Thôn Yên Tế, xã Yên Đồng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình những năm gần đây dường như đã trở thành điểm đến yêu thích của rất nhiều du khách, đặc biệt là của giới trẻ trong và ngoài tỉnh bởi nét đẹp độc đáo mà ít nơi nào có được.
Yên Tế vốn chỉ là một ngôi làng nhỏ xinh có tuổi đời hơn một thế kỷ. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều nét cổ kính, nguyên sơ, mang đậm đặc trưng của một làng quê cổ xưa, được ví như một “làng cổ Đường Lâm” thứ hai của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Những con đường nhỏ đan nhau như ô bàn cờ, những dãy nhà mái ngói đậm màu thời gian san sát , những người cao niên nhuộm răng đen say sưa kể chuyện cũ, về nghề truyền thống như: đan rế, đốn củi. Yên Tế đã từng được hãng phim truyền hình Quân đội, các nhà nhiếp ảnh tìm về để minh hoạ trong các tác phẩm nhiếp ảnh, điện ảnh.
Nét đẹp cổ xưa ở thôn Yên Tế, xã Yên Đồng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình được ví như một “làng cổ Đường Lâm” thứ hai. |
Cách Yên Tế không xa, cũng thuộc tỉnh Ninh Bình, Đầm Cút tại xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn cũng là một nơi du ngoạn lý tưởng. Đến với Đầm Cút, người ta có thể thong dong thả bước trên triển đê, ngắm đàn cừu hiền lành nhởn nhơ trên những thảm cỏ xanh mướt mát, ngắm những hàng thông nghiêng mình soi bóng…
Theo nhận xét của nhiều người, Đầm Cút mang một khung cảnh, một vẻ đẹp quá đỗi bình yên giữa bộn bề cuộc sống tấp nập. Du khách tới đây, nhất là các bạn trẻ sẽ tìm được những không gian “check in” thú vị với những chú cừu đáng yêu, những thảm cỏ xanh xanh. Đầm Cút còn là địa điểm để nhiều uyên ương tới lưu giữ những khoảnh khắc thiêng liêng.
"Không chỉ là khung cảnh tuyệt đẹp, chúng tôi còn có đàn cừu hiền lành làm “bạn diễn” nữa. Mỗi khung ảnh, mỗi bức ảnh, vị trí chụp đều mới mẻ và đầy ý nghĩa với chúng tôi”, Hồ Đăng (quê Hà Nam) vui vẻ tâm sự khi cùng hôn thê tới Đầm Cút chụp ảnh cưới.
Vẻ đẹp nguyên sơ ở Đầm Cút tại xã Gia Hưng huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình là điểm "check in" độc đáo của giới trẻ hiện nay. |
Ông Nguyễn Văn Cần (trú tại xóm 1, xã Gia Hưng), một người chăn cừu thuê tại Đầm Cút cho biết, ngày nào ông cũng đón khách đến thăm quan, chụp ảnh, nhưng đông nhất vẫn là dịp cuối tuần hoặc ngày lễ, tết. "Vào dịp này, những khách phương xa thường gọi điện để đặt lịch từ trước. Mức phí để chụp hình chỉ 50 nghìn đồng/ người, còn nếu những đôi chụp ảnh cưới phải trả phí chụp với đàn cừu là 200 nghìn đồng/bộ ảnh. Hầu hết các khách đều tỏ ra rất hài lòng với cảnh đẹp nơi đây", ông Cần nói.
Không chỉ sở hữu vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình, mảnh đất Gia Hưng còn là nơi có bề dày lịch sử, là nơi gắn với thuở hàn vi của Đinh Tiên Hoàng. Đầm nước xanh ngắt, hiền hòa này dẫn lối vào đền Thung Lau, Thung Lá - nơi thờ tự của vua Đinh Tiên Hoàng.
Theo người dân địa phương, thung nước này gọi là Đầm Cút. Nhưng nghe các cụ cao niên trong làng kể lại thì xưa kia đây là một vùng đất rộng, quanh năm xanh cỏ, lau và cây sậy. Tương truyền rằng, thuở còn niên thiếu, Đinh Bộ Lĩnh đi chăn trâu cắt cỏ cho chú là Đinh Thúc Dự ở cánh đồng này. Chính vì vậy, du khách tới đây thăm quan, ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên thì họ sẽ có cơ hội để dày công nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử của mảnh đất Gia Hưng anh hùng. Tất cả điều đó khiến cho con người ta như bị mê hoặc và không thể cưỡng lại được.
Ninh Bình những ngày này tuy không phải là mùa đẹp nhất nhưng nó lại là một mùa làm cho bất kỳ người nào tới đây cũng đều để lại nhiều ấn tượng khó phai. Một mảnh đất yên bình, thiên nhiên hòa quyện với con người. Một mảnh đất cố đô với hàng ngàn năm lịch sử, chan hoà với thiên nhiên, có nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp.
Những cảnh vật đều mang dáng dấp một vẻ trầm mặc và cổ xưa, nét thơ mộng của cỏ lau và huyền bí của sương mù tại Tràng An, vẻ đẹp hùng vĩ của Hang Múa. Chỉ chừng từng đó thôi cũng đã đủ để vẽ nên một bức tranh thủy mặc về một vẻ đẹp Ninh Bình rất chan hòa, yên bình, thơ mộng và hữu tình.