Những người phụ nữ “không gục ngã”
“Không gục ngã” là tựa cuốn tự truyện của nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan. Chị Nguyễn Bích Lan vốn nổi tiếng trong giới dịch thuật, văn chương, không chỉ bởi năng lực viết lách mạnh mẽ mà quan trọng hơn, là bởi tinh thần vượt qua tật nguyền để vươn lên.
Sinh năm 1976, Nguyễn Bích Lan khi ra đời vốn là một cô bé xinh tươi, khỏe mạnh như bất cứ cô gái nào. Nhưng từ năm 13 tuổi, bạo bệnh ập đến đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời. Căn bệnh rối loạn dưỡng cơ khiến cô bé phải bỏ dở việc học ở năm học lớp 8. Không chỉ thế, căn bệnh quái ác còn gây đau đớn vô cùng, nó biến chứng sang tim, khiến Bích Lan nằm liệt giường chiếu, cơ thể gầy ốm đến mong manh như không còn sức sống. Căn cứ tình hình sức khỏe, bác sĩ đoán Bích Lan không thể sống quá 18 tuổi.
Tưởng chừng cuộc đời đã sập cửa trước mắt cô gái nhỏ. Nhưng những ngày tháng nằm liệt trên giường bệnh, chị vẫn quyết tâm không để trí não mình “nằm yên cùng cơ thể”. Bích Lan mày mò tự học tiếng Anh, học các kiến thức khác qua sách vở. Rồi chị được trang bị vi tính để tiếp cận với thế giới bên ngoài, cả một kho kiến thức vô tận mở ra trước mắt chị. Vừa học, chị cũng vừa làm “cô giáo” ở lớp học tại nhà, truyền dạy các kiến thức đã học cho bọn trẻ.
Rồi chị tham gia dịch thuật và viết lách. Trong nghề, chị được đánh giá là “chắc tay”, ngôn ngữ phong phú, văn phong sâu sắc. Đến nay, Nguyễn Bích Lan là dịch giả của gần 30 đầu sách tiếng Anh. Trong đó có nhiều quyển sách gây tiếng vang, có giá trị nhân văn như Triệu phú khu ổ chuột của tác giả Vikas Swarup, Cuộc sống không giới hạn của Nick Vujicic – chàng trai không tay không chân đã từng đến Việt Nam hai lần, Phật ở tầng áp mái của Julia Otsuka, Cọ hoang của William Faulkner, Một đêm duy nhất của Targore, "Lời nguyện cầu từ Chernobyl" của Svetlana Alexievich (tác giả người Belarus đoạt giải Nobel Văn học năm 2015)…
Năm 2013, Bích Lan phát hành cuốn tự truyện “Không gục ngã” kể về kỳ tích tự học của cô gái mang trên mình hàng chục căn bệnh nan y, ở vào thời cách đây 30 năm về trước, khi phương tiện học tập vô cùng thiếu thốn, khác hẳn thời nay. Quyển sách gây xúc động mạnh mẽ trong cộng đồng, trở thành “kim chỉ nam” cho những người có số phận không may hay đang gặp những vấp ngã trên đường đời. Rất nhiều độc giả, nhất là độc giả trẻ tuổi đã liên lạc với Bích Lan để bày tỏ niềm cảm mến, cũng như gửi lời cảm ơn chị và cuốn tự truyện đã động viên tinh thần họ.
Nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan là 1 trong 8 phụ nữ được vinh danh trong phần trưng bày về phụ nữ đương đại tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Giờ đây, người phụ nữ khuyết tật ấy vẫn đang đi tiếp con đường văn chương của mình, vẫn cho ra đời những tác phẩm dịch thuật chất lượng. Chị cũng thường xuyên xuất hiện trong các buổi ra mắt tác phẩm, giao lưu, truyền cảm hứng. Tài năng và sức sống của chị là điều cả độc giả lẫn bạn cùng nghề phải nghiêng mình ngưỡng mộ.
Dịch giả Nguyễn Bích Lan trong một buổi ra mắt sách. |
Câu chuyện về “thiên thần sáu chân”
Trong giới viết văn trẻ hiện nay, Nguyễn Trà My không còn là cái tên xa lạ. Ngoài danh xưng nhà văn Nguyễn Trà My, chị còn được gọi bằng cái tên đặc biệt là “thiên thần sáu chân”.
Cái tên ấy là một cách “tả thực” về Trà My, cô gái không thể tự đi đứng bằng hai chân, phải nhờ đến dụng cụ hỗ trợ, là chiếc ghế tập đi có 4 chân. Loại dụng cụ hỗ trợ này đã gắn với Trà My từ thuở ấu thơ. Sau một sơ suất trong phẫu thuật, cô bé Trà My 3 tháng tuổi tưởng đã chết, vào nằm nhà xác nhưng “sống lại”, trở về một cách không trọn vẹn. Cô bé không nói được, không đi lại được, người teo tóp quặt quẹo. Tuổi thơ của Trà My là những ngày tháng náu mình trong 4 bức tường nhà. Nhưng, bốn bức tường ấy không làm mất đi tinh thần của cô gái nhỏ. Cùng với sự kiên trì và yêu thương của gia đình, Trà My nỗ lực tập vật lý trị liệu, tập giao tiếp. Thông qua giấy bút, sách báo, và sau đó là máy tính, internet, Trà My đã bắt đầu học hỏi về mọi thứ chung quanh. Đó là những ngày tháng cực kì vất vả với những bước đi đau đớn đầu tiên, học cách viết bằng 1 ngón tay quắp lấy viết ghi lên tờ giấy, học cách “mổ cò” bằng 1 ngón lên bàn phím. 16 tuổi, cô bé bắt đầu bước vào nghiệp viết sau một thời gian dài nỗ lực tự học.
Trưởng thành, cô gái nhỏ khuyết tật đã có một quyết định khiến nhiều người ngỡ ngàng: Tự thân vào Sài Gòn lập nghiệp. Từ một người không thể đi đứng, Trà My đã đứng vững trên đôi chân của mình. Chưa một ngày đến trường, thế mà ngoài viết sách, cô còn viết bài PR, làm truyền thông, viết kịch bản… Cô gái trẻ ấy có một nội lực mạnh mẽ không ngờ đằng sau vẻ ngoài bé nhỏ, cao xấp xỉ 1m.
Là một nhà văn trẻ có tiếng, sự nghiệp văn chương của Trà My được đánh dấu bằng nhiều tác phẩm Yêu trên từng ngón tay; Chúng ta chính là mùa xuân; Giấc mơ đôi chân thiên thần… Nổi tiếng và có sức ảnh hưởng nhất trong số đó là tác phẩm Tin vào điều tử tế. Sau thành công của quyển sách, Trà My thực hiện một chiến dịch xã hội cũng mang tên Tin vào điều tử tế. Cô đến các trại giam, tặng sách, chuyện trò, truyền cảm hứng sống cho tù nhân. Trà My cũng đi rất nhiều, tham gia các hoạt động tình nguyện, giao lưu ở tỉnh nghèo, vùng biên giới… Cô còn luôn rèn luyện sức khỏe, tập yoga để nâng cao chất lượng cuộc sống. Trà My đã sống một cuộc đời rất nhiều năng lượng, rất rực rỡ.
“Nhiều người hỏi mình đi nhiều làm nhiều có mệt không. Minh đùa, mệt vì cười quá nhiều thôi chứ chả ngại gian khổ. Mình nghĩ, làm gì cũng phải có chiến lược và tầm nhìn rộng lớn để phát triển bản thân. Chứ không phải đi chỉ để đi. Mọi người bắt đầu nhận xét dạo này mình thay đổi theo chiều hướng khác. Bởi đơn giản mình tin mình phải vươn ra thế giới vào một ngày không xa. Hãy cứ dám mơ lớn để thấy đời thú vị và thấy bản thân mình có giá trị cho cộng đồng”, Trà My chia sẻ như thế.
Tài năng và nỗ lực của những cây xương rồng trên cát
Cạnh Bích Lan, Trà My, văn đàn Việt Nam còn chứng kiến không ít nữ văn sĩ khuyết tật đầy nghị lực. Đó là nhà văn Nguyễn Phương Thúy, 33 tuổi (TP Việt Trì - Phú Thọ), bút danh Viên Nguyệt Ái. Sưng đau khớp từ nhỏ, biến chứng liệt 90% toàn bộ cơ thể, nhưng Phương Thúy không đầu hàng số phận. Cô miệt mài luyệt bút, viết chữ. Rồi đọc sách, viết sách. Từ các tác phẩm buổi đầu đăng trên báo địa phương cho đến báo Trung ương, rồi đến các giải thưởng văn chương lớn nhỏ. Và quyển sách Cho em một lần được xuất bản, được bạn đọc đón nhận. Hiện, Phương Thúy vẫn miệt mài trên hành trình văn chương của chị.
Còn có nữ nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa, cô gái bại liệt quê Ninh Thuận. Cô đã ra mắt nhiều tác phẩm sách như Tay chị tay em, Nho đắng, Cơn lũ vẫn chưa qua. Cô còn đoạt nhiều giải thưởng văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đáng nể hơn, tất cả những tác phẩm văn chương ra đời từ việc cô nằm một chỗ, đánh máy bằng nửa bàn tay trái!
Người thường, để thành nhà văn đã là nỗ lực rất lớn, phải trau dồi sức viết, mở rộng tâm hồn. Phải có cả tài năng và nỗ lực. Với những người phụ nữ khuyết tật, không thể đi lại, đến trường, giao tiếp, vốn sống bị thu hẹp thì khó khăn còn nhân lên bội phần. Thế mà, đáng nể phục thay, họ đã làm được. Đã sống rất tốt cuộc đời mình và truyền cảm hứng cho bao cuộc đời khác.
Những người phụ nữ ấy đã chứng minh rằng, không bức tường nào ngăn cản được ước mơ, không khuyết tật cơ thể nào có thể ngăn trở con người giành được hạnh phúc mình đáng có. Rằng, sức chịu đựng và khả năng vươn lên của con người là vô hạn, như xương rồng giữa hoang mạc vẫn có thể mọc lên tươi tốt hiên ngang.
Những người phụ nữ khuyết tật ấy đã khiến cho cuộc đời này đẹp hơn, ý nghĩa và đáng sống hơn biết bao!