Ngày mới được tiếp nhận vào báo Pháp luật (nay là Pháp luật Việt Nam), phương tiện đi lại của phóng viên chủ yếu là xe đạp. Khi đó xe máy đã khá phổ biến nhưng phóng viên mới ra trường có xe máy đi tác nghiệp là ước mơ xa xỉ. Thế nên, khi phỏng vấn doanh nghiệp thì gửi xe rõ xa để đi bộ vào bởi nhìn thấy phóng viên đi xe đạp “lộ” ngay sinh viên mới ra trường.
Với sự hỗ trợ của gia đình, tôi là phóng viên đã sớm sắm được chiếc Chaly cũ và phóng tít mù đến cạn dầu mà không biết lý do vì sao xăng vẫn còn mà xe không nổ máy, khiến một đồng nghiệp đi ké phải lếch thếch đi bộ khá xa…
9 phóng viên đầu tiên được bố trí phòng làm việc tại tầng thượng của tòa nhà được cơi nới bằng nhôm kính và rèm, không có WC, tại trụ sở thuê 158 Thái Hà (Hà Nội). Mỗi phóng viên được trang bị một bàn làm việc và cả phòng chỉ có 1 chiếc điện thoại cố định,
Giấy giới thiệu công tác những năm 90 |
Ngày ấy, nghe đâu cũng bắt đầu có điện thoại di động, nhưng đó là điều không tưởng với phóng viên bởi gọi điện thoại cố định phải căn từng giây, chỉ cần quá 1 giây là tính sang block khác, giá cước lại khác. Vì vậy, muốn liên hệ công việc thì hàng ngày phải đến tòa soạn để gọi, mà cũng phải gọi nhanh, chốt lịch hẹn thật nhanh…
Đồ nghề tác nghiệp chủ yếu là cây bút và cuốn sổ, ai có điều kiện thì sắm máy ghi âm, máy ảnh… Băng ghi âm nghe xong có thể ghi đè lên nhưng ghi đi ghi lại chất lượng kém, nghe không rõ. Sợ nhất là đang ghi máy bị kẹt, đứng im, hoặc băng rối. Khi đó, coi như là vứt cả cuộn băng và thông tin viết bài phụ thuộc vào trí nhớ. Thế nên, vừa ghi âm, vừa ghi chép là việc không thừa đối với phóng viên. Máy ảnh chủ yếu là máy cơ chụp phim, với rất nhiều rủi ro, từ việc lắp phim đến lấy ảnh sáng độ nét mà khi mất tiền rửa mới biết ảnh có sử dụng được hay không…
Bản thảo viết tay và dấu tích biên tập |
Phóng việc viết bài trên giấy A4 căn lề rộng để có chỗ biêt tập. Biên tập viên sẽ chữa bài bằng bút đỏ, ký duyệt chuyển bộ phận đánh máy. Phòng đánh máy sẽ đánh máy sạch sẽ chuyển sang nhà in xếp chữ, vào trang… Họa sỹ trình bày phác maket trên giấy và “ôm” tất cả sang nhà in. Bản thảo đã nộp thường không trả về kể cả không đăng. Do vậy không có cách nào khác là photo lưu lại, nhất là những bài quan trọng, nhiều kỳ cần lưu. Chi phí để photo cũng là một khoản đáng kể để phóng viên cân nhắc có nên photo hay không. Trong rất nhiều trường hợp bài không đăng nhưng bản khảo mất hút khiến không ít phóng viên ngẩn ngơ vì … tiếc công.
35 năm thành lập báo Pháp luật Việt Nam, lục tìm những kỷ vật cũ thấy rưng rưng một thời làm báo!
Bản thảo đánh máy, viết tay, photo. |