Trong suốt thập kỷ 60 của thế kỷ 20, tên tuổi của người nữ anh hùng ấy vang dội khắp vùng đất cách mạng A Lưới, với hình ảnh một nữ du kích trẻ tuổi, dũng cảm, hiên ngang cầm súng tiến công vào đồn địch.
|
Anh hùng Hồ Thị Đơm kể với cháu nội về bức hình trong một trận đánh bà trực tiếp chỉ huy |
Cứ đến những ngày chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, vùng đất cách mạng A Lưới lại đón nhiều đoàn cựu chiến binh khắp cả nước về thăm chiến trường xưa. Mỗi lần đến A Lưới, họ đều dành thời gian ghé thăm người đồng đội Kăn Đơm. Họ xem bà như là một biểu tượng cho ý chí quật cường trong những năm cùng bà “nằm gai nếm mật” ở chiến trường A Lưới.
Một ngày đầu tháng 4, tôi đến A Lưới và may mắn được gặp nữ Anh hùng Kăn Đơm ở đại ngàn Trường Sơn. Trong căn nhà nhỏ ẩn mình giữa bạt ngàn thông xanh, bà kể cho chúng tôi nghe những trận đánh oanh liệt, vang dội của đồng bào A Lưới mà chính bà trực tiếp chỉ huy hai trận.
Tháng 5/1962, Mỹ- Diệm càn quét đánh lên vùng núi phía tây Thừa Thiên. Địch mở rộng phạm vi chiếm đóng gồm các đồn: A So, A Co, A Lưới. Riêng khu vực đồn A Co chúng xây dựng 4 lô cốt, mỗi lô cốt địch bố trí từ 7 - 12 tên. Hàng ngày, buổi sáng, từ đồn A Co, địch xuống suối Ka Êch (Hồng Thượng) lấy nước về ăn uống.
Ban ngày, chúng tổ chức càn quét vào làng cướp phá; ban đêm co về đồn nghỉ ngơi, canh gác. Theo dõi hoạt động của địch, Kăn Đơm lúc đó là Xã đội phó Hồng Hạ đã báo cáo với Ban Chỉ huy Xã đội ý định đánh địch bằng cách đầu độc nguồn nước bằng lá ngón. Được cấp trên nhất trí, Kăn Đơm phân công chị em du kích Hồng Hạ bí mật vào rừng tìm lá ngón.
Cuối tháng 6/1962, Kăn Đơm cùng dân quân du kích bí mật đem lá ngón giã nát và dìm xuống dòng suối gần khu vực địch hay lấy nước. Kết quả, nhiều tên địch trong đồn A Co tử vong, nhiều tên khác phải đi cấp cứu, số còn lại hoang mang không xác định được chết vì nguyên nhân gì, cuối cùng chúng buộc phải bỏ đồn A Co về đồn A Lưới. Với thành tích đó, cuối năm 1962, nữ du kích Kăn Đơm được phong tặng Dũng sĩ diệt Mỹ.
Hướng tầm mắt về khu rừng ở xã Hồng Hạ, nữ Anh hùng Kăn Đơm đưa tay gạt nước mắt vì nơi đó rất nhiều đồng đội đã hy sinh xương máu dưới sự tàn ác của kẻ thù. Rồi, bà tiếp tục kể về một trận đánh khác. Tháng 7/1963, địch tiếp tục mở các cuộc càn quét lên miền núi để đưa chiến tranh ra vùng giáp ranh; đồng thời lùng sục, tìm đảng viên nằm vùng của ta. Địch còn mua chuộc, lôi kéo một số người dân tộc và chia rẻ người Kinh với người Thượng...
Kăn Đơm được giao nhiệm vụ tổ chức chỉ huy lực lượng du kích, chặn đánh tiêu diệt lực lượng càn quét của địch. Dưới sự chỉ đạo của Kăn Đơm, lực lượng du kích bố trí các loại chông, bẫy dọc đường và ngã ba đi vào thôn bản. Khi một trung đội địch cơ động càn vào thôn Kân Sâm; Kăn Đơm phát lệnh, bộ phận chặn đầu nổ súng ra hiệu lệnh đồng loạt tấn công.
Bị đánh bất ngờ, địch hoảng loạn, đội hình dồn lại; lúc này bẫy đá trên sườn núi sập xuống tiêu diệt đại bộ phận quân địch, số còn lại tháo lui liền bị bộ phận khóa đuôi dùng cung nỏ tiêu diệt. Lực lượng càn quét của địch bị tiêu diệt hoàn toàn. Với thành tích đặc biệt này, Kăn Đơm được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ lần thứ hai.
Kỷ niệm mà bà nhớ nhất trong các trận đánh là có một lần, trên đường đi họp ở Huyện đội về, nhìn thấy 3 đồng chí bộ đội bị lọt vào ổ phục kích của địch, bà đã kịp thời ứng cứu cùng 3 chiến sĩ chiến đấu dũng cảm. Cầm cự sau gần tiếng đồng hồ, 2 chiến sĩ bị thương, bà và chiến sĩ còn lại vừa dìu thương binh vừa bắn trả quyết liệt, rút lui về phía bãi chông.
Khi đạn đã đến viên cuối cùng, đồng chí bộ đội giục: ném quả lựu đạn duy nhất, bà trả lời: “ Chúng ta có thể sẽ rơi vào tay địch, quả lựu đạn này để dành nếu bị bắt, em sẽ rút chốt để nó nổ, em thà cùng chết với chúng nó chứ không để chúng bắt được!”. Nhờ sự nhanh trí và lòng dũng cảm, bà cùng 3 đồng chí bộ đội thoát khỏi vòng vây trở về an toàn.
|
Anh Hùng Hồ Thị Đơm tự hào với những phần thưởng được trao tặng |
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tên tuổi của nữ Anh hùng Kăn Đơm vang dội khắp vùng đất cách mạng A Lưới. Không một địa danh nào mà không có dấu chân của bà Kăn Đơm. Nào là Hồng Hạ, A Ngo, nào là những trận đánh lớn ở làng Kăn Tôm, Kơn Tứt, Rapat, Khe Máu, đèo Mẹ Ơi, Kim Quy, Mỏ Quạ, sông A Sáp, đồi A Bia...
Trong đó, trận đánh đồi A Bia giữa vùng núi rừng gần biên giới Việt-Lào ở địa phận xã Hồng Bắc (huyện A Lưới) là trận đánh ác liệt nhất ở vùng đất A Lưới mà Anh hùng Kăn Đơm có công rất lớn. Kăn Đơm chỉ huy một đại đội chiếm giữ được máy bay và pháo binh yểm trợ, diệt 51 tên địch, thu 8 súng và nhiều đồ dùng quân sự, bắn rơi 2 máy bay lên thẳng.
Riêng Kăn Đơm diệt và làm bị thương 17 tên Mỹ... Đồi A Bia nằm trên độ cao so với mặt đất khoảng gần 1.000m. Hiện, đồi A Bia đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Trận đánh đồi A Bia đã được một nhà đạo diễn người Mỹ làm phim cách đây mấy năm.
Chia tay bà Kăn Đơm khi trời đã tối, hình ảnh nữ Anh hùng mang họ Bác Hồ dần khuất sau cánh rừng giữa đại ngàn Trường Sơn. Trên đường trở về, chúng tôi không khỏi xót xa về ước nguyện cuối đời của bà: “Mẹ mong có một ngôi nhà đơn sơ để sau này nằm xuống, con cái có chỗ thắp cho mẹ nén nhang...”. Trước đó, bà Kăn Đơm có nhà nhưng do chồng và con lâm bệnh nặng nên đành bán để chạy chữa nhưng họ không may đã qua đời. Hiện, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Kăn Đơm đang ở nhờ nhà của người em trai.
Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Kăn Đơm đã tham gia 316 trận chiến đấu, diệt hơn 300 tên địch, bắt sống 8 tên, bắn rơi 2 máy bay địch, thu 25 súng các loại. Bà đã vận động nhân dân đào hàng ngàn mét đường hầm, tham gia rải truyền đơn... bà được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công giải phóng cùng nhiều Giấy khen, Bằng khen, Huân, Huy chương khác. Năm 1994, bà Hồ Thị Đơm vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.