Tham dự lễ ký kết có lãnh đạo: Sở Du lịch; Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình; Trung tâm Xúc tiến Thương mại & Đầu tư tỉnh An Giang; dại diện các doanh nghiệp du lịch 2 tỉnh Ninh Bình và An Giang.
Tại buổi lễ, các đại biểu xem video clip giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của 2 tỉnh; nghe đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu của 2 tỉnh giới thiệu khái quát về các khu, điểm du lịch nổi tiếng của mình.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch giữa Sở Du lịch Ninh Bình và Trung tâm Xúc tiến Thương mại & Đầu tư tỉnh An Giang nhằm thực hiện chủ trương đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, xây dựng Ninh Bình trở thành một trung tâm du lịch quốc gia và khu vực, trong dịp kỷ niệm 200 năm danh xưng “Ninh Bình”, 30 năm tái lập tỉnh.
Biên bản thỏa thuận được ký kết nhằm tăng cường hiệu quả trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá, truyền thông về hình ảnh, thông tin sản phẩm, dịch vụ du lịch tại tỉnh Ninh Bình và An Giang.
Cụ thể, 2 địa phương sẽ hợp tác trao đổi thông tin du lịch, tài liệu ấn phẩm quảng bá du lịch; hỗ trợ tuyên truyền, thông tin đến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, nhân dân về các sự kiện văn hóa và du lịch của 2 địa phương; tích cực tham gia các sự kiện văn hóa, du lịch của nhau.
Mỗi địa phương tăng cường vận động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tham gia các hội chợ, hội thảo, triển lãm về du lịch do hai bên tổ chức; các doanh nghiệp du lịch hai bên tích cực hợp tác xúc tiến quảng bá du lịch.
Căn cứ vào thế mạnh của từng địa phương về tài nguyên du lịch, về sản phẩm và các sự kiện văn hóa truyền thống đặc sắc, ngành du lịch xây dựng kế hoạch quảng bá, xúc tiến chung.
Hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch kết nối, hợp tác, ký kết các hợp đồng nguyên tắc về xây dựng tour, tuyến, sử dụng sản phẩm du lịch giữa 2 địa phương; tăng cường tổ chức đón các đoàn Farmtrip, Presstrip; học tập kinh nghiệm, học tập các mô hình du lịch đến từ 2 phía Ninh Bình và An Giang.
Đẩy mạnh liên kết cổng thông tin điện tử du lịch, các trang mạng xã hội giữa 2 địa phương; quảng bá, tuyên truyền về thông tin, hình ảnh, tin tức liên quan đến du lịch trên cổng thông tin điện tử, trên các trang mạng xã hội của cả 2 bên.
Ninh Bình có thể được coi là địa phương có tài nguyên du lịch đa dạng bậc nhất của nước ta, từ các tài nguyên du lịch tự nhiên tới văn hóa, từ các di sản thế giới, kinh đô Nhà nước Đại Cồ Việt đến các di tích địa phương, từ các khu bảo tồn ven biển, tới đất ngập nước nội địa và rừng mưa nhiệt đới, từ các di tích kiến trúc nghệ thuật tới di chỉ khảo cổ, làng nghề, truyền thống sản xuất lúa nước. Với hệ thống tài nguyên du lịch hết sức phong phú, đa dạng đó, Ninh Bình có thể được coi như một Việt Nam thu nhỏ.
Trong khi đó, An Giang có thế mạnh về tự nhiên, với hệ thống kênh rạch chằng chịt, hệ thống cồn dọc sông Hậu, với những vườn cây trái bốn mùa, những làng nghề đặc trưng Nam Bộ, có điều kiện để phát triển du lịch với nhiều loại hình du lịch khác nhau. Tài nguyên du lịch An Giang có những thuận lợi và khó khăn nhất định trong việc tổ chức phát triển du lịch.