“Chúng tôi vui như bắt được vàng”
Dưới dàn hoa phong lan trong khoảng sân nhỏ, chị Nguyễn Thị Tuyết (phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) vui mừng tâm sự với chúng tôi như thế.
Năm 2019, ngân sách Nhà nước bố trí cho NHCSXH số vốn 663 tỷ đồng, cùng với 50% do NHCSXH tự huy động được Trung ương cấp bù lãi suất, tổng nguồn vốn cho vay của chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP là 1.326 tỷ đồng.
Chị Tuyết và chồng là anh Lê Văn Ba đều công tác ở Bệnh viện đa khoa Quảng Nam, chị làm hộ lý còn anh là bảo vệ. Công việc ở cơ sở y tế vất vả lắm nhưng cũng không dư dả gì khi anh chị còn nuôi hai cháu nhỏ đang tuổi đi học.
Trước đó, gia đình chị Tuyết sống ở khu phố 5 cùng phường An Mỹ, sau rồi khi vực đó giải tỏa làm đường, anh chị được đền bù đất sang khu phố 4 cùng phường. Đất rộng hơn 100m2, anh chị loay hoay tính toán cất được căn nhà với giá thành xây dựng và vật liệu lúc này phải suýt soát cả tỉ đồng.
“Nhà thì nhất định phải xây để có chỗ ở, vợ chồng tôi tính vay ngân hàng thương mại để xây nhà, thậm chí còn bắt tay vào làm hồ sơ rồi. Đang lúc phân vân vì nếu vay ngân hàng máy trăm triệu thì số tiền lãi và vốn phải trả hàng tháng cao quá so với thu nhập của hai vợ chồng, làm ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống ngày thường của gia đình, thì vợ chồng tôi nghe chị em trong bệnh viện nói nhà nước có tiền cho vay chương trình nhà ở xã hội rồi. Chúng tôi vui như bắt được vàng vậy”, chị Tuyết nhớ lại.
Rút kinh nghiệm của một số người đã lâm vào tình trạng “đi mắc núi ở lại mắc sông” khi vay gói ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ trước đó, anh chị còn cẩn thận chạy ra phòng giao dịch NHCSXH Tam Kỳ hỏi han cho rõ ràng, nào là mức vay, lãi suất, thời hạn vay…. Khi rõ ràng sáng tỏ, được sự giúp đỡ tích cực của hội đoàn thể địa phương, anh chị về bắt tay vào làm hồ sơ vay vốn.
“Vợ chồng tôi cùng làm trong cơ quan, thông tin khá rõ ràng, nên quá trình làm hồ sơ suôn sẻ lắm. Cả quá trình chuẩn bị hồ sơ theo yêu cầu, gửi đơn, họp dân…. chỉ mất chừng một tháng”, chị Tuyết nói.
Khi hồ sơ hoàn chỉnh, được phê duyệt, ngay khi ngôi nhà xây xong tầng 1 từ nguồn tiền tiết kiệm và vay mượn của anh em, NHCSXH đã kịp thời giải ngân cho gia đình chị số tiền 250 triệu để xây tiếp lên tầng 2, và sau đó giải ngân lần 2 số tiền 250 triệu để xây và hoàn thiện nhà. Tổng số tiền anh chị được vay là 500 triệu, gần bằng 1/2 chi phí xây cả căn nhà.
“Gia đình tôi được vay trong 23 năm. Hết thời gian ân hạn, chúng tôi sẽ phải trả cho ngân hàng số tiền 4,2 triệu đồng mỗi tháng cả gốc và lãi. Như thế, gia đình tôi không bị áp lực quá lớn. Nếu Nhà nước không kịp thời có tiền cho vay chương trình này, chúng tôi thật không biết phải xoay xở làm sao” – chị Tuyết tâm sự.
Căn nhà được hoàn thiện cuối năm 2018 và đã được anh chị trang trí rất chau chuốt đón chào năm mới, với những giàn hoa, cây cảnh đẹp đẽ. “Có sự hỗ trợ của Đảng và Chính phủ để vay vốn ưu đãi, được ở trong nhà mới, đến giờ chúng tôi vẫn thấy lâng lâng, thật may mắn và hạnh phúc”, anh Ba chia sẻ. Với anh chị, Tết đã về từ khi cả nhà rộn ràng chuyển về căn nhà mới.
Mở sang một trang mới
Căn nhà mới đã mở ra một trang mới trong hạnh phúc gia đình anh Trịnh Văn Kiên – chị Tống Thị Thảo Ngọc (đường Trần Văn Ơn, khối 5, phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam).
Trong ngôi nhà mới còn thơm mùi vôi vữa, ít đồ đạc nhưng ngập tràn hạnh phúc, cha của anh Kiên mới từ Bắc vào thăm con nhân dịp có nhà mới không giấu nổi niềm vui: “Các cụ ta bảo, đàn ông có ba việc lớn: Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”, Kiên đã nhập ngũ hai chục năm nay, vợ chồng các cháu sống với nhau 18 năm nay con cái cũng đều sắp lớn cả, giờ có căn nhà mới của riêng các cháu, bố mẹ già chúng tôi ngoài quê cũng an lòng”.
Đến 31/12/2018 đã có 59 tỉnh, thành phố thực hiện cho vay, và cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giao. Trong đó các chi nhánh triển khai cho vay tốt như: thành phố Hà Nội 62 tỷ đồng, Hà Tĩnh 54 tỷ đồng, Khánh Hòa 52 tỷ, Quảng Nam 50 tỷ đồng, thành phố Đà Nẵng 50 tỷ đồng, Hưng Yên 33 tỷ đồng, Thanh Hóa 30 tỷ đồng, Bắc Giang 30 tỷ đồng, Bắc Ninh 26 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 20 tỷ, Quảng Bình 20 tỷ đồng.
Anh Kiên và chị Ngọc cũng vui quýnh lên, đi ra vào trò chuyện với khách. 18 năm nay, từ khi cưới nhau, vợ chồng anh chị ở chung với các anh chị em trong một căn nhà nhỏ do bố mẹ chị Ngọc để lại. Là lính Biên phòng, quanh năm xa nhà, hết đi đồn núi lại xuống đồn biển, mới về công tác ở đơn vị đóng ở thành phố, gần vợ gần con hơn, anh Kiên cũng thấm thía hơn nhu cầu về một chỗ ở chu đáo khi các con bắt đầu lớn khôn.
Bao năm tích cóp, anh chị mua được mảnh đất hơn trăm mét vuông ở thành phố mới Tam Kỳ. “Mấy năm nay, từ khi luật có quy định về cho vay mua, xây mới, sửa chữa nhà ở, vợ chồng chúng tôi trông ngóng lắm. Chúng tôi đọc báo, xem ti vi, lên mạng tìm hiểu. Đầu tháng 5 vừa rồi, chúng tôi khởi công nhà, bắt đầu sử dụng số tiền tiết kiệm và mượn của bà con. Vừa khởi công được ít ngày thì được tin Chính phủ có vốn cho vay, chúng tôi chạy ngay ra phường hỏi thủ tục rồi về cùng với Tổ Tiết kiệm và vay vốn chuẩn bị hồ sơ vay vốn”, anh Kiên kể.
“Anh Kiên ra UBND phường, gặp tôi, hỏi: Anh ơi em phải làm sao? Hộ khẩu của em ở đơn vị theo quy định của Quân đội mà thủ tục vay vốn chương trình nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách xã hội lại yêu cầu vợ chồng phải cùng hộ khẩu tại địa chỉ xây nhà”, ông Nguyễn Thọ Pha, Chủ tịch UBND phường An Sơn kể. “Thế là chúng tôi hỏi các cơ quan chuyên môn về hộ khẩu rồi cùng anh Kiên tìm ra giải pháp phù hợp với quy định pháp luật để anh chị có thể hoàn thiện hồ sơ vay vốn chính sách chương trình nhà ở xã hội”.
Cùng với 400 triệu đồng vay chương trình nhà ở xã hội, gia đình anh Kiên – chị Ngọc đã xây được căn nhà đẹp đẽ trị giá hơn 1 tỷ đồng |
Giờ đây, việc lớn thứ ba trong đời theo quan niệm của người xưa đã được anh Kiên thực hiện trọn vẹn, với sự hỗ trợ một phần từ 400 triệu đồng vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Có ngôi nhà khang trang, chị Ngọc yên tâm quay lại nghề dạy học, áp lực trả nợ không quá lớn phần nào tạo động lực cho gia đình anh chị tiếp tục những mục tiêu lớn hơn trong đời.
Đứng trước hiên nhìn anh con trai chăm chút cho những giò lan, một loài hoa những người lính Biên phòng đặc biệt yêu thích bởi sự gắn bó của họ với núi rừng, bố anh Kiên vui mừng chia sẻ: “Tết này vui mừng quá, có lẽ tôi phải tính chuyện rủ gia đình vào Quảng Nam ăn Tết một năm, mừng con trai con dâu tôi có ngôi nhà mới”.
Xuân đến trong những căn nhà mới
Không chỉ ở Tam Kỳ (Quảng Nam), mà Tết này, hàng ngàn gia đình công chức, viên chức, người lao động thu nhập thấp ở các đô thị trên khắp cả nước được đón năm mới trong những căn nhà được tạo lập nên từ vốn vay chương trình nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP - một chương trình an sinh quan trọng được Chính phủ nỗ lực thực hiện thông qua NHCSXH. Ngay trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng Quốc hội, Chính phủ đã cố gắng sắp xếp nguồn vốn để chương trình có thể đi từ chính sách vào đời sống, hiện thực hóa ước mơ của hàng vạn người.
Ý nghĩa của chương trình được khẳng định trong niềm vui của người già trẻ nhỏ và những người vay mà chúng tôi đã gặp. Trong một tọa đàm chuyên đề về chương trình này được tổ chức cách đây chưa lâu, ông Phan Thái Bình, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, nhận định: “Ngay cả những đối tượng không được thụ hưởng chính sách họ cũng rất đồng tình ủng hộ bởi đối tượng được vay vốn có thể là một họ hàng nào đó trong gia đình của họ, và việc vay vốn đó có thể giải quyết chỗ ở không chỉ cho đối tượng được vay, mà cả các thành viên trong gia đình họ. Vì vậy, chính sách về cho vay nhà ở xã hội nhận được sự vào cuộc, đồng tình rất lớn từ nhân dân”.
Năm vừa qua, gần 1000 tỷ đồng đã được NHCSXH dành giải ngân cho 2,8 ngàn gia đình vay mua, thuê mua, xây mới, sửa chữa nhà ở xã hội. Những tồn tại, phát sinh từ thực tiễn thực hiện chính sách cũng được các bộ, ngành liên quan và NHCSXH khắc phục để chính sách đi vào cuộc sống một cách suôn sẻ, phát huy thực sự hiệu quả vai trò an sinh xã hội, “thỏa mãn” mong mỏi của hàng triệu người thu nhập thấp khu vực đô thị...
Và rồi, để từ trong hạnh phúc và ấm cúng của các ngôi “nhà ở xã hội” đó, sẽ mở ra những mùa Xuân cuộc đời…