Những công dân Vân Kiều nghèo hào phóng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Suốt thời gian qua, chuyện bà con người Vân Kiều ở bản Lâm Ninh hiến cả chục ngàn mét đất xây đường, dựng trường vẫn đang là vấn đề… “thời sự nóng” ở xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Nóng hơn, giữa buổi nhiều người sẵn sàng “nồi da xáo thịt” bởi “tấc đất, tấc vàng” thì những hộ nguyện hiến đất đến bữa vẫn chưa đủ ăn ấm cái bụng.
Mùa lúa chín ở bản Lâm Ninh.
Mùa lúa chín ở bản Lâm Ninh.

Dọc theo con đường từ trung tâm xã Trường Xuân vào bản Lâm Ninh bên bờ Bắc sông Long Đại huyền thoại mùa này nước trong hiền hòa xanh ngắt, cảnh sắc nên thơ đôi bờ buổi sáng sớm đẹp như mộng mị. Nghe có phóng viên lên, bà con ai cũng muốn tiếp chuyện.

Nghèo vẫn hiến đất

Những người mang “họ Hồ của Bác” nơi đây chỉ ra đủ thứ để khoe rằng: “Bà con nay không còn khó khăn như trước nhờ Nhà nước có chính sách quan tâm, hỗ trợ phát triển kinh tế. Họ đã dần xóa sạch cái nghèo, cái khó rồi. Con cháu họ được đến trường đầy đủ”.

Chuyện làm chúng tôi ấn tượng nhất là UBND xã nay “khỏe khoắn” vô cùng trong công tác khảo sát, quy hoạch đất đai để xây dựng các công trình phúc lợi, hạ tầng như: trường học, đường giao thông nông thôn mới. Đó là điều lạ thường. Bởi không riêng bản Lâm Ninh hay toàn xã này mà đối với địa bàn miền núi địa hình đồi dốc, hiểm trở thì việc tìm được mặt bằng xây dựng các công trình thực sự khó khăn.

“Là một trong số ít xã miền núi của huyện Quảng Ninh còn nhiều khó khăn, khi chúng tôi nhận được các kế hoạch dự án đầu tư công đưa về bản Lâm Ninh thì bụng dạ sướng rơn, nhưng lại lo. Các công trình dù để phục vụ nhân dân phát triển kinh tế, nhưng quy hoạch mở rộng đều phải chồng lấn lên đất bà con cả” - Chủ tịch UBND xã Trường Xuân Phạm Văn Quang thông tin.

Rồi ông Chủ tịch quyết định đánh liều, tổ chức cán bộ đi vận động các hộ dân nằm trong vùng quy hoạch đường nông thôn mới, tránh lũ, giao thông nội đồng. Ông Quang tâm sự: “Cũng khó xử lắm. Bà con đa phần còn khó khăn, đất để ở, để canh tác. Họ đâu dễ đồng ý. Mà có tình nguyện hiến rồi thì lấy gì làm kinh tế?”.

Nhưng ông Quang có nằm mơ cũng không được thế! Hàng chục hộ dân trong bản Lâm Ninh như: Hồ Hơn, Hồ Nam, Hồ Xuân, Hồ Điều, Hồ Thị Hiên, Hồ Thị Quyết… đa phần thuộc diện nghèo của xã. Khi nghe công trình đã được bố trí kinh phí nhưng chưa khởi công được vì vướng đất, chỉ mất vài phút họp, bà con đã gật đầu cái rụp cử già Hơn – Trưởng bản, báo cáo xã nguyện hiến đất ngay.

“Sự kiện” trên vào giữa năm 2020. Thông tin về những hộ dân người Vân Kiều ở bản Lâm Ninh hào phóng hiến cho chính quyền từ vài chục đến vài trăm m2 khiến người dân các vùng lân cận không khỏi “bàng hoàng”. Người ta nghi ngờ: Ai hiến còn được, chứ mấy hộ đó còn nghèo, vất vả đôn đáo suốt năm mới đủ ăn, sao dám hiến đất? Đến khi thấy chính quyền, kỹ sư thi công vác thước, máy về đo đạc mở đường, nhiều người mới té ngửa ra... là thật!

Ông Cao Văn Định – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình tặng quà đồng bào Vân Kiều ở xã Trường Xuân trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông Cao Văn Định – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình tặng quà đồng bào Vân Kiều ở xã Trường Xuân trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngọn đuốc sáng đại ngàn

Bản Lâm Ninh nằm bên triền núi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều. Già Hồ Hơn (SN 1954) với thâm niên hơn 30 năm giữ chức Trưởng bản và được bà con ví như ngọn đuốc sáng rọi chốn núi rừng thâm u này.

Trở về lành lặn sau những ngày theo cánh mạng đánh Mỹ xâm lược, chàng trai trẻ Hồ Hơn ngày ấy được bầu làm Thôn đội trưởng của bản Lâm Ninh khi lập xã Trường Xuân năm 1984. Từ năm 1991 cho đến nay, được đồng bào tín nhiệm bầu chức Trưởng bản, già Hơn vẫn mải miết với nỗi trăn trở đưa bà con thoát nghèo, xây dựng đời sống văn minh hơn nữa.

“Sơ khai Lâm Ninh chỉ có 7 hộ dân giữa hoang vu rừng núi. Nhiều đêm già thức trắng nằm nghĩ, bản ta có đất màu mỡ, có rừng, có chỗ gieo lúa nước được sao 3 cái khó, khổ, dốt cứ đeo bám bà con mãi? Chỉ có đi học người dưới xuôi, hỏi cán bộ chuyên môn mới biết cách làm giàu được. Mình đi trước để bà con nhìn đó mà theo, cùng nhau xây cuộc sống mới” – già Hơn chia sẻ về buổi sơ khai.

Cũng bởi tấm lòng nhiệt huyết với đồng bào mà đến nay bản Lâm Ninh đã làm được lúa nước 2 vụ, năng suất bình quân hơn 50 tạ/ha (ngang ngửa nhiều xã đồng bằng). Nỗ lực của già Hơn thay đổi tư duy sản xuất chủ yếu dựa vào tự nhiên, khai thác lâm sản bừa bãi đã có kết quả khi bà con đã phát triển thêm trồng rừng kinh tế kết hợp chăn nuôi, dần ổn định để từng bước làm giàu bền vững.

“Không riêng ở Lâm Ninh, Trưởng bản Hồ Hơn là một trong số ít người có uy tín nhất trong lòng bà con cả xã này. Già Hơn đã sống, cống hiến tận lực cho quê hương bản làng ngày càng đổi mới. Suốt nhiều năm qua, Trưởng bản Hơn được chính quyền từ cấp xã, huyện, tỉnh đến Trung ương tặng thưởng nhiều bằng khen, danh hiệu, giấy khen xứng đáng kịp thời” – Chủ tịch UBND xã Trường Xuân Phạm Văn Quang giới thiệu.

Còn như lời chị Hồ Thị Quyết - người bản Lâm Ninh: “Người làm sướng và ưng cái bụng bà con nhất bản này là già Hơn. Cái việc từ nhỏ đến to, từ cái bệnh cây lúa đến dựng vợ, gả chồng, làm nhà… cũng tìm hỏi Trưởng bản Hơn”. Để có được một Lâm Ninh hôm nay, hẳn già Hơn đã là một phần nền móng lịch sử đặc biệt. Dấu ấn của vị Trưởng bản hơn 30 năm tận tụy chính là ngọn đuốc sáng, gốc cổ thụ vững chãi trong lòng đồng bào.

Trưởng bản Hồ Hơn – ngọn đuốc sáng rọi đại ngàn.

Trưởng bản Hồ Hơn – ngọn đuốc sáng rọi đại ngàn.

Già Hơn bên công trình điểm trường bán trú trên mảnh đất gần 1.000m2 đã hiến đang dần hoàn thiện.

Già Hơn bên công trình điểm trường bán trú trên mảnh đất gần 1.000m2 đã hiến đang dần hoàn thiện.

Cơ giới hóa nông nghiệp tại bản Lâm Ninh.

Cơ giới hóa nông nghiệp tại bản Lâm Ninh.

Cho con cháu cái chữ thì tiếc chi!

Trong phong trào hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi, phát triển hạ tầng kinh tế, già Hơn cũng đi đầu với 4 lần “xã cần, dân ủng hộ” xung phong hiến hơn 2.500m2 đất của gia đình mình. Từ đường nông thôn mới, đường tránh lũ, giao thông nội đồng và tháng 6/2021 vừa qua là công trình Điểm trường bán trú mầm non, tiểu học bản Lâm Ninh.

Bản hiện có 55 hộ với 189 nhân khẩu, có khoảng 60 em tuổi mầm non và tiểu học. Trong đợt mưa lũ cuối năm 2020, điểm trường bản Lâm Ninh vốn đã xuống cấp lại bị nước dữ nhấn chìm gần 1,5m. Việc học tập của con em bức bối vô cùng. UBND huyện Quảng Ninh đã quyết định xây dựng điểm trường mới từ vốn đầu tư công, nhưng xã lại tiếp tục gặp khó mặt bằng.

Rà soát thực tế khắp bản chỉ có đất của già Hơn và hộ ông Hồ Nam với hơn 1.500m2 là cất được trường vì ngay trung tâm bản, nước lũ cũng không với tới. Chủ tịch Quang lại đi vận động. Trưởng bản Hơn nghe chưa hết câu đã đồng ý phát một. Ông Hồ Nam ban đầu còn chút tiếc nuối, nhưng nhìn già Hơn hào sảng quá nên chẳng buồn phân vân nữa.

“Cái thời mình ít cái chữ nên mới khổ. Nay Nhà nước quan tâm cho dựng trường mới, phân thầy cô về để cháu con mình học hành. Mất ít đất thì tiếc chi!” – già Hơn vỗ vai ông Nam, cả 2 cười như rung cả một góc nhà và hiến ngay hơn 1.500m2 đất. Để bây giờ, nói về ngôi trường sắp hoàn thiện để đón học sinh, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân Phạm Văn Quang nói như khoe: “Nếu ở nơi khác, dự án như thế giờ có khi chưa xong phần quy hoạch, giải phóng mặt bằng”.

Khi tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà xây lợp mái 4 phía kiên cố, một khoảng tường lớn được già Hơn để dành trang trọng để treo hàng chục bằng khen, giấy khen từ đủ các cấp mà già vinh dự nhận được. Biết chúng tôi muốn viết về mình, Trưởng bản Hồ Hơn cứ gạt phắt đi: “Già làm để giúp đồng bào mình, vì quê hương bản làng thôi. Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm bà con dân tộc thiểu số của già mới có cuộc sống đổi mới hôm nay. Hiến vài miếng đất cũng như để đền đáp ơn nghĩa và cũng cho thế hệ mai này tươi sáng hơn thôi. Có chi đâu mà nhà báo phải viết?”.

Nhờ nghĩa cử hiến cả chục ngàn m2 để làm đường, xây trường của những người như già Hơn, ông Nam, anh Xuân, chị Quyết… mà công cuộc diệt trừ “con ma dốt, ma nghèo”, gieo cái chữ Bác Hồ xuống đại ngàn Trường Sơn đang đạt nhiều kết quả tích cực. Càng ngày càng có nhiều hơn con em đồng bào Vân Kiều bước vào cổng trường đại học, thành tài về xây dựng bản làng tươi mới hơn.

Đọc thêm