Ninh Thuận đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành kế hoạch số 867/KH-UBND về đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Thuận tư vấn, giới thiệu, kết nối việc làm cho người lao động.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Ninh Thuận tư vấn, giới thiệu, kết nối việc làm cho người lao động.

Theo đó, tỉnh Ninh Thuận đề ra mục tiêu từng bước phục hồi và phát triển thị trường lao động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hạn chế thấp nhất những tiêu cực từ dịch bệnh tới thị trường lao động. Phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại nhằm huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động.

Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp có nhu cầu lựa chọn và tuyển dụng nguồn lao động phù hợp với vị trí cần tuyển dụng để nâng cao năng lực và mở rộng sản xuất, kinh doanh phát triển doanh nghiệp. Ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động, chất lượng việc làm; phát triển thị trường lao động lành mạnh, ổn định, tạo ra nhiều việc làm.

Ngoài ra, khuyến khích các hình thức tạo việc làm tại chỗ, đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước nước ngoài theo hợp đồng.

Để đạt mục tiêu tạo việc làm mới cho 16.000 lao động, tỉnh Ninh Thuận cũng đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể, hỗ trợ trực tiếp người lao động, tuyên truyền, định hướng thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tham gia kết nối cung cầu lao động, có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động các chi phí để mua nhu yếu phẩm, đi lại, chi trả tiền điện, tiền nước, nhà trọ, xét nghiệm COVID-19… để người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động.

Hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho người lao động. Tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để giảm tối đa các chi phí đóng góp của doanh nghiệp trong năm 2022 - 2023 về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chi phí công đoàn; quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi phù hợp với trạng thái “bình thường mới”.

Hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động. Xây dựng và phát triển, hiện đại các thể chế của thị trường lao động; hiện đại hóa quản trị thị trường lao động. Thực hiện tốt chính sách tín dụng thông qua chương trình cho vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm và từ các tổ chức tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…

Đọc thêm