Những giọt nhựa thơm no ấm ở Văn Bàn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trần Toàn Thành, chàng thanh niên người Dao nhanh nhẹn xỏ đôi giày chuyên dụng rồi leo lên cây bồ đề. Một lúc sau chiếc giỏ bên hông của anh đã lưng lưng những miếng nhựa cây còn bám đầy bụi. Đó là nhựa cây bồ đề hay còn gọi là cánh kiến trắng, an tức hương, được xuất khẩu sang châu Âu để sản xuất nước hoa, tinh dầu.
Những người phụ nữ sơ chế nhựa bồ đề thô.
Những người phụ nữ sơ chế nhựa bồ đề thô.

Mua được xe máy nhờ cây bồ đề

Gia đình anh Thành đã gắn bó với cây bồ đề hơn chục năm qua, nhưng do chưa biết giá trị của cánh kiến trắng, anh chỉ biết vào rừng chặt cây bán lấy gỗ. Hai năm trở lại đây, nhận thấy giá trị của nhựa bồ đề, anh bắt đầu lấy nhựa, vừa không phá rừng lại vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Lào Cai hiện có gần 4.000ha rừng trồng cây bồ đề, riêng huyện Văn Bàn là 370ha. Khi cây từ 5-8 tuổi, chiều cao khoảng 20m thì người dân bắt đầu khai thác nhựa. Họ dùng dao cắt, tạo vết thương trên thân, mỗi điểm cách nhau khoảng 1m. Sau khi nhựa bồ đề chảy ra tích lại ở vị trí bị cắt thì người dân sẽ thu hoạch.

Nhựa bồ đề dạng keo, màu trắng, vàng, nâu nhạt. Sau khi tạo vết thương khoảng vài tháng thì nhựa cây chảy ra tạo thành miếng, có thể dễ dàng cạo ra khỏi thân cây.

Tham gia “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch”, vợ anh – chị Triệu Thị Lai và những người phụ nữ Dao khác được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và lấy nhựa cây bồ đề do cán bộ nông nghiệp hướng dẫn.

“Cây bồ đề dễ trồng, không lo ngại sâu bệnh. Miễn là tạo vết thương cho cây đúng kỹ thuật thì có thể khai thác nhựa được rất nhiều năm, bao giờ cây chết thì thôi”, anh Thành cho biết. Cụ thể, chỉ rạch phần vỏ cây, không rạch sâu trong thân cây, nếu không cây sẽ bị chết. Nhựa bồ đề dạng keo sẽ đọng ở thân. Lúc này, người dân sẽ cạo, bóc đi miếng nhựa. Nếu đẽo cả vỏ thì cây cũng sẽ chết. Nhựa thô có giá 200.000 đồng/kg.

Bên cạnh làm ruộng, gia đình anh có thể khai thác nhựa bồ đề quanh năm. Gia đình chị Lai đã mua được xe máy, cuộc sống khấm khá lên nhiều. “Trước đây gia đình tôi chỉ có làm ruộng, cây bồ đề trồng 5 năm thì khai thác được gỗ nhưng giá trị không cao. Gỗ bồ đề chỉ để làm ván, làm diêm thôi. Nay khai thác nhựa cho thu nhập cao hơn, mà sau 10-15 năm vẫn có thể đốn đi lấy gỗ”, chị Lai cho biết.

Với gia đình chị Triệu Thị Liều, nhựa cây bồ đề không chỉ giúp cuộc sống của chị khấm khá hơn mà còn thay đổi hẳn vị thế của chị trong gia đình. Trước đây, chị cũng như những phụ nữ người Dao khác thường phải lao động vất vả mà lại không có tiếng nói trong gia đình nhà chồng, thậm chí không dám ngồi cùng bàn với chồng và bố chồng.

Từ khi tham gia khai thác nhựa cây bồ đề, chị đã có thêm thu nhập, trả được khoản vay ngân hàng để sửa sang mái nhà dột nát, mua sắm đồ dùng gia đình.

“Từ sáng sớm, chúng tôi đã gọi nhau dậy, nổi lửa nấu cơm mang theo rồi vào rừng để chăm sóc cây bồ đề. Phụ nữ thì phát cỏ, kiểm tra sâu bệnh. Đàn ông thì trèo cây tạo vết thương, lấy nhựa. Sau đó, mấy chị em chúng tôi lại sơ chế, cạo sạch nhựa thô, chờ người đến thu mua”, chị Liều cho biết.

Người dân thu nhặt hạt bồ đề rụng dưới gốc.

Người dân thu nhặt hạt bồ đề rụng dưới gốc.

Cải thiện cuộc sống, nâng cao chất lượng rừng

Anh Thành và chị Liều là hai trong số hộ dân ở hai xã Nậm Tha và Chiềng Ken của huyện Văn Bàn (Lào Cai) tham gia trồng và khai thác nhựa bồ đề trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch GREAT” tại tỉnh Lào Cai và tỉnh Sơn La. Dự án có sử dụng viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Australia.

Dự án đang phối hợp với Công ty Nông lâm nghiệp Đức Phú và lực lượng kiểm lâm Văn Bàn, Lào Cai để hỗ trợ nâng sản lượng benzoin lên 300ha. Công ty Đức Phú sẽ thu mua nhựa của người dân và đào tạo họ về kỹ thuật khai thác nhựa cũng như kỹ thuật canh tác bền vững đáp ứng các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế và tiêu chuẩn của Liên minh Thương mại Đa dạng Sinh học có Đạo đức.

Đức Phú cũng đang giới thiệu mô hình trồng xen gừng với cây bồ đề để tạo thu nhập ngắn ngày cho phụ nữ ở vùng trồng mới. Dự án hy vọng sẽ mang lại lợi ích cho người dân địa phương, đặc biệt là phụ nữ Tày, Dao và Mông.

Sau 2 năm triển khai ở hai xã Chiềng Ken và Nậm Tha, “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch” đã cho thấy hiệu quả tích cực. Công ty đảm bảo thu mua nhựa bồ đề, đây là động lực to lớn để người dân yên tâm sản xuất.

Chuyên gia kỹ thuật của dự án, ông Trần Văn Đính cho biết: “Mô hình trồng cây bồ đề lấy nhựa do “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch” của Chính phủ Úc hỗ trợ là một mô hình hoàn toàn mới, nên ban đầu khi truyền tải mô hình, người dân vẫn chưa thực sự tin tưởng. Điều họ lo lắng nhất là đầu ra của sản phẩm”.

Ông Phil Harman, Cố vấn trưởng Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch” cho biết, nhóm điều phối Dự án phối hợp chặt chẽ với các đối tác và chính quyền địa phương để tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Dự án nhằm phát triển bền vững diện tích cây bồ đề trên địa bàn huyện Văn Bàn, góp phần nâng cao chất lượng rừng, chống xói mòn, sạt lở, hạn chế thiên tai, đồng thời mang lại sinh kế cho người dân, trọng tâm của dự án là phụ nữ.

Những người dân như anh Thành, chị Liều thường đi nhặt hạt già về ươm thành cây con, để trồng gối đầu, đảm bảo những năm sau này, diện tích cây bồ đề có thể khai thác nhựa liên tục, mang lại sinh kế bền vững cho người dân Văn Bàn.

Theo tính toán của Đức Phú, năng suất nhựa của 1 cây bồ đề 7 đến 10 năm tuổi là khoảng 0,3kg/năm; giá thấp nhất là 150.000 đồng/kg, thu hoạch từ 1 cây ước khoảng 45.000 đồng/năm; đối với cây trên 15 năm có thể cho thu hoạch đạt khoảng 1kg/cây/năm.

Tính sơ bộ chỉ cần 1ha (bồ đề 7 tuổi) có 1.000 cây cho thu hoạch nhựa thì đã có thể cho thu nhập 45 triệu đồng/năm, đó là chưa kể sau khi thu hoạch nhựa khoảng 10 năm thì gỗ bồ đề lại được bán với giá gỗ lớn (khoảng 2 triệu/m3) ước đạt 80m3/ha thu nhập thêm khoảng 160 triệu đồng. Như vậy, có thể thấy việc trồng cây bồ đề để định hướng lấy nhựa sẽ cho thu hoạch rất cao.

Từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch là thời điểm thuận lợi để người dân rạch vỏ cây, tạo vết thương. Sau 15 ngày mới có những giọt nhựa đầu tiên, cứ như vậy đến tháng 12 thì thu hoạch.

Cuộc sống ấm no của người dân hai xã Nậm Tha và Chiềng Ken của huyện Văn Bàn (Lào Cai) dần ấm no hơn nhờ những giọt nhựa thơm. Núi rừng vang tiếng reo ca…

Cây bồ đề có thể dùng để làm thuốc chữa bệnh và được dùng khá phổ biến trong y học cổ truyền suốt nhiều năm qua. Dược liệu cây bồ đề còn gọi là an tức hương. Đây là những cục nhựa to nhỏ không đều. Phía bên ngoài láng bóng như sáp hoặc có hình trụ không đều, mảnh dẹt có màu vàng cam. Bên ngoài có màu trắng xám, hơi vàng. Chất khá giòn, dễ vỡ, mặt vỡ phẳng, có màu trắng. Khi để lâu chuyển sang nâu vàng. Khi đun nóng sẽ mềm và chảy ra, hương thơm giống vani. Cây bồ đề mọc hoang. Được trồng ở một số vùng rừng núi, trung du ở nước ta. Trong đó có các địa phương như: Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Thanh Hóa….

Vào khoảng giữa tháng 6-7, lựa chọn cây có 5-10 năm tuổi. Sau đó rạch vào cành hoặc thân để lấy nhựa. Nếu như đó là loại tốt sẽ có màu vàng nhạt, mùi thơm giống vani.

Bồ đề theo Đông y thường có vị cay, đắng, tính bình, không độc. Có tác dụng khai khiếu, hành khí, hoạt huyết, an thần. Nhựa của cây bồ đề có mùi thơm vani, do đó nó được dùng để chế tạo ra một loại nước hoa. Ngoài ra, trong nhiều ngành công nghiệp nước ta, nhựa bồ đề còn được chế tạo ra làm các vật dụng cao su cứng.

Cây bồ đề không những là một vị thuốc quý chữa rất nhiều bệnh cho con người mà nó còn có những ý nghĩa về tinh thần to lớn trong cuộc sống tâm linh của con người. Đặc biệt, với những vị xuất gia thì cây bồ đề được xem như là sự vững chắc trong sự tồn tại của Phật giáo.

Đọc thêm