Những người giữ rừng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những “người con của rừng” sống cuộc đời gắn bó với màu xanh đại ngàn, thế hệ nối thế hệ giữ cho màu xanh ấy không mất đi. Đó cũng là cách họ giữ lại tương lai cho đời sau qua những cánh rừng phủ tươi mát.
Những người giữ rừng

Những người giữ rừng

Thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị có một khu rừng đặc biệt. Đó là rừng len xanh - loài cây họ tre, to bằng đầu ngón tay. Cây len xanh cũng là nguyên liệu chế biến ống hút thân thiện với môi trường. Cả vùng núi non Chênh Vênh chỉ duy khu vực lèn đá này có loài len xanh sinh sống. Để bảo vệ rừng len xanh, Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh đã thành lập một tổ nữ gồm 6 thành viên. Nhiệm vụ chính của tổ này là tuyên truyền người dân địa phương bảo vệ rừng len xanh và theo dõi, không để rừng bị cháy.

Chị Hồ Thị Lý (31 tuổi), phụ trách tổ nữ giữ rừng Chênh Vênh cho biết, vào năm 2020, dù theo dõi sít sao nhưng rừng len xanh bất ngờ bị lửa thiêu rụi. Khu rừng lại nằm cheo leo trên lèn đá nên gần như các biện pháp chữa cháy thông thường không thể can thiệp được. Người dân Chênh Vênh ai cũng bùi ngùi, ngẩn ngơ tiếc nuối. Tuy vậy, từ đống tro vùi, cây len xanh đã mọc trở lại và rất xanh tốt.

"Rút kinh nghiệm vụ cháy trước đó, tổ nữ giữ rừng đã tăng cường theo dõi và tuyên truyền người dân bảo vệ rừng len xanh. Trong các cuộc họp thôn, họp làng, chúng tôi đều lồng ghép, kêu gọi bà con cùng chung tay bảo vệ, không được đốt lửa hay hút thuốc trong rừng len xanh" - chị Lý nhớ lại.

Nếu như ở Chênh Vênh, "phái yếu" chỉ được giao giữ rừng len xanh thì ở thôn Hồ, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, nhiều chị em phụ nữ còn tham gia tuần tra, bảo vệ rừng cộng đồng. Hằng tháng, họ lại cơm đùm gạo bới băng rừng cùng tuần tra với cánh đàn ông trong thôn. Năm năm trước, thôn Hồ được Nhà nước giao bảo vệ 868ha rừng tự nhiên đầu nguồn. Thôn đã thành lập Ban Quản lý rừng cộng đồng gồm 22 người, trong đó có 2 phụ nữ. Các thành viên của Ban Quản lý được chia thành nhiều tổ giữ rừng để luân phiên tuần tra, theo dõi từng khu vực được giao phó. Chị Hồ Thị Son (30 tuổi) là một trong 2 thành viên nữ của Ban Quản lý bảo vệ rừng thôn Hồ. Chị bảo vì sinh ra nơi núi rừng nên việc đi tuần tra, bảo vệ rừng cũng "bình thường như đi làm rẫy thôi mà". Son cho hay rừng cộng đồng thôn Hồ còn nhiều động vật như khỉ, hươu, nai và nhiều cây gỗ lớn như dẻ, chân chim.

Hàng tháng, tổ tuần rừng của chị Son vào rừng tuần tra 4 lần. Đoàn thường xuất phát vào rừng lúc sáng sớm và trở về lúc tối mịt. Khi phát hiện dấu vết lạ, nhóm chụp ảnh, ghi chép lại rồi báo cáo lên Ban Quản lý và các cấp chính quyền để ngăn chặn, xử lý dứt điểm. Nhờ những người giữ rừng đặc biệt, bao năm qua, cánh rừng vẫn được bảo vệ xanh tốt cho đến nay.

Những con người sinh ra nơi núi rừng nên việc đi tuần tra, bảo vệ rừng cũng bình thường như đi làm rẫy.

Những con người sinh ra nơi núi rừng nên việc đi tuần tra, bảo vệ rừng cũng bình thường như đi làm rẫy.

Để lại di sản cho đời sau

Nặng lòng vời rừng, có những người đã gắn bó cả cuộc đời với rừng, đau lòng khi chứng kiến từng mảng rừng trở nên trọc trơ. Đó là câu chuyện của ông Vừ Rả Tênh, Bí thư Đảng ủy xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) về rừng cây pơ mu.

Ông Vừ Rả Tênh rơm rớm nước mắt khi nhắc đến người cha quá cố của mình, người đã cùng ông đi suốt những năm tháng ăn ngủ với rừng pơ mu: “Bố tôi tên là Vừ Pà Rê. Ông làm Phó Chủ tịch xã Tây Sơn cho đến năm 1988 thì nghỉ hưu. Những buổi rảnh rỗi đi rừng với bố, tôi thấy ông thường thở dài, rồi nghẹn ngào nói với chúng tôi: Ngày xưa, cả vùng này bạt ngàn pơ mu, có nhiều cây đã hàng trăm năm tuổi. Rừng của trời trồng đấy. Vào những năm 1990, một đơn vị khai thác lâm nghiệp vào khai thác gỗ, họ dọn sạch trơn chỉ trong vòng 3 năm, bất kể cây to hay nhỏ”.

Ông Tênh cũng thở dài: Cả dãy Pu Lon này gần như bị cạo trọc. Bố tôi buồn lắm, ông nói, con cháu sau này lớn lên dễ mà không còn nhận biết cây pơ mu của quê ta nữa. Nghỉ hưu, bố Vừ Pà Rê cứ lang thang trong rừng, mỗi bữa mang về một ít cây pơ mu nho nhỏ, trồng giắm vào các khu đất gần nhà. Một hôm, ông gọi 6 người con đến và nói: “Rừng trời trồng đã bị khai thác hết rồi. Cha con ta phải trồng lại rừng thôi, phải trồng lại rừng cho đời sau”.

Vâng lời cha, ông Tênh và các anh em đã cơm đùm cơm nắm vào rừng. “Đi mất cả buổi sáng chúng tôi mới đến được khu rừng còn có ít cây pơ mu sót lại. Ngày tìm, đêm nghỉ, mà mỗi người cũng chỉ đào được chừng vài ba chục cây giống cao chừng nửa mét. Hết chuyến này đến chuyến khác, 7 cha con tôi cứ miệt mài tìm cây...”.

Những cây pơ mu đầu tiên đã được cắm xuống khu đồi Huồi Giảng, vốn trước đây là cánh rừng pơ mu ngút ngàn. Nhưng để nhanh chóng phủ xanh một diện tích lớn như vậy thì chỉ cha con ông Rê không thể kham nổi. Ông cùng các con đi vận động dân bản thì gần như ai cũng lắc đầu: “Cây nhỏ thế này đến bao giờ mới bán được gỗ”.

“Cha tôi mang theo khát vọng trồng rừng đi gặp ông Vừ Chồng Pao, lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn. Ông Pao mừng lắm, khen ngợi cha tôi và quyết định đưa Dự án 327 về xã Tây Sơn, để mọi người cùng chung sức trồng lại rừng”, ông Tênh nhớ lại. Có dự án, có tiền nhưng bà con vẫn không ưng cái bụng, họ cho rằng trồng cây lâu ăn quá, không bằng đi rừng. “Phải thông cảm cho bà con, hồi đó đói lắm, lo cái ăn từng bữa chưa đủ, nói chi đến trồng rừng”, ông Vừ Giống Phử, người con thứ 5 của ông Rê chia sẻ. Ông Phử xúc động: “Cha tôi không một chút nản chí, ông nói, không ai trồng thì ta trồng thôi. Thế là 7 cha con chúng tôi lại lên rừng tìm cây về trồng”.

Nhưng cây pơ mu giống cũng hết. Ông Rê lại vận động các con tìm hái quả pơ mu về ươm giống. Mỗi quả pơ mu chỉ có khoảng từ 5 đến 10 hạt nhỏ li ti, phải phơi phóng cho đủ nắng, rồi ngâm nước ấm với tỷ lệ nhất định nó mới chịu nảy mầm. “Bị hỏng nhiều mẻ lắm, hạt bị thối hết. Cha con tôi phải thử hết cách này đến cách khác. Ngày hạt pơ mu nảy mầm, cả nhà vui lắm. Tôi nhớ như in nét mặt của cha tôi, rạng ngời, ông nói cười suốt cả ngày”, ông Phử nói như reo.

Rồi lại mất thêm vài ba tháng, cây pơ mu mới lên được chừng một gang tay, lúc này mới đem ra trồng. Cứ thế, hết đợt này đến đợt khác, cây lớn đến đâu, cha con ông Rê lại mang ra rừng trồng đến đó. Ông Phử nhớ lại, cha tôi bảo, trồng đến bao giờ hết đất trọc ở xã Tây Sơn này mới thôi.

Với cương vị lãnh đạo, có những người cũng đau đáu nỗi niềm gìn giữ rừng cho thế hệ sau: “Rừng là vốn liếng cho thế hệ mai sau, nên chúng tôi sẽ tập trung công tác dân vận, giao rừng cho bà con quản lý cũng như áp dụng biện pháp cúng bái thần rừng. Trong tương lai sẽ đánh số, đeo biển cho những cây gỗ quý, để bảo vệ rừng hiệu quả, cũng như ngăn chặn tình trạng phá rừng, nhất là gỗ nghiến cổ thụ”, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến cho biết.

Còn với riêng những người cán bộ của rừng, gác rừng không phải nghề dễ. “Giữ rừng cũng khó khăn, nhưng bám trụ thì mình cố gắng xoay xở thôi. Cố bám rừng, vừa giữ rừng vừa lao động thêm. Giờ cũng không suy nghĩ gì, dù tết này có hơi khó khăn, eo hẹp hơn so với mọi năm. Để bám nghề anh chị em tăng cường mò cua bắt ốc làm thêm để bám trụ rừng, bởi tất cả đều vì công việc, vì đơn vị của mình”, một cán bộ thuộc đơn vị gác rừng ở Rừng Sác, huyện Cần Giờ, TP HCM chia sẻ.

Rừng là những tài nguyên vô giá được thiên nhiên ban tặng mà các thế hệ đi trước đã giữ gìn. Chúng không thể sinh sôi mà chỉ dần bị gặm nhấm và mất đi nếu không được bảo tồn. Đó là những giá trị xanh của sự sống mà không công trình nhân tạo nào thay thế được. Giữ được thiên nhiên tươi đẹp thì mới có cơ sở để phát triển du lịch bền vững - ngành kinh tế không khói cực kỳ hấp dẫn và là một trong những trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Bởi vậy, dù có khăn, vất vả, điều giữ họ lại với cái nghề này là tình yêu với rừng và những mong ước gửi thế hệ tương lai. Với những bản buôn một đời gắn bó với rừng, còn rừng là còn làng, còn văn hoá và bản sắc làng. Đó mới là những giá trị cốt lõi để văn hoá làng được tiếp nối cho thế hệ sau.

Đọc thêm