Con gái vua xuất gia đi tu
Ni sư Diệu Nhân thế danh Lý Ngọc Kiều, sinh năm 1042, là trưởng nữ của Phụng Càn Vương - Lý Nhật Trung (con trai vua Lý Thái Tông). Bà thiên tư thuần hậu, ngôn hạnh đoan trang, được vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072) nhận làm con nuôi, nuôi dạy trong cung từ nhỏ.
Ngôn hạnh đoan trang, thuần hậu, bà được vua gả cho người họ Lê, không rõ tên, làm quan Châu Mục ở Chân Đăng, chồng mất bà thủ tiết không chịu tái giá. Một hôm bà nói: “Ta xem tất cả các pháp trong thế gian đều như mộng ảo, huống gì những thứ vinh hoa phù phiếm mà có thể trông cậy được hay sao?”
Từ đó bà đi xuất gia, được Thiền sư Chân Không (1046 - 1100) nhận làm đệ tử, đặt pháp danh, thụ Bồ tát giới, trao truyền tâm ấn, trở thành người nối pháp đời thứ 17 dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi.
Sau khi xuất gia, bà dốc hết tư trang, gia sản bố thí cho dân chúng, chuyên chú học hỏi những điều tâm yếu của Phật pháp. Được Thiền sư Chân Không đưa đến trụ trì Ni viện Hương Hải thuộc hương Phù Đổng, huyện Tiên Du, nay là xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) trở thành bậc mẫu mực trong hàng Ni giới đương thời.
Ngày 01 tháng 06 năm Quý Tỵ, niên hiệu Hội Tướng Đại Thánh thứ tư (tức ngày 15 tháng 7 năm 1113), thị tịch, thọ 72 tuổi.
Bài kệ mang tư tưởng Phật học sâu sắc
Trước khi viên tịch, Ni sư đã để một bài kệ 7 câu 28 chữ có ý nghĩa nhân sinh và tư tưởng Phật học sâu sắc. “Sinh, lão, bệnh, tử/Tự cổ thường nhiên/Dục cầu xuất ly/Giải phọc thiêm triền/Mê chi cầu Phật/Hoặc chi cầu thiền/Thiền, Phật bất câu/Uổng khẩu vô ngôn.” Dịch: “Sinh, lão, bệnh, tử/Lẽ thường tự nhiên/Muốn cầu thoát ly/Càng thêm trói buộc/Mê, mới cầu Phật/Hoặc, mới cầu Thiền/Chẳng cầu Thiền, Phật/Mím miệng ngồi yên”.
Dù chỉ một bài thi kệ, nhưng với một bài thôi, một lời thôi, những lời nói như nhiên, tự nhiên, những xác quyết rõ ràng về nguyên lý chân thật của kiếp người. Chừng đó, chỉ chừng đó, với chừng đó cũng đủ bặt ngôn trọn ý, phủ trùm lên cõi tử sinh vô tận, đong đầy kín lối nẽo nhân gian, đưa đường dẫn lối chúng ta, từ sông mê bể khổ, tìm về bờ giác.
Ni sư đã nhắc lại qui luật của sinh tử vô thường của kiếp người của cuộc đời của vạn pháp. Đó là lẽ thường nhiên. Tuy là dạy đệ tử nhưng cũng chính là lại một lần nữa khẳng định Sư đã chứng ngộ Niết bàn tịch tĩnh an nhiên trước sự vô thường.
Qua thi kệ và ngữ lục hiện còn, có thể khẳng định Ni sư Diệu nhân là Thiền Sư Ni đắc đạo, thông tỏ cái lý Tính Không của các pháp và thấu triệt tinh thần Vô Trụ của kinh văn hệ Bát Nhã, với tinh thần phá chấp triệt để. Đây là cốt tủy tinh yếu của Kinh Kim Cương mà Đức Phật đã nêu ra khi giảng thuyết cho Ngài Tu Bồ Đề cùng đại chúng tại Tinh Xá Kỳ Viên với câu hỏi là: Làm sao để thấy tâm, hàng phục tâm. Đây là tư tưởng Đại thừa mà trong quá trình hành trì tu tập, Ni sư thường truyền dạy cho đệ tử.
Do được truyền trao tư tưởng của Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi, Ni sư đã cho ta thấy rõ sự Chứng Ngộ của Ngài qua câu trả lời đệ tử là: “Xưa nay vốn không đi”. Và câu hỏi: Ngồi yên là thế nào?... đều toát lên tinh thần Bát Nhã, nhất thừa pháp. Nhà thiền có câu: Vô ngôn thị đạo, bởi pháp môn hành trì tu tập của thiền là chú trọng đến tâm,tâm mà định lặng lẽ, tịch tĩnh là đã thấy được Bản lai diện mục, thấy được tự tính tức Giác ngộ Phật tính. Kiến tính thành Phật ,“tâm tịch nhi thị tri danh chân Phật”. Cái tâm không phải là vật chất mà có thể nhìn, cầm được, mà nó chỉ là sự cảm nhận trực nhận, bằng trực cảm.
Ni sư Diệu Nhân đã chứng đạt qua tinh thần vô trụ, “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”. Có đệ tử hỏi: “Tất cả chúng sinh bệnh thì ta cũng bệnh, tại sao lại phải kiêng tránh thanh sắc?” Sư đã dẫn lời trong kinh mà dạy rằng: “Nếu người nào thấy ta bằng hình tướng cầu ta bằng âm thanh, người đó theo tà đạo không bao giờ thấy được Như Lai”. Câu này nói lên sự phá bỏ chấp trước phá bỏ định kiến, bám víu của các đệ tử.
Chỉ cần qua lời chỉ dạy của Ni sư chúng ta đã thấy được chỗ tâm yếu mà Ngài đang thực hành, đây chính là yếu chỉ của nhà Thiền, luôn luôn sống với tâm tĩnh lặng đó chính là tự tính, đó chính là chỗ sống với Phật tâm của chính mình. Sống được với tâm thanh tịnh rồi thì dù đi đứng nằm ngồi, nói năng động tịnh đều là diệu dụng thù thắng. Mặc dù biết vậy, nhưng chúng ta vẫn bị âm thanh sắc tướng làm cho mê hoặc, chỉ cần một vài lời khen, một hai câu chê là chúng ta đã chạy theo buồn vui vạn dặm, nên Ngài nhắc thức phải nên tránh xa âm thanh, sắc tướng.
Hàng ngày, Ni sư phải có thực tập miên mật mới có được sự tự chủ, làm chủ được tâm mình, nên ngài mới có sự ra đi tự tại, không hề lo âu sợ hãi với sống chết. Đây chính là điểm then chốt làm cho Phật pháp được hưng thịnh lâu dài, ý chí quyết liệt dứt khoát trong sự tu hành, đã làm nên một kỳ tích vĩ đại, làm tô thắm thêm trang sử Phật giáo Việt Nam và điểm một chấm son cho chư Ni Việt Nam rạng ngời tấm gương đạo hạnh.
Tóm lại qua các thiền ngữ mà Sư dạy đệ tử, ta dễ dàng nhận thấy Ni sư là bậc Ni xuất chúng lỗi lạc hi hữu đặc biệt được nêu trong sử sách ViệtN am. Theo tài liệu Thư tịch hiện có, có thể khẳng định Ni sư Diệu Nhân là nữ tác giả đầu tiên trong văn học Việt Nam, tính từ lúc nước nhà giành độc lập vào đầu thế kỷ XI.
Hàng nghìn người tham dự đại lễ tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân |
Giá trị cuộc đời Ni sư cho thế hệ Ni, nữ Phật tử hôm nay
Đặc biệt tầm ảnh hưởng của Ni sư vào thời điểm đó không nhỏ, nên gần 20 năm sau khi mất, ảnh hưởng của Ngài vẫn còn mạnh mẽ không chỉ trong quần chúng, mà còn đối với các tầng lớp lãnh đạo quốc gia. Cho nên, vua Lý Thần Tông mới phong làm Ni sư. Đây là một điểm khá khác lạ so với các công chúa khác, vì họ lúc mất rồi ít khi được nhắc đến, thế mà Ngài mất năm 1113, Lý Thần Tông lên ngôi vào năm 1128 và việc truy phong này xảy ra sau khi vua lên ngôi vài ba năm.
Hành động Thiền sư Chân Không ấn chứng cho Ni sư Diệu Nhân là Tổ sư thiền đã khai mở một bước ngoặt lịch sử, trở thành biểu tượng và niềm tự hào bất diệt của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Đây chính là niềm hãnh diện của Ni giới Việt Nam nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung đã thừa tư trọn vẹn giáo pháp của Đức Bản sư Thích Ca Mâu Ni. Điều này khẳng định Tỳ Kheo Ni trong mọi thời đại đều có thể thực hiện được như lời dạy của đức Phật khi xưa: “Này Ananda, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, nữ nhân có thể chứng được Dự Lưu quả, Nhất Lai quả, Bất Lai quả hay A-la-hán quả.”
Qua tấm gương của Ni sư Diệu Nhân mang đậm nét phong cách của một bậc “Xuất trần thượng sĩ” đã để lại dấu ấn vô cùng cảm kích cho Ni giới, nữ Phật tử hiện nay. Niềm vinh hạnh ấy đã thúc dục cho bao thế hệ tiếp bước theo bước chân của Ngài, tiếp bước theo hạnh nguyện của Ngài, để Phật Pháp mãi còn trường tồn trên thế gian, cho nhân sinh có nơi nương về Tam bảo tu tập, đem đến nguồn an vui hạnh phúc thật sự trên nhân thế.
Nữ giới Phật giáo nói chung, Ni giới Phật giáo nói riêng không những làm tốt các nhiệm vụ của người “con gái Đức Phật” mà còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc đối với nữ Phật tử, động viên giúp đỡ họ, để họ trở thành những tấm gương sáng vừa giỏi việc nước, đảm việc nhà, trưởng dưỡng căn thiện lành lan tỏa, đi đầu trong các phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, xây dựng chùa tiên tiến, xây dựng gia đình văn hóa…
Hội thảo khoa học với chủ đề “Nữ Phật tử với Phật giáo Việt Nam” do Phân ban Ni giới TƯ phối hợp với Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam vừa tổ chức khai Hội trường Bảo tàng của Học viện (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội). Sự kiện trong khuôn khổ Đại lễ tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân (1042-1113) viên tịch và chư Tổ sư Ni tiền bối hữu công.
Hội thảo thu hút 110 bài tham luận từ các học giả, các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước với những nghiên cứu sâu về cuộc đời, đức độ và quá trình tu hành của ni sư Diệu Nhân trong việc lan tỏa đạo lý, đức hạnh tốt đẹp tới các phật tử. Các bài tham luận cũng khẳng định những đóng góp to lớn của nữ phật tử trong việc phát triển Phật giáo tại Việt Nam.