Nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, Lễ hội Tràng An năm nay được tổ chức với quy mô thu gọn hơn các năm trước tuy nhiên vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống vốn có. Lễ hội Tràng An đã tái hiện đầy đủ lịch sử Việt Nam qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần tại mảnh đất Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Nơi đây từng là căn cứ địa chống giặc ngoại xâm với thành là núi, đường là sông, cung điện là hang động. Lễ hội được tổ chức với sự tham gia của hàng nghìn người gồm các tăng ni, phật tử, các diễn viên, quần chúng và hàng nghìn du khách thập phương với hai phần chính gồm phần lễ và phần hội.
Lễ hội Tràng An diễn ra bao gồm hai phần: phần Lễ và phần Hội. Trong phần lễ, Ban Tổ chức thực hiện các nghi lễ cổ truyền với hoạt động lễ rước nước, rước thuyền rồng di chuyển qua các hang động đến đền Suối Tiên để thực hiện nghi lễ dâng hương Thánh Quý Minh Đại Vương. Trong phần hội, các đại biểu và du khách được di chuyển từ bến thuyền Tràng An đến suối Tiên với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc giới thiệu về giá trị văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An cũng như các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc các vùng miền trên cả nước như hát văn, hát chèo, không gian nghệ thuật vùng núi phía Bắc, Tây nguyên, Tây Nam Bộ...
Nghi lễ rước thuyền rồng trên sông Sào Khê thuộc Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình. |
Đến với Tràng An du khách sẽ phải choáng ngợp với vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Ninh Bình với thế núi muôn hình vạn trạng soi bóng xuống các con suối nhỏ quanh co và uốn khúc, nối liền những thung lũng hoang sơ hay các hang động kỳ bí, nơi được gọi là thành Nam của cố đô Hoa Lư, là nơi để các bạn khám phá về lịch sử Việt Nam.
Lễ hội Tràng An là dịp giáo dục các thế hệ sau phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh hoa đoàn kết dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.