Những người bảo vệ trường học

(PLVN) - Đối với nhiều thế hệ học sinh, hình ảnh bác bảo vệ nơi cổng trường trở thành một phần trong ký ức của những năm tháng trên ghế nhà trường. Họ không chỉ là những người gác cổng mà còn là người bảo vệ sự an toàn cho môi trường học đường, bảo vệ sự an toàn cho chính các em học sinh. 
Niềm vui từ những em học sinh là điều mà những người bảo vệ luôn trân trọng.

Chăm lo an toàn cho học sinh

Tại Trường FPT Schools (Cầu Giấy, Hà Nội), có một người bảo vệ thường được rất nhiều phụ huynh học sinh nhắc đến bởi sự tận tâm với công việc. Đó là bác Lê Ngọc Trung – Tổ trưởng tổ bảo vệ của trường.

Gắn bó với nhà F (khu vực nhà bảo vệ) đã nửa năm, bác Trung đã trở thành một phần không thể thiếu của ngôi trường này. Hồi đầu mới vào làm việc ở trường, nhiều học trò khá nghịch, hơi bướng, nhiều khi khó bảo và không nghe lời, nhưng bằng chính sự tận tụy với nghề và tình yêu đặc biệt dành cho học sinh, bác Trung dần trở thành “người bạn” đồng hành từ sáng sớm cho đến lúc tan trường của bao cô cậu học sinh.

Theo bác Trung, công việc bảo vệ không chỉ đơn thuần là giám sát cổng ra vào mà trách nhiệm lớn nhất chính là đảm bảo sự an toàn cho chính các em học sinh. Mỗi ngày, người bảo vệ thức dậy vào lúc 5 giờ, bữa sáng còn chưa kịp ăn, vội vàng có mặt tại trường lúc 6 giờ, bận rộn phân làn xe đưa đón học sinh, kiểm tra khuôn viên trường học. Đến lúc tan học, khi không gian đã trở nên thưa vắng dần, bác Trung luôn là người ở lại sau cùng và chăm lo cho em học sinh cuối cùng ra về an toàn.

Bác cũng là người thực hiện các công việc như kiểm tra thiết bị, công cụ học tập, giám sát các khu vực trong trường học để đảm bảo học sinh có được môi trường lành mạnh, an toàn. Có những hôm nhân sự thay đổi, bác trực luôn ca tối cho đến sáng ngày hôm sau. Quãng đường từ nhà đến trường học gần 20km, thế nhưng chưa 1 lần bác đến muộn, chưa 1 lần xin nghỉ làm dù trời nắng hay mưa. Công việc vất vả, bận rộn và áp lực nhưng lúc nào trên gương mặt người bảo vệ cần mẫn cũng rạng rỡ nụ cười.

Điều khiến nhiều bậc phụ huynh và em học sinh yêu quý bác Trung là bởi tình yêu thương và trách nhiệm mà người bảo vệ dành cho thế hệ măng non. Nhiều người thắc mắc, tại sao trên đầu tủ trong phòng bảo vệ lại treo 2 túi bánh bóc dở mà không cất đi.

Bác Trung mỉm cười trả lời rằng: “Hồi đó bác mới vào làm chưa lâu, hôm đó khoảng 7 giờ tối, học sinh còn lại ở trường rất ít, trong lúc tuần tra thì bác thấy có một cậu bé ngồi tựa vào hành lang lớp học, vẻ mặt mệt mỏi, hỏi ra mới biết cậu bé đợi mẹ lâu quá nên đói. Bác vội mua 1 chiếc bánh ruốc cho bé ăn, hôm đó sau khi về nhà, mẹ cậu bé gọi điện cảm ơn bác nhiều lắm. Cũng từ đó, trong tủ bác lúc nào cũng có 2 túi bánh, bất kể giờ ra chơi hay khi phụ huynh đến muộn, học sinh nào đói có thể đến hỏi bác”.

Luôn dành tất cả sự nhiệt huyết cho công việc của mình,  không những được rất nhiều cô cậu học sinh FPT Schools yêu quý, bác Trung còn nhận được sự tin tưởng, biết ơn sâu sắc từ tập thể cán bộ giáo viên và phụ huynh học sinh. Không ít lần bác được học sinh, phụ huynh viết mail gửi về văn phòng nhà trường để tỏ lòng biết ơn và gửi lời cảm ơn chân thành đến bác. 

“Với nhiều người, bảo vệ là một công việc nặng nhọc, vất vả nhưng với bác, bác tôn trọng cái nghề của mình. Trước hết, đó là công việc chân chính giúp bác trang trải cuộc sống, và sau đó, nó mang lại hạnh phúc, niềm vui cho bản thân bác vì đảm bảo được sự an toàn, bình yên cho các em học sinh và cho nhà trường”.

Thế mới thấy, khi những vụ việc bảo vệ dâm ô học sinh tại Lào Cai hay TP HCM khiến dư luận phẫn nộ thì những người như bác Trung lại đang âm thầm bảo vệ sự an toàn cho các em học sinh trong không gian học đường. 

 

Đội ngũ không thể thiếu trong trường học

Với mức lương bảo vệ chỉ đủ trang trải tiết kiệm sống, công việc bảo vệ ở các trường học hiện nay rất vất vả. Thế nhưng, với họ, dù có nhọc nhằn, đi sớm về khuya, thậm chí phải đối mặt với nguy hiểm thì họ vẫn sẽ lựa chọn công việc này bởi tình thương và trách nhiệm dành cho thế hệ học trò.

Ông Bùi Ngọc Minh (63 tuổi) làm bảo vệ một trường học cấp 3 ở Hà Nội kể lại, trước đây, một lớp học trên tầng 3 cháy nổ thiết bị loa đài gây hỏa hoạn. Sự cố xảy ra vào cuối buổi chiều, lớp học lại khóa cửa. Đã được học công tác phòng cháy chữa cháy nên ông nhanh chóng ngắt cầu dao tổng, phá khóa phòng học.

Khi cánh cửa phòng bung ra, khói đen sặc sụa, lửa bùng dữ dội, ông không ngần ngại ôm hai bình cứu hỏa lao vào đám cháy. Lúc đi ra, mặt mũi, quần áo ám khói đen kịt. Ông Minh vì trách nhiệm không quản nguy hiểm lao vào dập tắt đám cháy. May mắn thay lúc đó không có em học sinh nào ở gần đó nên không nguy hiểm đến các em.

Ông cũng vui vẻ nhớ lại, hồi đầu, mới về trường ngày nào cũng phải đương đầu với lũ “nhất quỷ nhì ma” luôn có lắm trò khiến ông Minh phát hoảng. Nhưng lâu dần, có kinh nghiệm, biết lựa tình huống mà xử lý. Có lần bắt được nhóm học sinh nam hút thuốc trong nhà vệ sinh, chúng nó năn nỉ xin tha rồi hối lộ ông bao thuốc lá đầy nguyên. Ông nào có hút thuốc lá, chỉ bắn thuốc lào thôi. Nhưng lần đầu nên ông tha, chứ lần sau có hối lộ cả cân thuốc lào ông cũng đem “nộp” cho ban giám hiệu.

Nói về những niềm vui trong nghề, ông Minh tâm sự thật lòng, lũ học trò chính là động lực để ông gắn bó với nghề. Ông bảo: “Không nghịch không phải học sinh, mình muốn nhắc nhở thì phải mềm mỏng, bảo ban theo kiểu cha chú. Chứ thái độ hách dịch, là chúng nó phản ứng ngay, thậm chí nhiều đứa cá biệt nó chửi thẳng vào mặt mình, chẳng nể nang gì. Nhưng đừng nghĩ là chúng nó hư hỏng cả. Chỉ là học sinh nó ưa ngọt, nhẹ, mình cứ lựa lời bảo ban là chúng nó đều nghe”.

Mỗi khi nói chuyện về học sinh, mắt ông Minh thường ánh lên nhiều niềm vui. Lũ học trò qua lại phòng bảo vệ chẳng đứa nào quên chào hỏi ông. Bởi ông tuy không phải là thầy cô giáo, nhưng lại gần gũi lũ nhỏ. Nhiều học sinh, thầy cô chủ nhiệm còn không nắm rõ hoàn cảnh, tính cách nhưng ông lại biết, vẫn thường tâm sự, động viên, có khi còn khéo léo nói với thầy cô để hiểu và giúp đỡ các em.

Thế nên nhiều em ra trường rồi còn viết thư cảm ơn. Cuối khóa có lễ tri ân thầy cô, các em cũng không quên mua hoa tặng ông, còn kéo vào chụp ảnh kỉ yếu, hay năn nỉ đóng clip cùng với vai diễn khi là phụ huynh, khi lại là ông bảo vệ chuyên đi bắt học trò…

Nhờ có đội ngũ bảo vệ tận tâm, nhiệt huyết như vậy mà phụ huynh yên tâm về an toàn của con em hơn. Trường Mầm non Anh Đào (quận Gò Vấp, TP HCM) luôn có 2 bảo vệ trực chốt, phối hợp cùng lực lượng dân phòng điều tiết giao thông, giữ gìn trật tự trước cổng trường.

Điều đáng ghi nhận là lực lượng này không làm nhiệm vụ trông giữ xe cho phụ huynh như cách làm của nhiều đơn vị khác, mà chỉ tập trung gác cổng, đảm bảo không có học sinh nào đến gần cổng trường mà không có người lớn đi kèm.

Ngoài ra, trên các bảng tin tuyên truyền và loa phát thanh, tổ bảo vệ đều nhắc nhở phụ huynh cảnh giác người lạ mặt trà trộn vào trường có hành vi xấu đối với trẻ, khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn phải báo ngay cho bảo vệ hoặc giáo viên ở lớp gần nhất.

Nghề bảo vệ chỉ bình dị với những vui buồn như thế. Dẫu vất vả, nhọc nhằn, nhiều nỗi niềm riêng nhưng họ vẫn luôn cố gắng cống hiến hết mình cho công việc, với một tâm niệm giữ cho môi trường học đường được an toàn và các em học sinh có thể yên tâm học tập, vui chơi ở trường.

Đọc thêm