Những người lính gác việc nhà xông pha chống dịch

(PLVN) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Hải Dương, thời gian qua đã có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ thuộc lực lượng vũ trang tỉnh Hải Dương tạm gác lại việc riêng để xông pha trên tuyến đầu với một quyết tâm cao nhất đẩy lùi đại dịch.
Những cán bộ, chiến sỹ tham gia phòng chống dịch
Những cán bộ, chiến sỹ tham gia phòng chống dịch

Đã là người lính thì nhiệm vụ nào cũng hoàn thành

Đầu năm 2020, Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Phùng Văn Mạo, bác sĩ thuộc Ban Quân Y, Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Hải Dương được điều động làm Tổ trưởng Tổ quân y phòng, chống dịch tại khu cách ly Trung đoàn 125 (Bộ CHQS tỉnh Hải Dương). Do tính chất công việc và yêu cầu nhiệm vụ nên trong thời gian làm việc tại khu cách ly, anh Mạo chưa thể về thăm gia đình. Cuối năm vừa rồi, tưởng như anh Mạo sẽ được sum vầy cùng vợ con đón Tết thì bất ngờ dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Hải Dương. Trước yêu cầu nhiệm vụ chống dịch mới, anh Mạo đành gác lại những dự định cá nhân để ở lại khu cách ly cùng đồng đội chống dịch.

Trung úy Phùng Văn Mạo tâm sự: “Thời điểm nhận nhiệm vụ phòng, chống dịch, vợ tôi đang mang bầu được hơn 3 tháng. Lúc vợ sinh con tôi cũng không thể về thăm. Xa nhà đến nay 1 năm, con cũng đang chập chững biết bò. Nhiều lúc nhớ thương vợ con chỉ biết lấy điện thoại gọi điện trò chuyện để con biết mặt bố, vợ nhớ mặt chồng. Tuy nhiên tôi và các đồng đội đang làm nhiệm vụ trong khu cách ly xác định đã là người lính thì nhiệm vụ nào cũng phải hoàn thành, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua, cùng nhau đoàn kết chống dịch”.

Được biết, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, 100% cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh Hải Dương đều trực tại đơn vị. Ngoài lực lượng làm nhiệm vụ chuyên môn và trực sẵn sàng chiến đấu, Bộ CHQS tỉnh Hải Dương đã huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tăng cường cho các điểm chốt kiểm dịch và khu cách ly trên địa bàn tỉnh, tập trung nhiều tại thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn và huyện Cẩm Giàng.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Hải Dương phối hợp với các lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch tại huyện Cẩm Giàng.
 Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Hải Dương phối hợp với các lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch tại huyện Cẩm Giàng. 

Điều đáng trân quý là nhiều cán bộ, chiến sĩ hoàn cảnh gia đình khó khăn như con nhỏ, vợ mới sinh, thậm chí người thân đang thuộc diện đối tượng F1, F2 phải cách ly tập trung nhưng vẫn tình nguyện xung phong đi chống dịch. Một trong số đó là trường hợp Thiếu tá Đặng Ngọc Thịnh, Trợ lý Bảo vệ An ninh, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hải Dương.

Dù không nằm trong danh sách điều động tham gia phòng, chống dịch nhưng khi thấy tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, anh Thịnh vẫn viết đơn tình nguyện xin đến thành phố Chí Linh chống dịch. Anh Thịnh tâm sự: “Phải xa gia đình trong thời điểm này tôi không yên tâm nhưng tôi không thể hưởng niềm vui riêng khi thấy các đồng đội ngày đêm vất vả trên chốt, thức trắng đêm trong các khu cách ly. Tôi đã nhờ ông bà nội, ngoại sang chăm sóc vợ và con nhỏ. Vợ và người thân đều hiểu, thông cảm nên tôi cũng yên tâm hơn khi công tác xa nhà”.

Xông pha trên tuyến đầu chống dịch

Sau Tết Nguyên đán, tình hình dịch bệnh tại Hải Dương tiếp tục bùng phát rộng hơn. 100% các huyện, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh Hải Dương đều có người bị nhiễm bệnh với số lượng ngày càng tăng. Đêm 16/2 (tức mồng 5 Tết), toàn tỉnh Hải Dương phải thực hiện giãn cách xã hội. Ngay trong đêm, Bộ CHQS tỉnh Hải Dương đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để triển khai nhiệm vụ chống dịch.

Căn cứ vào mức độ lây lan của dịch bệnh, Bộ CHQS tỉnh Hải Dương kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch ở cấp độ cao nhất, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, điều chỉnh kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tiễn. Bộ CHQS tỉnh thành lập 3 tổ phản ứng nhanh để tham gia xử lý các tình huống đột xuất, cấp bách. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Hải Dương đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng địa phương tham gia chuẩn bị khu cách ly và chốt kiểm soát dịch.

Đến nay đã có hơn 2.600 cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực, lực lượng dân quân tự vệ thuộc lực lượng vũ trang tỉnh Hải Dương đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch tại 100 khu cách ly y tế tập trung và 948 điểm chốt phòng dịch trên địa bàn toàn tỉnh. Tại các điểm chốt, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh phải thay nhau trực 24/24 giờ. Trong đó có nhiều điểm chốt cán bộ, chiến sĩ phải ăn, ở tạm trong các nhà bạt chật chội, thiếu thốn.

Còn tại các khu cách ly, cán bộ, chiến sĩ cũng không quản ngày đêm để phục vụ ăn uống, kiểm tra y tế, động viên tinh thần cho người dân yên tâm thực hiện nghiêm quy định cách ly. Dù công việc vất vả, nguy cơ bị lây nhiễm bệnh rất cao nhưng những cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Hải Dương vẫn trách nhiệm, tự giác với công việc được giao không chút đắn đo, tính toán.

Đại tá Nguyễn Văn Nhường, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hải Dương cho biết: Để cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh “sẵn sàng ra trận” xông pha trên tuyến đầu chống dịch, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã thường xuyên giáo dục, động viên, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ CHQS tỉnh đã xây dựng nội quy tại khu vực cách ly y tế tập trung quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ, nhân viên làm công tác tại đây.

Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh cũng thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra, nắm tình hình tại các khu cách ly tập trung, điểm chốt; yêu cầu cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm kỷ luật, nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan, thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Sự hy sinh thầm lặng của hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ thuộc lực lượng vũ trang tỉnh Hải Dương đang góp phần tích cực cùng cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng địa phương khống chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; góp phần tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” giữa thời bình.

Đọc thêm