo này.
Kaaba Mecca cũng là một biểu tượng quan trọng của đạo Hồi. Từ này nghĩa đen có nghĩa là Khối lập phương ở Mecca và chính xác là một tòa nhà có hình dạng của một khối lập phương, với các tấm lụa và vải bông được vẽ ở bên cạnh. Kaaba ở Mecca là ngôi đền linh thiêng nhất của đạo Hồi và biểu tượng Kaaba Mecca vô cùng quan trọng đối với người Hồi giáo trên toàn thế giới. Kaaba được xây dựng ở trung tâm của nhà thờ Hồi giáo quan trọng nhất của đạo Hồi - Đại thánh đường Mecca. Người Hồi giáo dù sống ở đâu trên thế giới đều phải cầu nguyện khi ở thánh địa Mecca. Ngoài ra, mỗi người Hồi giáo phải hành hương (Hajj) đến Mecca ít nhất một lần trong đời.