Ninh Bình còn nhiều khó khăn trong triển khai hỗ trợ người lao động ngành du lịch

(PLVN) - Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch tại tỉnh Ninh Bình phải đóng cửa, người lao động làm việc cầm chừng, tạm thời nghỉ việc hoặc thôi việc, gây khó khăn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động.

Trong thời điểm dịch Covid-19 đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”, ngành du lịch hoạt động trở lại nhưng hầu như vẫn vắng khách và chủ yếu là khách lẻ. Tính trong tháng 4/2020, trên địa bàn tỉnh đã có 450/653 cơ sở lưu trú du lịch phải tạm ngừng hoạt động, chiếm 65,5%.

Toàn tỉnh có 16/16 doanh nghiệp lữ hành, 18/18 đơn vị quản lý các khu, điểm du lịch đã tạm ngừng hoạt động, đã có khoảng trên 1.250 lao động trong ngành du lịch phải chấm dứt hợp đồng lao động, 17.000 lao động phải tạm ngừng việc làm. Phần lớn lao động tạm ngừng việc do các đơn vị kinh doanh phải tạm ngừng hoạt động hoặc giảm quy mô lao động, trong đó chỉ có một bộ phận lao động rất nhỏ được doanh nghiệp hỗ trợ 50% mức lương trong tháng 4.

Chỉ tính riêng doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã có khoảng gần 3.500 người lái đò tại các khu, điểm du lịch vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy nội địa đang tạm ngừng hoạt động, đây là đối tượng có thu nhập thấp bị ngừng việc làm nên gặp rất nhiều khó khăn.

Để hỗ trợ, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, từ tháng 3 doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã hỗ trợ cho 1.237 người chở đò khu du lịch sinh thái Tràng An và 640 người chở đò khu du lịch Tam Cốc - Bích Động bình quân mức 2 triệu đồng/người/tháng. Số lao động đang tiếp tục làm việc khoảng 1.750 người, chủ yếu là bộ phận hành chính, bảo vệ để duy trì hoạt động cơ bản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do khối lượng công việc rất ít nên các lao động này chấp nhận hưởng mức lương bằng 70-85% mức lương cơ bản để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Ông Tống Anh Đệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết việc hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực du lịch là điều cần thiết song để chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến tay người lao động cần phải có hướng dẫn cụ thể, có tính đặc thù đối với từng ngành, địa phương để việc triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch và bảo đảm đúng đối tượng được hỗ trợ, các doanh nghiệp được hỗ trợ cũng phải sử dụng gói hỗ trợ đúng mục đích duy trì sản xuất, kinh doanh và bảo đảm đời sống cho người lao động.

Đọc thêm