Trân trọng giá trị đồ đạc
Với mục đích hạn chế rác thải từ việc dư thừa đồ cũ, hội chợ “Cũ người mới ta” tại Paris ra đời. Trong những ngày đầu tháng 9, hội chợ cũ ngoài trời luôn mà một điểm nhấn thú vị trong đời sống văn hóa tại Pháp. Từ thói quen lựa chọn sản phẩm có chất lượng tốt, thời hạn sử dụng lâu bền, những ngôi chợ trời trao đổi đồ cũ thành hình nếp sống của người dân nơi đây.
Trong những ngày dọn đồ ở Paris, Nguyễn Thanh Hằng, cô sinh viên thiết kế sân khấu tại Paris thấy mình có quá nhiều thứ không cần thiết. Hằng hiểu về tác động rác thải từ những đồ cũ cá nhân này. Hằng cùng nhóm bạn lên kế hoạch làm một phiên chợ cũ giống người Pháp nhưng phong cách Việt.
Trang là người thiết kế biển giới thiệu, không gian phiên chợ cũ tại Foyer Việt Nam ở Paris. Dung, cô gái học về thời trang ở xứ Paris đảm nhiệm khâu marketing, giao dịch với người gửi đồ và người cho đồ. Hằng thì là người kế hoạch phân bổ đồ đạc để “phiên họp chợ” diễn ra tốt đẹp.
Hằng chia sẻ: “Ở Việt Nam thường không có thói quen mua đồ cũ nhiều lắm. Lý do là bởi hàng tiêu dùng có giá thành rẻ và giá trị sử dụng không lâu bền. Thêm nữa, có những cửa hàng đồ cũ nhưng giá thành cũng xấp xỉ đồ mới nên mọi người sẽ chọn đồ mới nhiều hơn. Đó là tâm lý thực sự dễ hiểu”.
Tuy nhiên, Hằng chia sẻ thêm, mọi người thường chỉ nhìn vào giá thành của sản phẩm mà ít tính đến nhiều khía cạnh khác như: giá nhân công cho sản phẩm, chất liệu sản phẩm và quá trình sản xuất. Việc lựa chọn mua nhiều đồ rẻ hơn là một đồ tốt mà đắt có nhiều hệ quả. Thứ nhất, người tiêu dùng chấp nhận nhà chủ chi trả lương công nhân không đúng với giá trị lao động. Thêm vào đó, quá trình sản xuất đồ có thể gây tác hại đến môi trường mà người chủ không chịu trách nhiệm. Việc mua quá nhiều đồ mà có giá trị sử dụng ngắn cũng là một nguyên nhân tạo ra bãi rác khổng lồ.
Về thời trang, cô sinh viên thiết kế Đào Thị Hà Trang nói rằng, hãy nên tôn trọng sản phẩm và người làm ra nó. Trang nói, sau những sức ép từ vụ sập xưởng sản xuất may mặc tại Bangladesh, các ngành công nghiệp thời trang nhanh phải minh bạch hơn về nguồn gốc sản phẩm và người làm ra nó.
Tuy nhiên, quá trình này không thể chuyển dịch nhanh chóng trong một hay hai năm được. Và trong thời gian đó, chúng ta cần thay đổi nhận thức về đồ đạc mình sở hữu nhiều hơn. Bởi phía sau những bộ quần áo lung linh ấy có thể là cuộc sống lao động trong môi trường độc hại của hàng triệu công nhân tại đất nước đang phát triển. Và như chúng ta biết, Việt Nam cũng có rất nhiều xưởng công nhân hoạt động để sản xuất những hàng may mặc thương hiệu nước người.
Sống xanh như ông bà em
Việt Nam trước vũ bão của kinh tế thị trường, chúng ta đã từng có những nếp sống xanh và thuận tự nhiên. Các bà mẹ đi chợ hầu như chẳng dùng cái túi nilon nào bởi mọi thứ đều gói trong giỏ mây. Chúng ta đã và vẫn đang cố gắng duy trì dùng phân bón tự nhiên từ rơm, rạ và thực vật thừa.
Những quả bồ kết dùng để gội đầu, xơ mướp dùng làm vật cọ rửa là hình ảnh gần gũi với thế hệ đi trước. Tuy nhiên, ở Pháp thì chẳng dễ gì mà sống một lối sống “thuần xanh” như thế. Vậy nên nhóm Trang-Hằng-Dung tìm những cách đi khác thay vì chỉ dừng lại việc dùng túi vải đi chợ.
Từ những ngày là cô sinh viên trường Amstedam Hà Nội, Dung đã có thói quen mua quần áo cũ ở các chợ Kim Liên, Đông Tác. Dung nói: “Không phải ai cũng có thể dễ dàng tìm đồ cũ và phối hợp chúng cho ăn ý bởi quần áo hàng thùng thường được nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, một điểm đáng mừng ở ngành thời trang ở Việt Nam đã có những chuyển dịch xanh hơn. Nhiều cửa hiệu hàng thiết kế ra đời với phong cách Việt, sử dụng nguyên liệu tự nhiên địa phương,... Và khi có những sản phẩm đậm chất như thế, người mua sẽ học cách trân trọng hơn bởi nó được thiết kế cho mình và họ biết rõ nguồn gốc của sản phẩm mình mua”.
Giữa hai chiếc khăn lụa Việt Nam và Trung Quốc với chất lượng như nhau nhưng giá thành của khăn Việt đắt hơn, người biết trân trọng sẽ chọn chiếc khăn lụa Việt. Bởi, những người mua hàng có trách nhiệm, họ sẽ không chọn những sản phẩm rẻ hơn nếu công nhân đó bị bóc lột sức lao động và quá trình sản xuất gây tác hại mạnh đến môi trường. Vậy thì, thay vì có thật nhiều đồ, chúng ta hãy học cách trân trọng đồ đạc bởi những điều đứng sau nó. Đó là một câu chuyện khiến cả nhóm bạn băn khoăn.
Nhóm bạn đăng thông tin nhận đồ cũ trên nhóm Facebook Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp. Đồ đạc mà các bạn nhận được chủ yếu là quần áo, giầy dép (tất nhiên đã qua sử dụng và còn tốt), sách vở, đồ dùng học tập. Một số đồ dùng học tập như bút vở, các bạn dùng để làm quà cho tân sinh viên mới nhập học tại Paris.
Trang kể: “Ngày diễn ra phiên chợ thì không chỉ sinh viên Việt đến mà có rất nhiều bạn và các cô bác người Pháp ghé thăm. Họ muốn tìm những đồ cũ Việt Nam vì thấy bảng giới thiệu ở bên đường. Tuy nhiên, phiên chợ đầu tiên này lại không có nhiều điểm nhấn Việt lắm ngoài một số chiếc áo dài cũ”.
Từ những lời động viên tiếp tục hội chợ, nhóm bạn du học sinh tiếp tục học hỏi thêm để mở thêm những phiên chợ cũ “sống xanh như ông bà em” cho những lần tới.