Nỗ lực giới thiệu di sản hát Xoan ra thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lần đầu tiên, những người yêu hát Xoan từ khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận những làn điệu Xoan cổ một cách bài bản, có hệ thống bằng các phương tiện công nghệ thời 4.0.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long (ngoài cùng bên phải) và các nghệ nhân. (Ảnh: PV)
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long (ngoài cùng bên phải) và các nghệ nhân. (Ảnh: PV)

Di sản dân tộc độc đáo

Hát Xoan còn được gọi là Khúc môn đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần, tương truyền có từ thời các Vua Hùng. Theo lời kể của các nghệ nhân hát Xoan, trong truyền thuyết dân gian, nhân một chuyến đi tìm thêm những vùng đất mới để mở mang kinh thành, Vua Hùng dừng chân tại một ngôi làng nhỏ có tên là làng Phù Đức. Trong lúc nghỉ ngơi, Vua Hùng bỗng nghe thấy tiếng hát của trẻ chăn trâu, cắt cỏ đang hát những câu ca đồng dao dân dã. Vua bèn bảo các lạc hầu, lạc tướng đem một số điệu múa, lời hát dạy thêm cho chúng. Đám trẻ học rất nhanh, chẳng mấy lúc thuộc hết câu ca, điệu múa Vua Hùng dạy. “Lý len… len là… lễ là… len hỡi len…”, tiếng hát trẻ vang xa cả vùng. Dân làng hồ hởi chạy tới nghe với niềm hân hoan, vui sướng. Dân làng cảm kích tấm lòng của Vua Hùng đã làm bánh nẳng và thịt bò thui dâng Ngài cùng đoàn tùy tùng.

Để tưởng nhớ công ơn của Vua Hùng, Nhân dân quanh vùng đã dựng ngôi miếu trên đất đó để thờ Vua, gọi là miếu Lãi Lèn (nay thuộc xã Kim Đức, TP Việt Trì, Phú Thọ). Câu chuyện về những làn điệu xoan cũng bắt nguồn từ đây. Ngôi miếu cổ Lãi Lèn có từ thời đại Hùng Vương, chỉ được làm bằng tre, gỗ, mái lợp lá cọ. Cổ xưa là thế, giản dị, mộc mạc như chuyện Vua Hùng cấy lúa cùng dân, như công chúa soi gương bằng giếng ngọc. Nhưng quý thay, lời hát, điệu múa không mất đi, thậm chí trải qua nhiều thế kỷ, hát Xoan vẫn dùng nhiều từ Việt cổ cho đến nay.

Thuở xa xưa, người Văn Lang tổ chức các cuộc hát Xoan vào mùa xuân để đón chào năm mới. Có 3 hình thức hát Xoan: hát thờ cúng các vua Hùng và thành hoàng làng; hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe; hát lễ hội là hình thức để nam nữ giao duyên...

Ngày 24/11/2011, UNESCO đã chính thức ghi danh hát Xoan vào Danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới”. Với nhiều nỗ lực của Phú Thọ, năm 2017, hát Xoan chính thức được UNESCO rút khỏi danh sách này để chuyển sang danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Hiện nay, tại tỉnh Phú Thọ, toàn bộ không gian văn hóa thực hành di sản hát Xoan tại các phường xoan, các lễ hội truyền thống gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan đã được tu bổ và phục hồi hoàn chỉnh, tạo không gian văn hóa cho cộng đồng thực hành, trình diễn và trao truyền di sản. Toàn tỉnh Phú Thọ có khoảng 37 CLB hát Xoan, với gần 1.567 người tham gia thực hành hát Xoan. Hát Xoan còn được duy trình thực hành ở 64 CLB cấp huyện, 42 CLB cấp xã. Từ chỗ chỉ còn 7 nghệ nhân có khả năng truyền dạy di sản đến nay đã có gần 100 nghệ nhân có khả năng truyền dạy và 300 nghệ nhân kế cận.

Đặc biệt, di tích miếu Lãi Lèn là di tích gốc, là nơi phát tích của di sản hát Xoan đã được phục hồi và đưa vào sử dụng, di tích này vừa là nơi thờ tự, là nơi tổ chức các hoạt động truyền dạy, thực hành nhưng cũng là nơi trưng bày như một “bảo tàng” về hát Xoan và trở thành một điểm tham quan cho du khách muốn trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu về di sản hát Xoan.

Lan tỏa làn điệu Xoan cổ

Hát Xoan Phú Thọ đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Lần đầu tiên, những người yêu hát Xoan từ khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận những làn điệu Xoan cổ một cách bài bản, có hệ thống bằng các phương tiện công nghệ. Đây là kết quả quan trọng nhất của dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan” của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng cộng sự. Dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan” được đăng tải trên kênh YouTube “Dân ca & Nhạc cổ truyền” - sáng lập và vận hành nhằm tôn vinh những giá trị âm nhạc quý báu của dân tộc. Đây như một hoạt động hướng tới ngày Giỗ Tổ Vua Hùng mồng 10 tháng 3 âm lịch năm 2024.

“Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan” gồm 16 bài Xoan cổ, được thu mộc đúng kiểu diễn xướng thời xưa, trong đó 3 bài thuộc chặng hát thờ và 13 bài thuộc chặng quả cách - chặng trung tâm, quan trọng nhất của hát Xoan. Ngoài ra, ê kíp còn thực hiện một clip mang tên “Về đất Tổ nghe Xoan”, ghi lại cuộc trò chuyện với các nghệ nhân phường Xoan Thét. Phần hình ảnh được ghi tại 4 di tích có liên quan trực tiếp tới hát Xoan là miếu Lãi Lèn (phường Xoan Phù Đức), đình Thét (phường Xoan Thét), đình Kim Đới (phường Xoan Kim Đới), đình An Thái (phường Xoan An Thái) của tỉnh Phú Thọ.

Toàn bộ những bài này được nhạc sĩ, ca sĩ Phan Thanh Cường thực hiện phần thu âm theo cách dân dã nhất, gần gũi nhất. Anh đã chuẩn bị toàn bộ trang thiết bị thu âm từ Hà Nội di chuyển về Phú Thọ và triển khai phòng thu ngay tại nhà bà trùm phường Xoan Thét. “Thu âm hát Xoan cần những âm thanh mộc nhất, tạo cho khán giả cảm giác như được nghe trực tiếp các nghệ nhân hát đó là mong muốn của chúng tôi khi thực hiện dự án này”, ca sĩ Phan Thanh Cường chia sẻ.

Tham gia dự án lần này là các nghệ nhân xuất sắc của phường Xoan Thét đồng thời cũng là của nghệ thuật hát Xoan hiện nay gồm: Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Kiều Nga (trùm phường), Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Ngà, Nghệ nhân Ưu tú Lê Thị Nhàn. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của nghệ nhân Nguyễn Văn Thuyết, kép xoan trẻ Nguyễn Minh Trí.

“Dự án này rất ý nghĩa với hát Xoan, là cơ hội để đưa di sản độc đáo của quê hương Phú Thọ lan tỏa đến khán giả ở các tỉnh, thành phố khác và giới thiệu với cả người nước ngoài. Điều này cũng góp phần cùng chúng tôi gìn giữ, phát huy di sản hát Xoan, truyền tình yêu tới các bạn trẻ và tiếp tục truyền nối cho thế hệ sau”, trùm phường xoan Thét Bùi Thị Kiều Nga tâm sự.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long bày tỏ sự tiếc nuối vì dự án mới chỉ dừng lại ở một phường xoan. “Dự án hoàn toàn thực hiện bằng nguồn xã hội hóa nên kinh phí rất eo hẹp. Nếu cả 4 phường xoan mỗi nơi đều có một dự án như thế này thì sẽ đem lại một cái nhìn toàn cảnh, đầy đủ hơn, cùng nhau phát huy giá trị, lan tỏa hát Xoan ra cộng đồng, vươn xa thế giới”.