Những trái tim lặng thầm giúp đời trong đại dịch

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) -  Hội Thầy thuốc Tình nguyện Huế (HTTH) được kích hoạt từ tháng 1/2022 đã góp thêm một điểm tựa cho bệnh nhân, người thân bệnh nhân F0 điều trị tại nhà cảm thấy không đơn độc trong chiến đấu với đại dịch COVID-19. 

Thành viên Hội Thầy thuốc tình nguyện Huế tư vấn cho các ca F0 bất kể ngày đêm.
Thành viên Hội Thầy thuốc tình nguyện Huế tư vấn cho các ca F0 bất kể ngày đêm.

Sau khi thành lập, Hội nhanh chóng có hơn 100 thành viên tự nguyện tham gia. Họ đồng hành tư vấn trực tuyến và sẻ chia nỗi lo cho hàng ngàn người bệnh, sự vất vả của y tế cơ sở trên 36 xã, phường tại TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đồng hành tìm lại “nhịp thở”

“Dịch bùng phát mạnh trên cả nước, đặc biệt ở tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi chứng kiến thấy anh em đồng nghiệp vất vả nên khi nghe kêu gọi thành lập Hội, tôi hưởng ứng ngay. Tôi cũng là bác sĩ, tuy chỉ là bác sĩ khoa Sản nhưng bằng kiến thức, kinh nghiệm, hiểu biết mình có thể tư vấn trực tuyến giúp được bao nhiêu bệnh nhân tốt chừng đó”, Bác sĩ chuyên khoa II Hồ Thị Phương Thảo, Khoa Sản, bệnh viện Quốc tế tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tháo bộ đồ bảo hộ sau ca trực, mổ bận rộn tại bệnh viện chia sẻ nhanh với chúng tôi.

Từ ý niệm “lòng tốt bình thường” khi thấy đồng bào hoạn nạn sẵn trong trái tim lương y bác sĩ Thảo đã dấn thân cùng hơn 100 thành viên của Hội Thầy thuốc Tình nguyện Huế dìu dắt phục hồi thể chất lẫn tinh thần cho hàng ngàn bệnh nhân F0.

Bác sĩ Phương Thảo không khỏi bồi hồi nhớ đến những người bệnh gặp khủng hoảng tinh thần khi trở thành F0 hay bất đắc dĩ trở thành người thân của bệnh nhân F0 mà bà đã gặp trong quá trình làm thành viên Hội Thầy thuốc Tình nguyện Huế. “Nhiều lần gặp các trường hợp đặc biệt khó khăn về kinh tế, thuốc men. Chúng tôi thường đưa vấn đề trao đổi với các thành viên khác trong hội để tháo gỡ cho bệnh nhân. Tôi tư vấn trung bình khoảng 10 ca bệnh/ ngày”.

Mấy chục năm làm việc trong ngành y, bác sĩ Thảo hiểu bệnh nhân ở tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng còn nhiều hoàn cảnh khó khăn. Có lần, bác sĩ tư vấn cho gia đình bốn người trong đó có hai vợ chồng và hai đứa con đều là F0. Vợ là F0 đã được đưa đi cách ly trước đó còn ba cha con cách ly tại nhà rất lúng túng. Bác sĩ Thảo sau khi tư vấn về mọi mặt từ thuốc men, tâm lý lúc hỏi về tình hình kinh tế gia đình mới hay biết chồng làm thợ nề, vợ bán hàng rong, con gái đi phụ làm tóc, khi mẹ dương tính với COVID chủ bắt nghỉ ở nhà nên không có thu nhập… Nắm bắt tâm tư của người bệnh, bà Thảo trao đổi với những người trong Hội tìm cách hỗ trợ cho họ thuốc men, máy đo nồng độ Ôxy trong máu (Sp02) … “Hiện giờ sức khỏe đã ổn định họ rất cảm động”, bà Thảo kể không giấu được niềm vui vừa trao đi yêu thương.

Chị R.T một người mẹ sau thời gian đầu bối rối khi có hai con là F0 được thành viên hội tiếp nhận thông tin, chia sẻ phương pháp chăm sóc sức khỏe tại nhà giờ đây chị dần ổn định tâm lý. Chị R.T rưng rưng: “Nhà tôi ở phường Đông Ba. Hai con tôi bị nhiễm COVID-19. May mắn bác sĩ Bi (thành viên Hội thầy thuốc tình nguyện Huế) là người trực tiếp hướng dẫn điều trị F0 tại nhà cho hai bé của tôi rất tận tình, chi tiết, cụ thể vì vậy tôi yên tâm. Cảm ơn đội ngũ y bác sĩ phường Đông Ba, ông Lê Huy Cường y tế phường Đông Ba và Bác sĩ Bi. Chúc đội ngũ y bác sĩ bình an giúp dân”.

Giúp được số lượng lớn bệnh nhân hiệu quả

Sau 8 ngày kêu gọi tham gia Hội, ngày 3/1/2022, Trung tâm Phát triển Năng lực Cộng đồng, thuộc Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định thành lập và tổ chức thực hiện dự án “Hội Thầy thuốc Tình nguyện Huế”. Từ 20 thành viên bác sĩ nghỉ hưu ban đầu, đến nay hội đã thu hút được hơn 100 thành viên.

Chưa đầy 20 ngày thành lập, thành viên Hội không chỉ tăng về số lượng mà còn tăng về sức trẻ. Hội không chỉ có bác sĩ nghỉ hưu tham gia điều trị, tư vấn tâm lý mà còn có sinh viên y khoa, các bạn trẻ yêu thích công tác xã hội tham gia công việc liên lạc, cập nhật thông tin, theo dõi bệnh nhân. Tùy theo số lượng bệnh nhân được Hội cập nhật thường xuyên để phân bố nhân lực phù hợp. Trung bình Hội cử 5 - 6 bác sĩ chuyên môn cao sẽ hỗ trợ cho một phường. Căn cứ phường, xã đó chưa có bác sĩ hay đang có nhiều bệnh nhân có thể phân bố nhiều hơn hoặc ít đi.

Em Lê Thị Thùy Linh trao tặng máy đo Sp02 và lương thực thực phẩm cho trạm y tế phường Đông Ba và phường Hương An.

Em Lê Thị Thùy Linh trao tặng máy đo Sp02 và lương thực thực phẩm cho trạm y tế phường Đông Ba và phường Hương An.

“Lúc trước em tham gia vào đội phản ứng nhanh, khi biết Hội cần người tư vấn, điều phối thông tin tặng quà lưu động cho bệnh nhân F0 em qua đây làm tình nguyện. Ngày cao điểm, 2-3 giờ sáng người già, trẻ em vẫn gọi, điện thoại em không ngơi máy. Giờ em tranh thủ đi tiếp ứng thực phẩm cho người bệnh và máy Sp02 cho trạm y tế phường”, hội viên Lê Thị Thùy Linh (SN 1996), vừa chạy xe giữa trời mưa lâm thâm tháng chạp giá lạnh xứ Huế đến với người bệnh ở phường Hương An vừa nói. Nhiệt tình toát lên từng đoạn đường em qua và câu chuyện em kể. Khi được hỏi em không sợ hay sao lại chọn đi làm tình nguyện viên như vậy trong khi ca bệnh ngày càng tăng. Em cười hồn nhiên: “Ai cũng sợ mà ai làm chị ơi”.

Một lãnh đạo Trung tâm Phát triển Năng lực Cộng đồng (Cycad), trực tiếp phụ trách dự án cho biết: Hội đã tiến hành thu thập thông tin hàng ngày, trong quá trình tư vấn, ghi nhận được có đến 62/615 người (chiếm tỉ lệ hơn 10 %) F0 gặp các vấn đề tâm lý khi mắc COVID-19. Các chứng âu lo do nhiều người thân trong một gia đình hay người có con nhỏ mắc COVID-19 chủ yếu xung quanh việc chăm sóc người bệnh, thuốc men cũng như dinh dưỡng, vệ sinh trong quá trình điều trị. Thấu hiểu được nỗi lòng đó của các bệnh nhân nên thành viên Hội Thầy thuốc Tình nguyện Huế đã lắng nghe, kịp thời chia sẻ.

Hầu hết bệnh nhân là người trẻ, không có bệnh nền, đa phần đã được phủ vắc xin nên tình trạng bệnh chuyển nặng rất ít. Ngoài tư vấn chuyên môn điều trị, hội còn tư vấn việc ăn uống, sinh hoạt, thuốc men, tập luyện nhất là tập thở. Từ đấy, tạo niềm tin cho bệnh nhân để người bệnh vững vàng, không cảm thấy đơn độc tuy điều trị tại nhà nhưng luôn cảm giác có bác sĩ bên cạnh, cân bằng tâm lý đặc biệt quan trọng trong điều trị COVID-19.

Thành viên Hội thầy thuốc tình nguyện Huế trao máy Sp02 cho phường Thủy Biều.

Thành viên Hội thầy thuốc tình nguyện Huế trao máy Sp02 cho phường Thủy Biều.

Bên cạnh đó, Hội còn kêu gọi hỗ trợ gạo, tiền, thuốc men cho bệnh nhân khó khăn. Hiện Hội đã quyên góp được 153 máy đo Sp02 – chìa khóa vàng trong phát hiện ca nặng, điều trị COVID-19. Số máy này dùng để hỗ trợ cho 36 phường xã (trung bình có thêm 4 -5 máy đo Sp02/phường, trong khi hiện tại phường chỉ có 1 máy đo Sp02. Máy Sp02 sẽ được trang bị thêm cho bệnh nhân không đủ tiền mua máy, bàn giao để Tổ y tế lưu động của các trạm y tế phường cho người bệnh mượn trong trường hợp thiếu máy khẩn cấp, theo dõi cẩn thận trong quá trình điều trị. Từ đó, giảm đáng kể số ca trở nặng.

“Chúng tôi có nhóm zalo liên kết với y tế phường và theo dõi tư vấn hàng ngày cho bệnh nhân. Khi có bệnh nhân trở nặng chính các bác sĩ trong Hội sẽ báo cho Tổ y tế lưu động tại phường tới khám, kịp thời đưa đến bệnh viện”, một vị quản lý dự án Hội Thầy thuốc Tình nguyện Huế cho hay. Nếu người bệnh cần thở oxy, thì liên lạc với nhóm Oxy của thanh phố tiếp ứng Oxy cho bệnh nhân ngay.

Nhịp sống ở Huế tuy có ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng dường như chưa bao giờ ngưng trệ, kể từ khi đợt đại dịch COVID-19 trở lại lần thứ tư. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân có nhiều cơ hội để phục hồi những ngày giáp Tết. Ngoài công viên, ngay cả anh bán kẹo chỉ cũng cố gắng bán khuya hơn khi có khách. Nhiều F0 đã khỏi bệnh. Hội Thầy thuốc Tình nguyện Huế là mô hình tốt, hoạt động hiệu quả, tiếp sức cho đội ngũ y bác sĩ cơ sở tại trạm y tế. Đó là một lực lượng thầm lặng, góp phần làm nên sự “bình thường mới”.

Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế, cho biết: “Trung tâm Phát triển Năng lực Cộng đồng thực hiện dự án phi lợi nhuận “Hội Thầy thuốc Tình nguyện Huế” để hỗ trợ cho việc điều trị F0 tại nhà. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Hội đã tiến hành tư vấn, hỗ trợ cho gần 3.500 F0, người nhà F0. Trong bối cảnh phòng chống dịch theo phương châm thích ứng, linh hoạt, hiệu quả, công việc này hết sức có ý nghĩa với cộng đồng, xã hội”. Về phía người dân, các cuộc gọi đề nghị được tư vấn từ các F0, gia đình, người thân F0 cho các bác sĩ tư vấn ngày càng nhiều hơn, đã thể hiện niềm tin vào sự tư vấn của đội ngũ y bác sĩ tình nguyện này.

“Khi bệnh nhân kết thúc điều trị, sức khỏe ổn định tốt cũng là khi được “giải phóng” khỏi việc cách ly xã hội họ rất mừng. Mừng còn hơn khi người ta bắt được của”, nhìn bác sĩ Phương Thảo nói, chúng tôi lại như thấy chị “cứu được một người bằng xây bảy tòa tháp” nên nụ cười cũng thánh thiện, vui vẻ, mừng rỡ hơn. Trong đại dịch, mỗi người một sứ mệnh, còn các thành viên của Hội mỗi người chọn cho mình sứ mệnh làm cánh tay nối dài cho cơ sở y tế, nâng đỡ tinh thần, thể chất đồng bào mình… góp một chút thời gian quý báu để không ngừng giành lại “nhịp thở” cho nhiều người hơn.

Đọc thêm