Những niềm vui nho nhỏ ở xứ Huế

(PLVN) -“Ôi mừng quá, bất ngờ quá!” – chị Hà Thị Ngờ, 27 tuổi xúc động khi nhìn bốn đứa con reo mừng nhận gạo và mì từ tay cán bộ dự án.
Chị Hà Thị Ngờ và các con vui mừng nhận quà cứu trợ. Nguồn ảnh: Plan
Chị Hà Thị Ngờ và các con vui mừng nhận quà cứu trợ. Nguồn ảnh: Plan

Nhiều gói cứu trợ được trao đến các hộ gia đình

Trước đây, chị Ngờ thường cùng chồng đi làm thuê, làm mướn, kể cả đi lượm ve chai ngoài đường để kiếm tiền sinh sống. Mỗi ngày thu nhập của hai vợ chồng khoảng 100-120 nghìn đồng/ ngày, không đủ nuôi 4 đứa con. Nhờ vào nguồn vốn 10 triệu đồng được hỗ trợ bởi dự án của Plan, chị Ngờ tự làm nem chả để bán. Nhờ đó thu nhập của chị và tiền chạy xe thồ của chồng tăng lên được 200-220 nghìn đồng/ngày. 

Nguồn thu nhập ổn định này đã giúp chị chi trả cho cuộc sống thường ngày, các con chị cũng có cơ hội đến trường như bọn trẻ hàng xóm. Thế nhưng, mọi thứ đảo lộn khi giãn cách xã hội được thực thi nhằm khống chế sự lây lan của Covid-19. Việc bán hàng của chị ở chợ và chạy xe thồ của chồng đều phải dừng lại. 

Không thu nhập, chị buộc phải sử dụng nguồn vốn vay của dự án để mua lương thực cho gia đình: “Không đi làm thì biết lấy gì mà trả tiền vay? Còn mấy đứa trẻ nữa, tương lai của chúng thế nào?”. Đã nhiều đêm chị Ngờ trằn trọc trước viễn cảnh 4 đứa con phải bỏ học để ra đường lượm ve chai kiếm sống như bố mẹ chúng trước đây.

Ảnh hưởng của đại dịch khiến trẻ em buộc phải dừng việc học tập để mưu sinh là nỗi lo lắng của rất nhiều bậc cha mẹ nghèo (ảnh minh họa - Nguồn ảnh: Plan International Việt Nam)
 Ảnh hưởng của đại dịch khiến trẻ em buộc phải dừng việc học tập để mưu sinh là nỗi lo lắng của rất nhiều bậc cha mẹ nghèo (ảnh minh họa - Nguồn ảnh: Plan International Việt Nam)

Những món quà hỗ trợ từ Tổ chức Plan và các đối tác dự án tuy không nhiều, nhưng thực sự ý nghĩa với chị Ngờ và gia đình trong khoảng thời gian này. Gánh nặng cơm áo cho các con phần nào đã nhẹ bớt, chị Ngờ còn mừng hơn nữa khi biết rằng chị sẽ không phải lo lắng về lãi suất cho khoản tiền vay trong ít nhất 3 tháng tới.

Chị Ngờ là một trong số những người được hỗ trợ vay vốn thuộc khuôn khổ dự án “Vì một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Thừa Thiên Huế” do Plan International Việt Nam cùng đối tác Cycad và Codes triển khai thực hiện. 

Trong đại dịch Covid -19, những người như chị Ngờ và gia đình, cùng các nhóm người yếu thế trong xã hội khác như người lao động có thu nhập thấp, hộ gia đình nghèo và cận nghèo phải chịu nhiều ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Cuộc sống thường ngày vốn bấp bênh, nay lại càng bấp bênh hơn khi nhiều người mất việc làm, không có bảo hiểm y tế cũng như nguồn thu nhập thay thế.

Nhằm hỗ trợ cho nhóm người yếu thế trong xã hội ứng phó với đại dịch, đầu tháng 4/2020, Tổ chức Plan International Việt Nam cùng với đối tác dự án là tổ chức Cycad và Codes đã ủng hộ hơn 66 triệu đồng  để cứu trợ cho 431 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn thuộc 8 phường dự án tỉnh Thừa Thiên Huế. Những gói cứu trợ bao gồm lương thực, thực phẩm khô (gạo, mì ăn liền) đã được trao tận tay cho các hộ gia đình.

 “Ôi mừng quá, bất ngờ quá!” – chị Hà Thị Ngờ, 27 tuổi xúc động nói lắp bắp khi nhìn bốn đứa con reo mừng nhận gạo và mì từ tay của hai cán bộ tổ chức Plan và Cycad. Chị cũng không nén nổi thở phào nhẹ nhõm khi những lo lắng mấy ngày nay của chị đã nhẹ bớt phần nào. 

16 tỷ đồng để bảo vệ trẻ em dân tộc thiểu số trong đại dịch 

Không chỉ tạo ra những niềm vui nho nhỏ cho các hộ gia đình ở Thừa Thiên – Huế, Tổ chức Plan International hôm nay (15/4) đã cam kết hỗ trợ 16 tỷ đồng để bảo vệ trẻ em dân tộc thiểu số trong đại dịch Covid 19. Các em đều thuộc nhóm các dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa với nhiều rào cản về ngôn ngữ, các phương tiện truyền thông số để có thể tiếp cận được các thông tin về Covid-19. Cuộc sống thường nhật vốn đã nhiều trở ngại nay càng trở nên thách thức hơn trước dịch bệnh.

Tổ chức Plan International Việt Nam chính thức khởi động dự án “Bảo vệ trẻ em dân tộc thiểu số trước dịch bệnh Covid-19 - Nguồn ảnh: Plan International Việt Nam
 Tổ chức Plan International Việt Nam chính thức khởi động dự án “Bảo vệ trẻ em dân tộc thiểu số trước dịch bệnh Covid-19 - Nguồn ảnh: Plan International Việt Nam

Để hỗ trợ các cấp chính quyền địa phương, các cấp đối tác và cộng đồng trong nỗ lực phòng chống dịch COVID-19, Tổ chức Plan International Việt Nam chính thức khởi động dự án “Bảo vệ trẻ em dân tộc thiểu số trước dịch bệnh Covid-19” đến hết ngày 30/9/2020 tại tất cả các cộng đồng do Plan bảo trợ (tại Việt Nam, Plan International hiện đang hỗ trợ trực tiếp cho 32.000 trẻ bảo trợ tại 66 xã thuộc 13 huyện 5 tỉnh thành trên cả nước, gồm Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum).

Với tổng ngân sách là 625,000 Euros (khoảng 16 tỷ đồng), dự án sẽ hỗ trợ trực tiếp cho 32.000 trẻ bảo trợ và 250,000 người dân trong cộng đồng. Bằng việc hợp tác với các đối tác từ trung ương đến địa phương và các tình nguyện viên, dự án hỗ trợ các trạm y tế, các trường học cả về trang thiết bị cơ sở vật chất lẫn tăng cường năng lực cho các cán bộ chuyên môn tại các mảng liên quan và đặc biệt là công tác truyền thông sâu rộng, đảm bảo trẻ em dân tộc thiểu số và gia đình được tiếp cận với các nguồn thông tin tin cậy và bổ ích.

Đại dịch đã khiến 743 triệu trẻ em gái tại 188 quốc gia phải nghỉ học

Covid-19 đã và đang mang lại ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống của trẻ em và đặc biệt là trẻ em gái. Đại dịch đã khiến 743 triệu trẻ em gái tại 188 quốc gia phải nghỉ học. Cùng với đó là các nguy cơ về sức khỏe tinh thần, tai nạn thương tích, bạo lực gia đình, xâm hại thân thể, tình dục và bị quấy rối trên mạng cũng gia tăng theo. Trước tình hình này, Giám đốc điều hành Tổ chức Plan International toàn cầu, Anne-Birgitte Albrectsen, cùng 20 lãnh đạo của các tổ chức từ thiện phát triển khác đã cam kết “Chúng ta phải hành động, ngay bây giờ! Hãy đoàn kết nỗ lực để trẻ em và đặc biệt là trẻ em gái được an toàn cả về thể chất lẫn tinh thần trong đại dịch Covid-19”.

Đọc thêm