Hội nghị do UBND huyện Hoa Lư tổ chức, có sự tham dự của đại diện Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) tỉnh Ninh Bình, lãnh đạo UBND huyện Hoa Lư cùng đại diện thôn, xóm các xã Trường Yên, Ninh Xuân, Ninh Hòa.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Tống Duy Tứ, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở VH&TT Ninh Bình) cho biết, những ý kiến, đóng góp của nhân dân tại Hội nghị sẽ được tiếp nhận để hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định hiện hành.
Nhiệm vụ quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn 2050 do Sở VH&TT Ninh Bình làm chủ đầu tư, liên danh MQL và các đối tác (có trụ sở tại Hà Nội) làm cơ quan tư vấn.
Khu di tích lịch sử - văn hoá Cố đô Hoa Lư được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2012 và là một trong bốn vùng lõi của Quần thể di sản thế giới Tràng An đã được UNESCO công nhận năm 2014.
Đây là di tích không chỉ có giá trị lịch sử, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật mà còn có giá trị về mặt danh thắng với những cảnh đẹp của thiên nhiên kỳ vĩ, cảnh đẹp của núi đá vôi. Tuy nhiên, trong chiến lược phát triển, bên cạnh việc bảo tồn di sản theo cách làm truyền thống cần phải có các nghiên cứu chuyển hóa các tài nguyên di sản, sản nghiệp văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội với xu hướng cộng sinh với đời sống hiện đại.
Qu |
Quang cảnh hội nghị. |
Qua đó, khẳng định vai trò, vị thế của Cố đô Hoa Lư trong chiến lược phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình như kỳ vọng của các cấp chính quyền và nhân dân, thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo đại diện đơn vị chủ đầu tư, mục tiêu quy hoạch lần này nhằm nhận diện đầy đủ giá trị của Cố đô Hoa Lư gắn với sự hình thành nhà nước Đại Cồ Việt; nhận diện đầy đủ giá trị của Cố đô Hoa Lư gắn với sự hình thành nhà nước Đại Cồ Việt; bảo tồn di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái Cố đô Hoa Lư; phục hồi các không gian gắn với di sản, phát huy giá trị di sản văn hóa, giáo dục giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, gắn kết với cộng đồng và mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Đồng thời, tạo tiền đề, cơ sở lập hồ sơ tái đề cử (hoặc bổ sung tiêu chí) trình UNESCO xem xét, công nhận Quần thể danh thắng Tràng An và Cố đô Hoa Lư trong danh mục Di sản văn hóa thế giới.
Hội nghị tập trung lấy ý kiến của các đại diện người dân trong khu vực để thực hiện quy hoạch. |
Tại Hội nghị, đại diện các thôn, xóm tại các xã của huyện Hoa Lư đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, điền phiếu lấy ý kiến, bày tỏ quan điểm cũng như đề xuất mong muốn, kiến nghị đến các cơ quan thực hiện quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích Cố đô Hoa Lư, để nhiệm vụ được hoàn thành, đảm bảo ý nghĩa tích cực.