Nỗ lực giải quyết việc làm để giảm nghèo bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững được xác định là chủ trương trọng tâm trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của huyện Văn Bàn (Lào Cai). Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nhằm từng bước nâng cao tay nghề, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người lao động, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện.

Hiện nay, huyện Văn Bàn có Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên có chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm. Ngoài được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên đã bắt đầu có sự đổi mới khi phối hợp với một số doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện đào tạo, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động, tổ chức cho sinh viên thực hành tại các công ty, doanh nghiệp. Đồng thời, Trung tâm cũng hướng đến đào tạo theo nhu cầu của đơn vị, công ty, doanh nghiệp. Từ đó, một số ngành đào tạo, tỷ lệ có việc làm cao.

Tổ chức cho học sinh, sinh viên học tập và thực hành (Ảnh minh họa)

Tổ chức cho học sinh, sinh viên học tập và thực hành (Ảnh minh họa)

Hàng năm, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, phòng Lao động - TBXH huyện cũng đã cùng với các phòng, ngành liên quan, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện, các xã, thị trấn và tổ chức đoàn thể chính trị. Tổ chức việc phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề, truyền nghề tổng hợp cho lao động nông thôn.

Giai đoạn 2015-2020, huyện Văn Bàn đã tổ chức được 42 lớp, với số lao động tham gia học nghề là 1.396. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu gồm: Sửa chữa điện dân dụng, nề xây dựng, sửa chữa ô tô, may mặc, các lớp nông nghiệp, phi nông nghiệp...

Trong 5 năm 2016-2020, đã giải quyết việc làm mới cho 6.748 lao động trên địa bàn; Tuyển sinh 300 lao động đi học nghề hệ trung cấp, cao đẳng phục vụ cho các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Số lao động làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện là 1.894 người; Xuất khẩu lao động cho 26 trường hợp.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành sát sao của Huyện ủy, HĐND và UBND huyện sự chủ động, linh hoạt của các cấp, các ngành; cùng sự đồng hành của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp trên địa bàn, đến nay, toàn huyện có 22/22 xã đạt tiêu chí 12 – Tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên; 19/22 xã đạt tiêu chí tỉ lệ lao động qua đào tạo.

Để công tác giảm nghèo bền vững gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Văn Bàn đạt kết quả cao hơn, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nghiên cứu loại hình đào tạo nghề phù hợp với việc làm cho lao động địa phương; đào tạo nghề theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các công ty, doanh nghiệp.

Đọc thêm