Những hồi chuông im lặng

(PLVN) - Có một nhà thơ đã viết: “Lâu lắm rồi điện thoại không reo/Và anh nhớ những hồi chuông làm anh ngạt thở/Mỗi khi chiều kéo ánh sáng vào đêm…”
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nỗi nhớ của thời hiện đại là vậy. Không bắt đầu từ chiếc lá vàng rơi, từ làn mưa nhẹ hay ánh hoàng hôn nhuộm tím trời… mà là tiếng chuông điện thoại reo. Trong cuộc sống hàng ngày có muôn vàn âm thanh gợi nhớ đến một cuộc tình như bài hát, tiếng chuông cửa, tiếng bước chân và thậm chí là tiếng gió gào của một đêm mùa đông kỷ niệm… 

Ấy vậy mà lại là tiếng chuông điện thoại, “Lâu lắm rồi điện thoại không reo…”. Phải chăng bởi phía sau tiếng chuông đó là gương mặt của người yêu quý hiện lên trong trí nhớ của người nhận cuộc điện thoại, hiện lên qua giọng nói của người đầu dây phía bên kia… Tất cả khi gộp lại không còn là tiếng chuông điện thoại nữa mà là âm thanh của điệu hồn vang ngân, niềm hạnh phúc đắm say nơi con tim biết hát. 

Truyền thông lạnh lùng đưa tin: Trung Quốc đã giảm 21 triệu người dùng điện thoại di động trong 3 tháng dịch bệnh hoành hành; Người Mỹ bị mất hơn 3 triệu năm sống vì gần ba trăm nghìn người Mỹ đã tử vong do dịch bệnh…

Những con số nghe thật lạnh lùng như tiếng chuông lảnh lót cắt ngang dòng suy tư.  Hãy nghĩ về mọi thứ mà một người có thể làm trong một năm. Chẳng ai trong số chúng ta không muốn có thêm một năm sống với bố mẹ, vợ chồng, con cái, bạn thân. 

Vậy mà, thần chết đã cướp đi tất cả và để lại sau dấu vệt dài của lưỡi hái là những chiếc điện thoại vô chủ, với tiếng chuông mải miết reo không một lời hồi đáp. 

Gia đình tôi có thói quen chụp ảnh cả đại gia đình mỗi khi có dịp, để rồi có khi những bức ảnh cả năm chẳng được giở xem lại một lần vì những người trong ảnh vẫn còn đó, vẫn ngày ngày nhìn thấy nhau, cười nói với nhau. 

Nhưng cuộc đời con người như bóng câu qua cửa sổ, quá ngắn và quá nhanh. Người già thì già đi nhanh chóng, người trẻ như cá như chim bay đi bốn phương trời. Từ lúc nào chẳng biết, không khí buồn tẻ hịu quanh ngự trị nơi căn nhà, trong mỗi bữa ăn. Và cũng từ lúc nào chẳng biết, những bức ảnh đại gia đình được treo lên tường để cho những người ở lại cảm thấy ấm áp, để cho những người đi xa nhớ về…

Rồi cũng giống như số phận hẩm hiu của những chiếc điện thoại kia với những hồi chuông không hồi đáp, những nụ cười trong ảnh vì sự hữu hạn của cuộc đời mà lần lượt biến mất. 

Sự biến mất đó không những để cho người ở lại những nỗi buồn vô bờ bến, mà còn gieo một nỗi sợ vô hình nhưng cũng đầy ám ảnh. Sợ rằng một ngày nào đó, sau hồi chuông điện thoại là tin dữ ập về…

Ở đâu đó, tôi đã được nghe chuyện về một cô gái trẻ. Về hành trình mà nỗi đau đã gõ cửa trái tim trẻ trung của cô. Xa nhà mưu sinh, cô luôn thường trực một nỗi sợ hãi bên mình, rằng sẽ không kịp gặp mặt, nói lời chia tay một ai đó. 

Cuộc đời trớ trêu khi nỗi sợ hãi mơ hồ đó thành hiện thực. Một sáng mai thức dậy, cô thấy mình cần phải vượt qua khoảng cách vài nghìn cây số nhanh nhất để về nhà. Cuống cuồng đặt vé, cuống cuồng ra sân bay và khoảng thời gian đợi chuyển chuyến như lửa đốt ở trong lòng….

Máy bay hạ cánh xuống quê nhà. Cảm giác bình yên cô gái nhỏ chưa kịp cảm thấy thì tiếng chuông điện thoại vang lên. Tất cả đã quá muộn. Nỗi sợ mà cô ám ảnh trong gần chục năm lưu lạc xứ người đã thành hiện thực. Không kịp trở về để ôm người thân yêu lần cuối…

Cuộc đời quá ngắn cho những niềm vui, nhưng lại quá dài cho những buồn và sự khổ đau. Thế nên khi còn có thể, hãy cầm lên chiếc máy điện thoại để gọi cho nhau và hãy buông chiếc điện thoại xuống để ôm lấy nhau. 

Chứ đừng như tên ai đó dù có trong danh bạ nhưng không một lần được hiện lên lịch sử cuộc gọi. Đừng ngồi bên nhau mà mắt vẫn nhìn khung màn hình lóe sáng để rồi quên mất có ánh mắt, có bàn tay, có cả mối chân tình đang chờ đợi mình ngẩng đầu lên, mỉm cười…

Hãy ôm thật chặt, hôn thật chậm, cười thật tươi, yêu thật chân thành và tha thứ thật nhanh cho những người thân yêu xung quanh ta. 

Bởi giản đơn mỗi người chỉ có một cuộc đời mất đi không bao giờ trở lại. Chỉ để lại những hồi chuông im lặng mà thôi… 

Đọc thêm