Những trang trại giữa lòng thành phố

Giữa lòng thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam có những mô hình trang trại rộng hàng trăm ha, mỗi năm đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Chủ nhân của các trang trại này là những anh nông dân "thứ thiệt".

Giữa lòng thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam có những mô hình trang trại rộng hàng trăm ha, mỗi năm đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Chủ nhân của các trang trại này là những anh nông dân "thứ thiệt" và thành quả mà họ có được là nhờ vào đồng vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH).

Cái khó “ló” cái khôn

Vốn nghề thợ xây, sau khi rời quân ngũ trở về anh Nguyễn Bá  Danh (Khu phố 2, phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) nhận thầu xây dựng các công trình trên địa bàn. Để có vốn đầu tư, anh đã vay mượn những người thân trong gia đình gần 300 triệu đồng . Những tưởng với công việc làm ăn thuận lợi, anh sẽ trả hết khoản vay, thế nhưng anh lại lâm vào cảnh trắng tay vì bị các chủ thầu chính “quỵt nợ”.

Buồn chán, thất vọng, nhưng rồi anh cũng đã lấy lại niềm tin và quyết làm lại từ đầu bằng cách tận dụng mặt nước có sẵn của vườn nhà để đào ao thả cá. Thông qua Hội Cựu chiến binh, năm 2009 anh đã làm đơn xin vay vốn tại NHCSXH tỉnh Quảng Nam  30 triệu đồng. “Thấy địa bàn TP.Tam Kỳ và các huyện vùng ven có nhu cầu tiêu thụ cá trắm và cá trê, tui đã đào hai hồ cá gần 1.000m2 và mua hơn 8.000 con về thả. Vụ đầu tiên thu hoạch trừ chi phí, tui lãi hơn 70 triệu đồng. Anh thấy đó, để tạo bóng mát cho hồ, tui đã nghĩ ra cách trồng cây hoa lý hai bên bờ, khi hoa nở  mình hái bán cho các nhà hàng. Thu nhập từ hoa lý mỗi tháng tui cũng kiếm được gần 1 triệu đồng”- anh Danh niềm nở khoe.

Vụ nuôi đầu đem lại hiệu quả, anh Danh tiếp tục đầu  tư thêm 4 hồ nuôi lươn đồng, một hồ nuôi cá chép la rộng 2.000m2. Dự định của anh các năm tiếp theo sẽ đầu tư nuôi nhông và các loại cá nước ngọt khác.

Rời nhà anh Danh, chúng tôi đến một mô hình chăn nuôi heo được xem là hiệu quả nhất TP.Tam Kỳ. Đó là mô hình của anh Dương Văn Phú (khu phố 2, phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ). Anh Phú vay NHCSXH tỉnh 30 triệu đồng để nuôi heo thịt, heo rừng và gà H’mông. Hiện tại, trong chuồng của anh có 100 con heo siêu thịt, 15 con heo nái, 7 con heo rừng và 500 con gà H’mông. Riêng gà, mỗi tháng anh xuất giống bán cho các tỉnh trên 500 con.

Anh Phú cho biết: Để nuôi và nhân giống thành công heo và gà, anh đã tự mày mò học hỏi kinh nghiệm. Từ việc tiêm phòng, phối giống cho đến ấp nở gà anh đều tự mình chăm sóc, nên giảm được rất nhiều chi phí. Tổng thu nhập của hai mô hình  mỗi năm anh lãi ròng trên 100 triệu đồng.

Từ tay trắng đến tầm nhìn tỷ phú

Một trong  những trang trại bạc tỷ mà tôi tâm đắc nhất đó là mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt của anh Nguyễn Tấn Hùng (thôn Phú Ninh, xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ). Anh Hùng cho biết: “Khi cầm 20 triệu đồng tiền vốn vay ưu đãi của NHCSXH, tui lo lắm vì không biết mình nên đầu tư vào việc gì cho hiệu quả. Nhưng được sự tư vấn của cán bộ tín dụng, tui đã mạnh dạn chọn mô hình chăn nuôi và trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Bước đầu, tui đã mua 10 con heo rừng vì loại heo này dễ nuôi, nhanh thu hồi vốn và 10 con dê cái. Chỉ sau hai năm đàn heo rừng của tui đã phát triển thành 74 con, đàn dê 37 con. Tui xuất bán lứa đầu 40 con lãi gần 100 triệu”.

Anh Nguyễn Tấn Hùng bên đàn lợn rừng trong khu trang trại

Nhìn đàn cá quẩy nước tranh nhau ăn mồi dày đặc, anh Hùng nói thêm: “Vì diện tích hồ lớn nên tui chọn nhiều loại cá để nuôi như cá trắm, cá trê, cá chép…ước tính đàn cá dưới hồ trên 30 vạn con”. Ngoài những vật nuôi đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, anh Hùng có thêm 100ha rừng trồng sắp đến kì thu hoạch.

Tính giá trị cây hiện nay anh đã có trong tay hơn 5 tỷ. Tài sản được xem là quý giá nhất khu trang trại của anh hiện nay là có trên 3.000 cây sưa đỏ, đã trồng được 3 năm. “Tui nhẩm tính, chừng 20 năm sau khi những cây sưa đỏ này khai thác tui sẽ có trong tay cả trăm tỷ đồng” – anh Hùng không dấu được niềm vui. Không chỉ đem lại thu nhập cho mình, anh Hùng còn tạo công ăn việc làm cho 15 lao động tại địa phương, thu nhập 2,5 triệu đồng trên tháng.

Tạo điều kiện tối đa cho các hộ vay vốn

Trong 9 tháng đầu năm 2010, tổng dư nợ tại NHCSXH tỉnh Quảng Nam đạt 1.961.733 triệu đồng, tăng so với đầu năm là 392.973 triệu đồng, tốc độ tăng 25%, đạt 92% kế hoạch dư nợ cả năm. Riêng số dư nợ đối với chương trình cho vay hộ nghèo 878.197 triệu đồng, tăng 137.824 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay ngân hàng đã cho vay với 16.386 hộ. Chương trình cho vay giải quyết việc làm giải ngân được 73.631 triệu đồng, gồm 3.303 dự án, với 3.727 khách hàng dư nợ…

Đánh giá kết quả công tác 9 tháng đầu năm 2010, Ông Nguyễn Quang Dinh, Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Nam cho biết: “Ngân hàng luôn bám sát nhiệm vụ, kế hoạch được giao, thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị trực thuộc, tập trung chỉ đạo quyết liệt với những giải pháp  hữu hiệu, tăng cường kiểm tra tại các cơ sở để phát hiện kịp thời những khó khăn vướng mắc để tháo gỡ.

Tỷ lệ nợ quá hạn  <1%. Các chương trình tín dụng  hộ nghèo, giải quyết việc làm, học sinh sinh viên, cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở và chương trình tín dụng 30a được triển khai quyết liệt, bảo đảm đúng đối tượng. Ngân hàng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ được vay vốn làm ăn”.

Quang Tám

Đọc thêm