Biểu tượng chủ nghĩa anh hùng và tình đoàn kết Kinh - Khmer
Hòa chung không khí ngày kỷ niệm Liên Hợp Quốc dành riêng để tôn vinh phụ nữ, vì nữ quyền và hòa bình quốc tế này, trong tháng ba, lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tri Tôn dành trọn sự trân trọng, tự hào để kỷ niệm và tưởng nhớ nữ liệt sĩ, AHLLVTND Neáng Nghés – một biểu tượng kiên trung, bất khuất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa 2 dân tộc Kinh – Khmer. Chị là niềm tự hào của phụ nữ, của quân dân và Đảng bộ Tri Tôn.
Nhìn lại lịch sử, năm 1952 tại miền đất đỏ Côn Đảo chị Võ Thị Sáu đã anh dũng hy sinh khi chưa đầy 18 tuổi. Như tiếp nối truyền thống và tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc và thế hệ đi trước. 10 năm sau, ngày 15/3/1962 tại đất Ô Lâm anh hùng, nữ liệt sĩ Neáng Nghés cũng hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi. Những biểu tượng bất tử đó như ngọn lửa sôi sục tinh thần căm thù giặc xâm lược của dân tộc ta, tiếp thêm sức mạnh để công cuộc giải phóng dân tộc nhanh chóng giành thắng lợi.
Mộ của Nữ liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Neáng Nghés được trùng tu, nâng cấp khang trang và tôn nghiêm |
Neáng Nghés sinh năm 1942 tại xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). trong một gia đình Khmer nghèo, cha mẹ mất sớm, chị và người anh sống với ông bà nội trong điều kiện chiến tranh ác liệt. Sống trong vùng căn cứ kháng chiến, vùng núi Tô huyền thoại nên Neáng Nghés sớm giác ngộ cách mạng. Khi 18 tuổi, chị đã làm giao liên, tiếp tế lương thực và thuốc men cho bộ đội.
Sau đó, tham gia Hội phụ nữ giải phóng rồi vừa vận động quần chúng vừa làm giao liên. Chị luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh và có nhiều sáng kiến trong hoạt động. Mùa khô, để đồ tiếp tế trong thùng phân bò gánh đi bón ruộng. Mùa nước, thực phẩm, thuốc men để trong cái cà om (cái xoong-PV) giả đi giăng câu. Với tài chí ấy, chị đã kịp thời cung cấp thông tin, vận chuyển lương thực cho các chiến sĩ.
Thời điểm đó, chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện Luật 10/59, đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, tuyên bố quét sạch, diệt sạch cách mạng. Bọn chúng gia tăng lính bảo an, dân vệ, trang bị vũ khí, tăng cường quân chủ lực cơ động, biệt động quân, thiết giáp nhằm đối phó những cuộc tiến công ngày càng dồn dập trên khắp các mặt trận của lực lượng cách mạng An Giang.
Cán bộ, nhân dân mặc niệm tưởng nhớ công lao của nữ anh hùng Neáng Nghés trong Lễ tưởng niệm 58 năm ngày hy sinh của chị |
Lúc bấy giờ, nhiều cuộc đấu tranh của đồng bào Ô Lâm trực diện với đồn bót và quận trưởng Tri Tôn. Chị Neáng Nghés là người nòng cốt, đi đầu trong các cuộc đấu tranh. Đến mức bọn ác ôn điểm mặt cảnh cáo chị và ghi tên chị vào “sổ bìa đen”.
“Tao chết nhưng đồng bào tao còn”
Tháng 3/1962, huyện ủy Tri Tôn phát động phong trào đấu tranh chống áp bức, bóc lột và những thủ đoạn của quân địch, chị đã đấu tranh trực diện với tên quận trưởng: “Quận trưởng là người Khmer sao lại hại người Khmer, bắt người Khmer bỏ ruộng rẫy, nhà cửa, bỏ chùa chiền, hũ tro ông bà để vào ấp chiến lược để chết đói.Trở về ruộng vườn cũ thì bị bom pháo… Quận trưởng tính giết hết người Khmer mình hay sao?”.
Tên quận trưởng lúng túng, buộc lòng hứa hẹn cho qua. Uy tín chị ngày càng nâng cao, được nhân dân tin tưởng và ủng hộ. Tuy nhiên, đó cũng là lý do bọn giặc quyết tâm tiêu diệt chị.
Ngày 13/3/1962, sau khi chuyển lương thực, thuốc men về chị đã bị phục kích và bắt giữ. Chúng đưa chị về đồn Tha-la-păng-xây giam giữ bằng lồng kẽm, chỉ cần nhúc nhích thì sẽ bị kẽm gai đâm. Chúng lôi chị ra tra khảo, hành hạ, khủng bố tinh thần chị nhưng đều vô ích.
Tên Tài - trung úy đồn trưởng người Khmer thấy chị có nhan sắc nên vừa tra tấn vừa dụ dỗ: “Mày chịu làm vợ tao, tao sẽ bảo lãnh cho mày khỏi tù tội và cuộc sống được đầy đủ, khỏi phải vất vả nhọc nhằn, còn nếu như mày khai báo thêm Việt cộng thì được lãnh thưởng”. Không những không nghe mà chị còn dõng dạc chửi: “Tao thà chết chứ không thèm làm vợ thứ ác ôn, hại dân hại nước như mày”. Hắn như bị tát nước vào mặt, rồi hắn đã nổi tính hung đồ và đánh đập chị dữ dội.
Sư sãi, người dân thắp hương tưởng nhớ và tri ân sự đóng góp của chị cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. |
Rạng sáng ngày 15/3/1962, bọn chúng đem chị ra cánh đồng phum Chông Khsách và lùa đồng bào ra để chứng kiến chị bị xử bắn. Trước khi giết chị, tên đồn trưởng hỏi chị: “Trước khi mày chết, mày muốn nói gì không?”. Chị vội đáp ngay: “Tao không sợ chết, tao chết nhưng đồng bào tao còn, nhất định sẽ tiêu diệt bọn bây…”. Quả thật, chị là một con người anh hùng, dũng cảm. Dù đối mặt trước bao hiểm nguy, gian khó những vẫn không từ nan, không đánh mất đi sự kiên trung đối với dân, với nước.
Chúng không bắn chị ngay mà giết dần giết mòn trong đau đớn. Chúng đánh gãy tay, cắt lỗ tai, cắt lưỡi rồi mới bắn chết. Đồng thời, ra lệnh không cho ai đem xác chị chôn nhưng người dân vẫn lén đem thi hài chị đi an táng. Ít lâu sau, Huyện ủy Tri Tôn tổ chức lễ truy điệu đồng chí Neáng Nghés trọng thể, tuyên bố công nhận chị là đảng viên chính thức của Đảng Lao động Việt Nam.
Chị hy sinh nhưng đồng đội vẫn còn. Nỗi niềm uất hận căm thù lại càng lên cao. Tất cả như kết tinh vào thôi thúc tinh thần căm thù giặc của quân và dân Ô Lâm. Chị ra đi nhưng chí khí, lòng can trường của người con gái mới tròn 20 mùa xuân vẫn còn sống mãi, trở thành hình tượng bất tử cho lớp lớp thanh niên Việt Nam noi theo.
Ngày 25/3/2005, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho chị Néang Nghés. Chị là người nữ dân tộc Khmer đầu tiên trong tỉnh An Giang được nhận danh hiệu cao quý này.
Hình tượng Neáng Nghés đã trở thành cảm hứng cho nhiều tác giả sáng tác thơ và nhạc. Tiêu biểu là bài hát “Chiếc áo nàng Sa Rết” do nhạc sĩ Trình Minh Trị sáng tác năm 1968 đã thể hiện tình cảm xót thương của người dân An Giang đối với sự hy sinh anh dũng của người con gái Khmer vùng Bảy Núi. Những ngôn từ da diết, cùng giai điệu sâu lắng như cay xé lòng người: Nàng Sa Rết ơi. Từ lâu xa vắng anh nhớ phum nhớ nàng. Nhìn ngọn núi Tô mà anh như thấy Sa Rết đang ngồi dệt tơ. Gặp sông lòng nhớ suối. Gặp em anh nhớ buổi chúng mình giã gạo dưới ánh trăng đêm nào...”.