Đặc biệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy Lào Cai phê duyệt Đề án số 09-ĐA/TU ngày 27/11/2015 về giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có dự án thành phần giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động cho người lao động của tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh có 01 Trung tâm Dịch vụ việc làm cấp tỉnh và 10 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên có chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm tại 9 huyện, thành phố. Ngoài được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên đã bắt đầu có sự đổi mới khi phối hợp với một số doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện đào tạo, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động, tổ chức cho sinh viên thực hành tại các công ty, doanh nghiệp. Đồng thời, các cơ sở cũng hướng đến đào tạo theo nhu cầu của đơn vị, công ty, doanh nghiệp.
Tính đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 2.088 doanh nghiệp, sử dụng 69.183 lao động, trong số đó có 56.177 lao động đã được đào tạo từ công nhân kỹ thuật và dạy nghề trở lên, chiếm 81.28%. Một số ngành đào tạo tỷ lệ có việc làm cao như: điện dân dụng, điện lạnh, du lịch…
Bên cạnh đó, tỉnh đã phê duyệt dự án thành lập Sàn giao dịch việc làm tỉnh Lào Cai, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động theo nhu cầu và người lao động được tư vấn, tra cứu thông tin tìm việc làm. Kết quả giai đoạn 2015 - 2020, đã tạo việc làm tăng thêm cho 65.970 lao động, trong đó 41.560 lao động là người dân tộc thiểu số; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo cơ cấu kinh tế.
Theo con số thống kê của tỉnh, giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,22%/năm, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn lại 8,20%, tương ứng 14.322 hộ. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 8,6%/năm, vượt xa mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 là giảm 4%/năm. Số hộ cận nghèo còn 16.000 hộ, chiếm 9,37%.
Nhiều chính sách giảm nghèo được triển khai, lồng ghép cùng với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Các chính sách xã hội hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo ngày càng phát huy tác dụng như: y tế, giáo dục, nhà ở, hỗ trợ vốn vay... tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Dự kiến trong năm 2021-2025, Lào Cai sẽ tạo việc làm tăng thêm cho 61.000 lao động, trong đó có 37.000 lao động là người dân tộc thiểu số, 27.450 lao động là nữ được tạo việc làm. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3-5%/năm trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo giảm từ 6%/năm trở lên và 100% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu đều được hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.