Những tấm pano tiếp tục làm nhiệm vụ tuyên truyền trên đường phố

(PLO) -“Ở Việt Nam, khẩu hiệu tuyên truyền tiếp tục tồn tại” là tiêu đề bài viết cùng những ý kiến khác nhau liên quan đến áp phích (pano) tuyên truyền của nước ta hiện nay. Bài viết được đăng tải trên tờ Channel News Asia.
Những áp phích tuyên truyền ở Việt Nam.

Ngôn từ mạnh mẽ

Nhiều tuần liền trong suốt tháng 1 vừa qua, một tấm hình màu đỏ tươi đầy vẻ oai nghiêm của Chủ tịch Hồ Chí MInh được đặt ở khắp các con phố xung quanh Trung tâm hội nghị quốc gia ở phía Tây thủ đô Hà Nội. 

Lọt giữa những con đường chật kín những chiếc xe máy, những tấm áp phích và những bông hoa trang trí được đặt cùng nhiều khẩu hiệu kêu gọi những người trẻ tuổi “học tập và làm theo tấm gương đạo đức” của nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam - Hồ Chí Minh.

Đầy màu sắc, ngôn từ mạnh mẽ và luôn lạc quan, những tấm áp phích tuyên truyền trong nhiều thập kỷ qua luôn được xếp dọc những con phố ở Hà Nội trước, trong và sau mỗi sự kiện lớn của đất nước như lễ kỷ niệm ngày Việt Nam giành được độc lập, ngày thống nhất đất nước tới các cuộc bầu cử Quốc Hội hay Đại hội Đảng.

Ngày nay, người ta không còn tuyên truyền về những nội dung liên quan đến chiến tranh và kháng chiến, những khẩu hiệu trên những áp phích đó ca ngợi những lý tưởng mới của đất nước, bao gồm sự phát triển, hiện đại hóa và thịnh vượng. 

Tuy nhiên, đối lập với những tòa nhà chọc trời đang ngày càng mọc lên nhiều hơn ở đất nước có nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ này thì những khẩu hiệu dường như lại tạo cảm giác và cái nhìn về những di sản của một thời đã qua. 

“Cảm thấy tự hào”

Một người môi giới bất động sản tên Quân hào hứng bày tỏ: “Những áp phích tuyên truyền đó khiến tôi cảm thấy tự hào về đất nước của mình cũng như những truyền thống của Đảng”.

Ông Dương Trung Quốc, một nhà sử học và là một đại biểu Quốc hội của Việt Nam – cho biết, những suy nghĩ như anh Quân từng rất phổ biến trong thời kỳ Việt Nam bị chiến tranh tàn phá, khi người dân nhìn vào những tấm áp phích tuyên truyền để hình dung ra được phương hướng mà họ đang vươn tới. 

Tuy nhiên, ông Quốc cũng cho rằng, những tấm áp phích hiện nay rất “nhàm chán và được sử dụng kiểu lặp đi lặp lại” vì thiếu đầu tư vào suy nghĩ logic. Theo ông Quốc, những tấm áp phích thể hiện những định hướng của Đảng và những chỉ đạo của Chính phủ thường là về những ý tưởng, vấn đề hay những sự kiện tuy nhiên phần lớn đều nằm ngoài phạm vi tham gia của đa số những người dân đang lưu thông trên đường phố. 

“Lấy ví dụ đại hội Đảng, tất cả mọi người đều biết đây là một sự kiện quan trọng, ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước nhưng người dân không tham gia vào các sự kiện đó mà chỉ các đảng viên mới tham dự” – ông Quốc lý giải. Trong thời gian diễn ra sự kiện này, người dân cũng được chứng kiến những tấm áp phích tuyên truyền lớn nhất của Hà Nội trong những năm gần đây.

Bà Thu Hồng, người chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện những áp phích liên quan đến các sự kiện của Đảng trong 15 năm trở lại đây, thừa nhận rằng những nghệ sỹ đã phải vật lộn với những chủ đề lặp đi lặp lại. Song, bà bác bỏ những nghi vấn về mức độ phù hợp của những áp phích này trong thời đại YouTube, Facebook và Internet. 

“Những tấm áp phích tuyên tuyền mang một giá trị tinh thần to lớn cho toàn xã hội và cộng đồng. Chúng không được trưng bày trong những triển lãm hay những nơi sang trọng mà được đặt trên những đường phố để tất cả mọi người đều có thể nhìn thấy và cảm nhận” – bà Hồng, phó giám đốc về mỹ thuật tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhận định.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn thường xuyên tổ chức những cuộc thi về thiết kế áp phích tuyên truyền trên phạm vi cả nước nhằm nỗ lực tạo ra những tấm áp phích mới mẻ hơn so với những khẩu hiệu trước đó, với mức thưởng cho người thắng giải tại các cuộc thi như vậy thường rơi vào khoảng từ 300 USD đến 1.500 USD. Đây là một mức thưởng đáng kể trong bối cảnh thu nhập tối thiểu của người dân Việt Nam là khoảng 150 USD.

Anh Định, 30 tuổi, người thường xuyên giành chiến thắng trong những cuộc thi thiết kế áp phích như vậy, cũng là một trong khoảng 200 người thiết kế đồ họa là tác giả của những khẩu hiệu tuyên truyền của Việt Nam hiện nay. Ban ngày, anh Định là một người quản lý tiếp thị.

Thời gian rảnh còn lại trong ngày anh sử dụng cho những sở thích mang tính nghệ sỹ của mình, trong đó việc thiết kế áp phích mà theo lời anh thì một phần là do sở thích và phần còn lại là mong muốn được phục vụ cộng đồng. 

“Tôi đã thực hiện nhiều áp phích về các vấn đề xã hội nóng bỏng như giao thông, môi trường và gần đây hơn, chúng tôi đang thực hiện những tấm áp phích về bảo hiểm” – anh Dinh cho hay.

Các nghệ sỹ được chọn lọc cũng được mời tới các trại sáng tác nghệ thuật, nơi quá trình sáng tạo của họ được thực hiện cùng với một buổi thông tin ngắn gọn về những chủ đề đã được lựa chọn của năm. Chỉ những tấm áp phích thắng giải mới được đưa ra đường phố nhưng trước đó, chúng phải vượt qua nhiều vòng lựa chọn, được xem xét cẩn thận trước khi quyết định.

Chi phí cơ hội

Theo ước tính của các công ty quảng cáo, việc thuê một  biển quảng cáo ở vị trí đắc địa ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh có thể khiến một công ty tốn đến khoảng 10.000 USD mỗi tháng. 

Ông Dominic Scriven, người sáng lập tập đoàn đầu tư Dragon Capital đồng thời là một người chuyên sưu tầm những áp phích tuyên truyền của Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh – cho biết, đến khoảng những năm 1990, những tấm áp phích tuyên truyền là những mẩu quảng cáo và là những tấm biển quảng cáo duy nhất xuất hiện trên các đường phố của Việt Nam. 

Nhưng đến năm 2016, những tấm áp phích như vậy đang phải cạnh tranh với những bảng hiệu quảng cáo mọc lên san sát của các công ty thương mại. “Những tấm áp phích hiện nay không đóng khung về tư tưởng như những tấm áp phích trước kia. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng không đẹp như những vật trang trí trên tường” – ông Scriven nhận xét. 

Ông Scriven hiện là chủ của một bộ sưu tập bao gồm hơn 1.000 tấm áp phích tuyên truyền bản gốc, được vẽ bằng tay của Việt Nam từ những năm 1960 và 1970.

Đọc thêm