Năm 2015, nữ nhà văn người Belarus Svetlana Alexievich đoạt giải Nobel Văn chương trong đó có tác phẩm: “Những nhân chứng cuối cùng”.
Cuốn sách “Những nhân chứng cuối cùng” được viết năm 1985. Cuộc chiến tranh chống phát xít Đức cướp mất hàng chục triệu con người Liên Xô đã khiến nhiều ngôi làng Xô viết sau chiến tranh không còn bóng dáng đàn ông và tại những ngôi nhà góa bụa đó, Svetlana thường nghe được hai câu chuyện: Một của người mẹ và một của đứa con.
Nhờ đó, nhà văn, nhà báo phát hiện: “Còn một kho cất giữ nỗi đau còn tinh khôi, hoàn toàn chưa được động tới”: ký ức trẻ thơ. Qua lời trẻ em, chiến tranh bộc lộ sự điên rồ, hung bạo, phi nhân không thể biện bạch.
Trong sách, hàng trăm câu chuyện trẻ thơ được kể. Chiến tranh Vệ quốc nổ ra, những nhân vật từ 4 đến 12 tuổi ấy chứng kiến. Những chết chóc, mất mát, tang thương in hằn lên ký ức trẻ thơ, ám ảnh những cuộc đời ấy.
Dẫn lời Dostoyevsky, những “solo cho giọng trẻ em” trong cuốn sách đã minh chứng nước mắt trẻ thơ luôn nặng hơn mọi lý lẽ có thể dẫn ra bào chữa cho chiến tranh. Chiến tranh là phi nhân, là không thể nào biện bạch.
Cuộc Chiến tranh Vệ quốc của người Nga đã lùi xa vào quá khứ. Những trẻ thơ lớn trải qua cuộc chiến ấy giờ đã lớn lên, cao tuổi. Ký ức về chiến tranh trong họ phai dần, vì thế những giọng trẻ thơ trong cuốn sách này là “nhân chứng cuối cùng” của cuộc chiến. Sau họ, không còn ai trải qua cuộc chiến nữa.