Trải qua bao năm thăng trầm, dù thời gian có phủ bụi lên mọi thứ thì sự uy nghi tráng lệ của tu viện Westminster vẫn còn vẹn nguyên như ngày đầu vị vua William the Conquetar đăng quang. Trong suốt hơn một nghìn năm qua, công trình này đã phô diễn vẻ đẹp uy nghi, tráng lệ của mình và là một nhân chứng đặc biệt trong hồi ký lịch sử hào hùng của nước Anh.
Cùng với Cung điện Westminster và Nhà thờ Saint Margaret, Tu viện Westminster đã được UNESCO xếp hạng Di sản thế giới vào năm 1987.
Nơi đăng quang của các quân vương
Tu viện Westminster là nơi tiến hành lễ đăng quang của các quân vương Anh Quốc trong lịch sử. Sự uy nghi, tráng lệ vẫn còn nguyên như ngày William the Conquetor, vị vua đầu tiên làm lễ đăng quang ở đây. Kể từ đó, tất cả các quốc vương, ngoại trừ Edward V và Edward VII, đều được trao vương miện tại tu viện này.
Mỗi vị vua của nước Anh đều để lại dấu ấn của mình tại đây. Hình dáng vua Henry III ẩn hiện trong những nét kiến trúc nhà thờ Trung cổ, Henry IV đem lại nét đẹp cho những bức tường của nhà thờ thánh mẫu, nơi gợi lại hình ảnh những chiến binh dũng cảm trong cuộc chiến ở Britain. Sau một đời trị vì vương quốc, các vị hoàng đế của nước Anh cũng chọn nơi đây làm chốn dừng chân cuối cùng trước khi về với cõi vĩnh hằng.
Đây được coi là thánh đường của các nghi thức hoàng gia, nơi chứng kiến hàng chục lễ lên ngôi của các bậc quân vương và nữ hoàng Anh. Hiện nay, chiếc ngai vàng đăng quang gần đây đã được trùng tu lại và trưng bày trong một phòng thiết kế đặc biệt của khu nhà nguyện Thánh Peter.
Không chỉ là nơi diễn ra các lễ đăng quang, các đám cưới Hoàng gia, tu viện Westminster cũng chứng kiến rất nhiều câu chuyện buồn. Vào ngày 6/9/1997, Công nương nổi tiếng được nhiều người yêu mến, Diana được chôn cất tại đây. Hơn 1.900 người (chưa kể 2 tỷ lượt xem truyền hình) đã tập trung ở tu viện Westminster để tỏ lòng thương tiếc.
Ngoài ra, tu viện Westminster được chính cặp đôi Hoàng tử William và công nương Kate Middleton chọn làm nơi nói lời thề nguyện trước Chúa trước vẻ đẹp ngỡ ngàng, bởi lịch sử 1000 năm Hoàng gia và bởi cảm giác thân thuộc mà tu viện Westminster mang lại.
Được thiết kế tinh xảo, tỉ mỉ
Tu viện Westminster có tên chính thức Nhà thờ kinh sĩ đoàn Thánh Peter tại Westminster, được xây dựng vào năm 1050 sau Công nguyên theo lối kiến trúc Romanesque. Tuy nhiên, đến năm 1245, do đã quá xuống cấp, Vua Henry III đã quyết định cho phá dỡ tu viện và xây lại theo phong cách Gothic với nhiều đường nét thẳng đứng lên xuống.
Toàn bộ công trình rộng hơn 2,970 m2, với nguyên liệu chủ chốt là đá vôi từ vùng Cean nước Pháp, sa thạch Reigate ở Surrey và cẩm thạch của vùng Purbeck, Dorset, nước Anh. Bề ngoài, nhà thờ Westminster có vẻ như công trình kiến trúc khắc khổ, với các tháp đôi kiểu Gothic trung cổ và ngọn tháp nhọn.
Nhưng bước vào qua Cửa Bắc, đi vào phía trong thánh đường, ngay từ lần đầu chiêm ngưỡng nhiều người sẽ bị ấn tượng mạnh và chìm đắm những đường nét trang trí công phu hàng thế kỷ qua. Khu vực điện thờ chính là nơi cử hành thánh lễ, đồ đạc, ghế ngồi được thiết kế tinh xảo, tỉ mỉ.
Mái vòm chính giữa tu viện được thiết kế vô cùng trang nhã và tinh tế với những đường nét nhỏ mảnh kéo dài từ sàn đến hết trần tu viện, tạo cảm giác như cả tòa tháp đang hướng đến tận thiên đường và khung cửa sổ được bố trí trên cao để lấy ánh nắng.
|
Khi tham quan, khách du lịch có thể bắt gặp những nét kiến trúc Norman tiêu biểu bên trong Tu viện Westminster, đó là cảnh cửa tò vò uốn cong, những cột chống cỡ lớn trong sảnh hành lang tu viện.
Điểm đặc biệt của tu viện chính là chiếc đàn Organ được thiết kế bởi J.L.Pearson năm 1727 và đã được sửa sang rất nhiều lần. Orlando Gibbons và Henry Purcell là hai trong số những nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất làm nhiệm vụ chơi đàn Organ tại Westminster. Đội hợp xướng là một phần không thể thiếu của tu viện Westminster, bao gồm 21 cậu bé và 12 Lay Vicars (tên gọi của các giọng nam) làm nhiệm vụ xướng ca hàng ngày.
Những bí ẩn độc lạ
Tại hầm mộ trong tầng hầm tu viện Westminster, có một tấm bia mộ nổi tiếng thế giới. Kỳ thực, đây chỉ là tấm bia mộ rất bình thường, nó được làm bằng đá hoa cương thô ráp, hình dáng cũng rất bình thường.
Xung quanh nó là những tấm bia mộ của vua Hery III đến George II và hơn hai mươi tấm bia mộ của những vị vua nước Anh trước đây, cho đến Newton, Darwin, Charles Dickens và nhiều nhân vật nổi tiếng khác. Vì thế nó trở nên bé nhỏ, trên đó không có đề ngày tháng năm sinh và mất, thậm chí một lời giới thiệu về người chủ ngôi mộ này cũng không có.
Mặc dù là tấm bia mộ vô danh như vậy, nhưng nó lại trở thành tấm bia mộ nổi tiếng khắp thế giới. Mọi người mỗi khi đến nhà thờ Westminster, họ có thể không tới bái yết những ngôi mộ của các vị vua đã từng có những chiến công hiển hách nhất thế giới, nhưng không ai là không tới chiêm ngưỡng bia mộ bình thường này. Họ đều bị ngôi mộ làm cho xúc động mạnh mẽ. Chính xác ra, họ bị xúc động bởi những dòng chữ khắc trên tấm bia mộ này.
Còn một điểm bí ẩn độc đáo bên trong tầng hầm của tu viện Westminster, đó chính là cánh cửa bằng gỗ sồi thoạt nhìn chẳng có điểm gì nổi bật, nằm yên một cách lặng lẽ ở một góc. Tuy nhiên, nó là cánh cửa cổ nhất của xứ sở sương mù. Những tấm ván màu nâu sậm được giữ nguyên vị trí nhờ vào các đai sắt kiểu cũ. Nếu không có tấm bảng giới thiệu đặt phía trước, sẽ chẳng ai lưu ý đến hiện vật quá đỗi bình thường và cũ kỹ này.
Để xác định niên đại của cánh cửa gỗ, các chuyên gia thuộc Phòng thí nghiệm Nghiên cứu tuổi thọ của gỗ Oxford đã khoan một lỗ nhỏ trên thân cửa và tính toán vòng cây. Từ các vòng cây, nhóm chuyên gia xác định được cánh cửa gỗ đã được lắp ráp vào thập niên 1050, cùng thời điểm tu viện ban đầu được xây dựng theo lệnh của thánh Edward Người Sám hối - Vua Anh quốc.
Ngày nay, cánh cửa được công nhận có giá trị lịch sử đáng nể, nhưng lại không được bảo quản bên trong lồng kính và cũng chẳng bị di dời khỏi khung cửa cũ. Cửa vẫn giữ đúng chức năng khi được chế tạo cách đây gần một thiên niên kỷ.
Trên tấm bia mộ ở Westminster có khắc một đoạn văn tự (được tạm dịch) như sau:
"Khi tôi còn trẻ, còn tự do, trí tưởng tượng của tôi không bị giới hạn, tôi đã mơ thay đổi thế giới.
Khi tôi đã lớn hơn, khôn ngoan hơn, tôi phát hiện ra tôi sẽ không thay đổi được thế giới, vì vậy tôi rút ngắn ước mơ của mình lại và quyết định chỉ thay đổi đất nước của tôi.
Nhưng nó cũng như vậy, dường như là không thể thay đổi được. Khi tôi bước vào những năm cuối đời, trong một cố gắng cuối cùng, tôi quyết định chỉ thay đổi gia đình tôi, những người gần nhất với tôi.
Nhưng than ôi, điều này cũng là không thể. Và bây giờ, khi nằm trên giường, lúc sắp lìa đời, tôi chợt nhận ra:
Nếu như tôi bắt đầu thay đổi bản thân mình trước, lấy mình làm tấm gương thì có thể thay đổi được gia đình mình, với sự giúp đỡ, động viên của gia đình mình, tôi có thể làm điều gì đó thay đổi đất nước và biết đâu đấy, tôi thậm chí có thể làm thay đổi thế giới!”