Ông Ty “mộ” tên thật là Trịnh Ngọc Thành (SN 1967, ngụ phường 11, TP Đà Lạt, Lâm Đồng), vì gắn với nghề xây dựng mồ mả, cất bốc hài cốt nên được đặt cho cái tên Ty “mộ”. Ông Ty quê gốc Quảng Nam nhưng lớn lên ở Đà Lạt. Từ nhỏ, gia đình khó khăn, ông theo nghề phụ hồ, dần dần trở thành thợ xây dựng, cải táng mồ mả. Từ những năm 20 tuổi ông làm cải táng ở nghĩa trang số 4 (TP Đà Lạt). Năm 1986 thì tới nghĩa trang Du Sinh.
Cũng từ “cái duyên phục vụ cõi âm”, hơn 20 năm nay, ông Ty tiếp tục theo đuổi với công việc chôn cất thai nhi bị bỏ rơi. Hơn 1 ngàn ngôi mộ là hơn 1 ngàn cuộc gặp gỡ của người đàn ông này với những thiên thần kém may mắn. “Tôi buồn vì thương các em bị vứt bỏ trong sự vô tâm của người lớn, vì lý do nào đó lại nỡ lấy đi quyền sống của các em. Nhưng tôi cảm thấy được an ủi vì được gặp gỡ, được tiễn các em đoạn đường tận nghĩa”, ông Ty tâm sự.
Một ngày của năm 1996, lúc đó làm nghề thợ hồ, thấy một bịch nilon đặt trước đền Âm Hồn; vì tò mò, ông lấy tay ấn nhẹ thì thấy mềm, quay đi quay lại lần thứ hai mới dám mở bọc nilon ra, bên trong là một đứa bé còn ấm, đã ngừng thở được khoảng vài tiếng. Xót xa cho cháu bé vắn số, người đàn ông mượn mọi người xung quanh ít tiền, mua chiếc tiểu nhỏ để chôn cất hài nhi. Hôm sau trời mưa lớn khiến phần mộ của bé bị lún đất, lộ chiếc tiểu ra. Thấy vậy, ông đưa chiếc tiểu về nghĩa trang Du Sinh, xin gạch đá để xây mộ kiên cố.
Với ông Ty, kỷ niệm đầu tiên nêu trên để lại rất nhiều cảm xúc. Ông xem bé chẳng khác gì người thân, hàng ngày ứng tiền công mua sữa, mua hoa, thắp nhang. Ông còn lấy họ của mình đặt cho bé, trên bia mộ khắc tên “Trịnh Vô Danh” kèm dòng chữ “bố lập mộ”.
Hình ảnh cháu bé bị bỏ rơi trong túi nilon cứ ám ảnh. Ông Ty tự nhủ rằng chắc hẳn ngoài xã hội sẽ còn nhiều cảnh tương tự, thế là ông Ty “mộ” tự nhủ phải làm gì đó để sưởi ấm phần nào linh hồn các em, cũng là phần nào xoa bớt nỗi đau của những người cha, người mẹ vì lý do nào đó mà bất đắc dĩ bỏ con mình. Từ 2005, ông Ty liên hệ với các phòng khám nhi, BV để đưa các thai nhi bị phá bỏ về chôn cất ở nghĩa trang Du Sinh. Lâu dần nhiều người biết đến, cũng đưa thai nhi đến nhờ ông an táng.
“Mỗi thai nhi trước khi an táng sẽ được tắm rửa sạch sẽ, mặc áo quần đẹp. Những thai nhi nhỏ thì đặt trong chiếc hũ cốt nhỏ, còn những thai nhi lớn thì dùng tiểu, hòm nhỏ để an táng”, ông Ty cho biết.
Có người gọi ông Ty là “bố của ngàn đứa trẻ”, ông gật đầu, vì nghĩ cho cùng điều này cũng đúng. Hơn 15 năm xắn tay chôn cất thai nhi, hầu như ngày nào ông cũng lên nghĩa trang một lần, một phần vì công việc, một phần vì ông xem đó “như là về nhà thăm các con”. Ông đã quen cách gọi các bé là con, cháu của mình. Trước khi bắt đầu việc gì hoặc chiều tối về nhà, ông đều nhẩm chào những “đứa con”. “Tâm nguyện của tôi là có sức khỏe để đi tiếp cuộc hành trình của mình”, ông trải lòng.