NSND Anh Tú 'liều mình' với 'Chuyện nàng Kiều'

(PLO) - "Áp lực lớn nhất với tôi là trước một kiệt tác của thi hào Nguyễn Du, nhân vật điển hình ra cả thế giới. Vì thế, làm thế nào dù thận trọng nhưng phải thăng hoa, vừa thăng hoa trong sáng tạo nhưng vẫn thận trọng" – NSND Anh Tú- đạo diễn vở "Chuyện nàng Kiều"chia sẻ. 
NSND Anh Tú chỉ đạo diễn xuất cho từng vai diễn

Dựa trên kiệt tác “Truyện Kiều” của Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa Thế giới Nguyễn Du (1765- 1820), vở diễn “Chuyện nàng Kiều” (chuyển thể kịch bản sân khấu Nguyễn Hiếu, biên tập NSND Anh Tú- Lê Trinh, đạo diễn NSND Anh Tú) được dàn dựng với nhiều lát cắt mới về nghệ thuật; nhưng vẫn giữ nguyên được những giá trị to lớn của tác phẩm là phản ánh giá trị hiện thực.

Vở diễn đã phơi bày bộ mặt xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, đồng thời phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là phụ nữ…

“Vở diễn “Chuyện nàng Kiều” là bài ca ca ngợi vẻ đẹp con người. Đó là vẻ đẹp của tài, sắc, tình, lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, đức tính vị tha, thủy chung, chí khí anh hùng… Là cái đẹp, nhưng cái đẹp lại mong manh, dễ bị hủy diệt, dễ bị tan vỡ", đại diện Nhà hát cho biết.

NSND Anh Tú bày tỏ, vì quá mê đắm "Truyện Kiều" nên anh đã chọn dựng vở này: "Lý do và cũng là thách thức với tôi, bởi tôi thấy Truyện Kiều của Nguyễn Du hay quá, tại sao mình không cho lên sân khấu kịch.

Nét mới trong vở diễn này vẫn lấy từ ý trong tuyệt tác "Truyện Kiều" - một câu chuyện phê phán xã hội phong kiến thối nát, con người cũng thối nát. Và cái ý rất hay ở đây chính là tính dự báo và đấy chính là tinh thần của vở diễn và của Truyện Kiều. Nếu đồng tiền quyền lực không chân chính lên ngôi thì những giá trị chân chính khác cũng bị truất ngôi".

Vở diễn cũng là một sự thử nghiệm táo bạo của Nhà hát, khi kết hợp những hình thức hát, múa và những động tác hình thể.  

Vở diễn còn có sự tham gia của NSƯT Lê Sơn (họa sĩ), nhạc sĩ Giáng Son (viết nhạc), NSƯT Cao Ngọc Ánh (biên đạo múa), Như Lai (biên đạo hình thể), nghệ sĩ Thu Thêu (lẩy Kiều). Các nghệ sĩ tham gia biểu diễn gồm: NS Diễm Hương (Thúy Kiều), NS Quỳnh Hoa (Thúy Vân),NS Tô Dũng (Kim Trọng), NSƯT Thúy Phương (Tú Bà), NS Minh Hiếu (Sở Khanh), NS Thế Nguyên (Thúc Sinh), NS Tạ Minh (Từ Hải), NSƯT Xuân Bắc (Hồ Tôn Hiến).

Vở diễn là một sự thử nghiệm táo bạo của Nhà hát, khi kết hợp những hình thức hát, múa và những động tác hình thể.  Và để hiện thực hóa điều đó, đạo diễn Anh Tú đã mời ca sĩ - nhạc sĩ Giáng Son vừa làm ca khúc, vừa tập cho diễn viên hát.

Trong vở diễn “Chuyện nàng Kiều”, nhạc sĩ Giáng Son đã viết gần 20 ca khúc dựa trên cơ sở âm nhạc dân gian Việt Nam. Hình ảnh hoa sen- quốc hoa của người Việt, được sử dụng với hàm ý như cuộc đời một con người: Lúc hé mở ban đầu, lúc sung mãn, lúc cao trào, lúc tàn khô, héo úa… nhưng vượt lên trên tất cả chính là sự dâng hiến những cái đẹp, cái tinh túy nhất cho tình yêu, cho cuộc đời… 

"Tôi muốn thử các diễn viên ngoài khả năng diễn xuất, vũ đạo hình thể thì có hát được không. Tuy nhiên, độ thử vẫn còn khiêm tốn. Nhưng cũng phải thử nghiệm để tới đây, tôi còn muốn dựng những vở nhạc kịch pop - ballad cho Nhà hát. Cái này thế giới làm quá nhiều rồi, nhưng ở Việt Nam thì vẫn còn thiếu nhiều điều kiện" - đạo diễn Anh Tú bày tỏ tâm huyết. 

Vở kịch sẽ được công diễn từ tháng 11/2016 tại Nhà hát kịch Việt Nam, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội.

Đọc thêm