Những cánh cửa... không khóa

(PLVN) - Càng ngày người ta càng tìm về với nông thôn, không chỉ bởi đời sống an lành với thiên nhiên, với vườn tược, mà còn bởi giữa những nghi kị, lọc lừa “hệ quả” của sự phát triển thì tình người vẫn ấm áp lắm ở những miền quê. 
Cuộc sống nông thôn nhiều vất vả nhưng thấm đẫm tình người.

Những ngày này, gian hàng rau miễn phí của vợ chồng anh Hoàng Lập ở thôn Phương Lạn 3, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đang trở thành đề tài bàn tán của cộng đồng mạng. Thôn Phương Lạn 3 vốn là một thôn đang trong thời điểm phong tỏa. Nhà có vườn rau, nghĩ người dân trong vùng ít được ra ngoài, chợ dừng hoạt động thì sẽ ít có cái ăn, anh và vợ đã hái rau, củ, quả trong vườn, mở một sạp nhỏ ở đầu ngõ, treo biển “lấy rau miễn phí” rồi lên mạng thông báo cho bà con biết. 

Không ngờ, ngày hôm sau, người dân thi nhau mang nông sản vườn nhà đển “kí gửi” vào sạp của vợ chồng anh để mọi người lấy miễn phí. Rồi từ cái sạp nhỏ, miền quê đang trong phong tỏa ấy đã thành lập đội tiếp nhận nhu yếu phẩm, tiền bạc của bà con trong thôn ủng hộ công tác phòng, chống dịch. Ngôi làng phong tỏa trở thành “làng tự nuôi nhau”, trở thành một phần trong những câu chuyện cổ tích thời hiện đại của nước ta. 

Hai năm trở lại đây, phong trào “bỏ phố về quê” lan rộng. Nhiều người bắt đầu ấp ủ ước mơ trở về nông thôn, làm người nông dân sống chân chất, giản dị trên mảnh vườn, đám ruộng. Nguyên do bởi thành phố ồn ã quá, khiến người ta không tìm ra chính mình, hay áp lực và guồng quay của cuộc sống nơi đô thị phát triển khiến nhiều người muốn rời bỏ.

Còn một lý do nữa, đó là cuộc sống giản dị mà thấm đẫm tình người ở những miền quê là sự bình yên mà sâu trong tâm khảm ai cũng ước ao. Nông trại nơi tôi đang sống cũng là một vùng quê ngoại ô Đà Lạt, cách trung tâm thành phố 15km. Tà Nung, cái tên nghe còn “quê” và nặng tính địa phương. Nơi đây là sự pha trộn giữa người dân tộc Cơ Ho, người Chil bản địa, cư dân “kinh tế mới” đến từ các vùng nông thôn miền Bắc và cư dân “bỏ phố về rừng” đến từ các đô thị lớn. Nhưng tóm lại, đây vẫn là một vùng nông thôn với tất cả mọi đặc trưng của nó: Tỉ lệ đất nông nghiệp, tỉ lệ hộ làm nông chiếm đa số. Và trên tất cả là đời sống giản dị và chân chất của cư dân trong vùng. 

Có thể với nhiều người, cái gian hàng rau miễn phí của vợ chồng anh Hoàng Lập ở thôn Phương Lạn 3 đang bị phong tỏa là một câu chuyện hi hữu và kì diệu về lòng tốt hiếm hoi trên cõi đời này. Nhưng với chúng tôi, những người từ thành thị về sống ở nông thôn vùng cao nguyên một thời gian khá dài thì đó là “chuyện thường ngày”. 

Thoạt tiên, chúng tôi ngạc nhiên nhận ra rất nhiều ngôi nhà, mảnh vườn có thói quen “không khóa cửa”. Trộm cắp, lọc lừa và nhiều thói hư tật xấu chốn thành thị dường như vẫn chưa lan đến những ngôi làng, ngọn đồi ở đây. Thời gian đầu trở về, bằng con mắt của những người thành thị, chúng tôi vẫn mang nhiều nỗi lo sợ, đề phòng với người lạ. Nhưng rồi, những người thành thị về quê hiểu rằng, mình đi nhiều, va chạm nhiều, giao tiếp nhiều, hóa ra lại tạo nên tầm nhìn hạn hẹp và trái tim khóa cửa như thế. Từ đó, chúng tôi mở cửa nhà mình, cũng mở cửa trái tim để đón người khác vào. 

Ở đây, sẽ có những buổi chợ, mua thì ít mà mang về thì nhiều. Bởi những cô bán hàng thương “mấy đứa trẻ” từ thành thị về phải vất vả, nên dúi thêm nào rau củ, nào hoa quả vườn nhà.

Rồi những người hàng xóm (cách nhau một quả đồi cũng gọi là hàng xóm sát vách), thi thoảng đi ngang nhà, ghé vào bảo: Nhà anh có trái mít chín/ ruộng khoai nhà anh đến mùa rồi, muốn ăn thì sang hái nhé. Hay đầu ngõ có cây bơ, khi đi ngang, chị chủ nhà người dân tộc cười cười, chỉ vào gốc bơ mà bảo hái ăn đi. 

Chúng tôi học được rằng, khi mình mở cửa trái tim đón người khác vào, mình cũng sẽ có mặt trong trái tim họ. Những món quà vườn quê mà chúng tôi được nhận, sẽ quay trở lại người cho với một hình dạng khác, là món bánh chuối, món chè khoai… Cứ thế, sự cho và nhận lặp đi lặp lại, thành một vòng tròn yêu thương. 

Đời sống ở nông thôn, tất nhiên không dễ dàng và thuận lợi như ở thành thị. Ở đây wifi chập chờn, điện không sáng rực như thành phố. Nhưng chúng tôi có thiên nhiên bao la và cả bầu trời mênh mông sao, những đêm trăng tỏa rạng núi đồi. 

Ở thành thị, muốn gì là có nấy, các dịch vụ giao nhận, xe ôm công nghệ đưa đến tận nơi. Ở đây, chúng tôi tự làm tất cả mọi việc và mỗi một giọt mồ hôi rơi xuống là một giọt hạnh phúc. Ở thành thị chúng tôi có rất nhiều thú giải trí. Ở nông thôn, chúng tôi có rất nhiều xóm làng và tình người. 

Cuộc sống nông thôn không phải dành cho tất cả. Nó dành cho người yêu thiên nhiên, yêu lao động và biết mở lòng. Nhưng dường như, giấc mơ “về vườn” đang là một trào lưu mạnh mẽ. Hệ lụy của nó là những mảnh ruộng vùng quê lên giá kinh hoàng, là những người nông dân bán vườn ra phố, là những mảnh vườn bị bỏ hoang vì người chủ chân chất, cần cù đã đi rồi, còn chủ mới của đất không biết làm nông, chỉ chờ thời cho đất lên mà thôi.

Rồi những người mang danh “bỏ phố về rừng”, thực chất lại “mang phố về rừng” với những ngôi nhà bê tông kệch cỡm, những dàn karaoke rú vang núi đồi.

Mong làm sao, những cơn sốt đất đình đám, những cuộc di cư “nhầm chỗ” ấy không làm mất đi bản sắc của những vùng nông thôn. Mong rằng những người nông dân chân chất quê tôi và những vùng quê khác cứ giữ mãi sự chân chất hồn hậu của mình. Thành thị đông đúc và ồn ào quá, nông thôn về với thành thị, nông dân trở thành thị dân hết thì lấy ai viết nên những câu chuyện cổ miền quê giữa đời thường bây giờ?

Đọc thêm