Những người làm nhẫn kết duyên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đồng bào người Churu sống ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đến nay vẫn bảo tồn được nhiều nghề truyền thống. Trong đó, nghề làm nhẫn bạc kỳ công mang đậm nét văn hóa đặc sắc của người Chu Ru.
Ya Tuất là truyền nhân đời thứ 6 làm nhẫn bạc Chu Ru ở Đơn Dương.
Ya Tuất là truyền nhân đời thứ 6 làm nhẫn bạc Chu Ru ở Đơn Dương.

Kỳ công đúc nhẫn

“Srí” trong tiếng Chu Ru có nghĩa là chiếc nhẫn bạc, là trang sức truyền thống có vai trò quan trọng trong lễ cưới của người Chu Ru. Trước đây, nghề làm nhẫn bạc rất được xem trọng, cả làng chỉ được một người biết và chỉ truyền nghề cho con cháu trong làng. Hiện nay, chỉ gia đình nghệ nhân Kajong Ya Tuất (52 tuổi, trú xã Tu Tra, huyện Đơn Dương) còn duy trì nghề.

Để làm ra những chiếc Srí, trước hết phải vào rừng tìm những tổ ong mật lớn để lấy sáp. Ngoài ra còn phải có đất sét, phân trâu và củi đốt là cây Kasiu rừng. Đất sét được lấy ở nơi bí mật trong rừng, theo anh Ya Tuất đó là nơi “trời sập”- vùng đất bị sét đánh trúng. Phân trâu phải lấy từ con trâu đực 3 tuổi chưa giao phối và vào buổi sáng sớm.

Nghệ nhân sẽ nấu chảy sáp ong để tạo khuôn đúc, sau đó cuộn vào các mẫu gỗ tròn vừa bằng những ngón tay, chờ khô thì tháo mẫu gỗ ra, cắt sáp ong thành từng khoen hình chiếc nhẫn. Tùy kích thước ngón tay của người làm nhẫn mà nghệ nhân sẽ cắt các khoen tròn lớn nhỏ khác nhau, sau đó khắc hoa văn lên đó theo nhu cầu của người đặt.

Sau khi tạo hình khuôn nhẫn thì mang chúng nhúng đều vào dung dịch phân trâu hoà lẫn với đất và đem phơi nắng khoảng 2 ngày. Khuôn sáp sẽ được đốt trên than lửa nóng để sáp bên trong tan ra, ngấm vào khuôn, tạo nên độ bóng, hình thành khuôn nhẫn âm. Tiếp tục mang bạc được nấu chảy đổ vào khuôn vừa làm xong, chờ khoảng 1 phút rồi nhanh tay nhúng tất cả vào chậu nước lạnh. Gặp nước, đất sét và phân trâu tan ra, để lộ đôi nhẫn bạc màu đen xám, người thợ sẽ đem nhúng vào nồi nước bồ kết đun sôi để nó sáng dần lên.

Ya Tuất cho biết : “Cả quá trình làm nhẫn, công đoạn khó nhất là đổ bạc vào khuôn. Việc này chỉ diễn ra trong tích tắc, nếu chậm tay thì nhẫn dễ bị cong, nứt vụn”. Việc đổ bạc vào khuôn nhẫn phải được thực hiện lúc rạng sáng, chọn thời khắc âm dương hòa hợp để nổi lửa, đốt chảy thỏi bạc bằng củi của cây Kasiu, rồi đổ vào khuôn nhẫn mẫu đã làm sẵn.

Mỗi khuôn đúc được 2 chiếc nhẫn với 2 kích cỡ khác nhau, một chiếc cho nữ và một chiếc cho nam. Chiếc Srí cho người con trai đeo gọi là “Srí L’cay”, còn chiếc nhẫn mang tên “Srí K’may” dành cho con gái.

Nhẫn làm xong, được đánh bóng cẩn thận, đính hạt Kơnia vào mặt trên nhẫn dành cho đàn ông, còn nhẫn dành cho phụ nữ chỉ có hoa văn và đánh bóng bề mặt.

Dựa vào hoa văn trên những chiếc Srí, người ta phân chúng thành 12 loại khác nhau như: Srí mơ ta h’lat, Srí Chăr, Kra lơ kay… Trong đó, Srí Chăr là khó làm nhất vì loại nhẫn này có hoa văn rất tinh xảo, đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, lành nghề và khéo tay. Mỗi loại Srí mang biểu tượng và ý nghĩa khác nhau trong quan hệ cộng đồng, tình cảm nam nữ và tín ngưỡng tâm linh.

Đôi nhẫn bạc làm từ khuôn sáp ong của người Chu Ru.

Đôi nhẫn bạc làm từ khuôn sáp ong của người Chu Ru.

Người làm kỷ vật se duyên đôi lứa

Trong văn hóa của người Chu Ru, chiếc nhẫn bạc làm từ khuôn sáp ong rất quan trọng. Họ xem nó là linh vật đem lại nhiều niềm vui, may mắn cho người sử dụng. Nó được dùng để làm quà, để thể hiện lời chúc dành cho nhau trong các dịp lễ Tết và hội hè. Đặc biệt trong tình yêu, nhẫn bạc như một tín vật thiêng liêng thể hiện lời thề thủy chung. Họ trao nhẫn cho nhau trong ngày cưới, như lời tỏ tình, lời đính ước bền chặt, dấu chỉ tình yêu vĩnh cửu của đôi nam nữ.

Theo phong tục, ngoài cặp nhẫn cưới của đôi uyên ương, phía nhà gái phải trao nhẫn bạc cho những người chủ chốt trong họ hàng nhà trai. Mỗi đám cưới, thông thường phải dùng từ 10 đến 15 cặp nhẫn, có những đám lên đến 50 cặp.

Cũng vì ý nghĩa của chiếc nhẫn bạc và sự quan trọng của những người làm nhẫn mà những người làm nhẫn như Ya Tuất, được gọi là người làm kỷ vật se duyên cho lứa đôi. Ya Tuất chia sẻ: “Làm nhẫn rất khó, phải tỉ mỉ, khéo tay mới làm được. Thu nhập từ làm nhẫn cũng không cao nên nhiều người không mấy mặn mà với nghề này”.

Ya Tuất phải mất 4 năm học nghề từ chú của mình. Anh cho hay: “Biết cái nghề này cũng do bố mẹ bắt học, nhiều người cũng theo học với tôi, nhưng chỉ còn mình tôi là có thể làm nghề. Một phần vì không có đủ dụng cụ, phần khác là do người ta thích đi làm thuê làm mướn hơn làm cái này”.

Đối với nghệ nhân Ya Tuất, làm nhẫn bạc không đơn thuần là một công việc mưu sinh. Đó còn là trách nhiệm đối với làng bản, duy trì nghề truyền thống của ông cha mình.

Đọc thêm