Nghề lơ xe sương gió đường trường, thật oái oăm cũng có chị em lựa chọn. Đa phần làm nghề này đều là những chủ xe, theo chồng phụ việc để vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiện chăm sóc chồng.
Lo đủ mưu đối phó dọc đường…
Chị Trần Thị Hằng, lơ xe tuyến đường Hà Nội - Lạng Sơn mở đầu câu chuyện bằng giọng buồn bã: “Cực chẳng đã tôi mới phải chọn nghề này. Vất vả chỉ là một chuyện, vì vất vả mình còn cố gắng chịu được nhưng chuyện tổn hại sức khỏe thì khó tính lắm. Phụ nữ đã sinh nở lại tối mặt tối mũi với những chuyến xe thì da dẻ, xương cốt bị ảnh hưởng rất nhiều. Ngoài ra, tính cách cũng bị biến tướng đi một chút vì phải ghê gớm, đanh đá hơn để đối phó với mánh lới mà nhiều xe khác cùng cung đường sử dụng để tranh giành khách”.
Rồi chị kể liến thoắng về những ngày đầu tiên bập vào nghề, được chứng kiến những… “ngón nghề” để tranh khách, để chiếm “thế thượng phong” bằng những lần tạt đầu xe khác, bằng những lần cố tình đi chậm “câu giờ” để đón khách đúng “giờ vàng”. Như thấy tôi có vẻ chưa hiểu, chị giải thích rõ hơn: “Có một luật ngầm giữa các nhà xe với nhau khi cùng khai thác một tuyến đường, đó là thời gian xuất phát phải lệch nhau một khoảng nhất định.
Theo đó, nhà xe nào chiếm được giờ đẹp thì cứ yên tâm lên đường, trước mặt là hành khách đứng đợi, đến điểm là đón khách lên xe. Nhưng có những nhà xe chỉ xuất phát chậm hơn mình 30 phút thôi, họ cũng mất cơ hội đón khách.
Thế nên họ dùng đủ các thủ đoạn để tranh giành khách với mình bằng cách người đi sau thì đi nhanh hơn, rồi tạt đầu, bám ngay sát đuôi hoặc xe nào đi trước thì cố tình đi chậm lại. Chuyện chỉ một cung đường, 2-3 xe chạy nối đuôi nhau san sát chính là trong trường hợp này”.
Chị Nguyễn Thị Hà, lơ xe tuyến Thanh Sơn - Mỹ Đình thì kể, từng có những lần dừng đón khách, sắp xếp chỗ ngồi cho khách, chị quan sát thấy chiếc xe chạy phía sau liên tục tăng tốc, bám sát đuôi khiến xe chị muốn dừng bắt khách cũng khó. Chị bàn bạc với lái xe quyết định tạt đầu xe kia bắt dừng, cầm viên gạch sang… thị uy, buộc xe kia phải đi đúng tốc độ và khoảng cách giữa hai xe phải đúng như luật đã quy định với nhau.
Không chỉ phải học cách ứng phó với mọi thủ đoạn của các tuyến xe cùng cung đường, những lơ xe còn phải lo chạy chọt công an, phải cảnh giới đến lái xe những đoạn đường bất thình lình công an đứng chốt. Rồi mời mọc khách lên xe, lo sắp xếp chỗ ngồi, thu tiền khách. Nếu cứ “thuận buồm xuôi gió” thì nghề lơ xe không bị coi là nghề vất vả đến thế. Lơ xe phải thay mặt lái xe, chủ xe giải quyết tất cả mọi chuyện xảy ra trên đường đi.
Chị Hà kể, đã có lần chị suýt bị một khách nam đánh chỉ vì dứt khoát đòi đúng số tiền khách phải trả. Nhưng người khách cứng đầu, kiên quyết bớt. Lần một, lần hai còn châm chước, nhưng được thể vị khách này cứ lấn lướt nên chị buộc phải cứng giọng: “Một là anh trả đủ tiền, hai là mời anh xuống xe”, chỉ thế thôi mà người khách sửng cồ, định giơ nắm đấm với chị.
Thấy tình hình nguy cấp, lái xe quyết định dừng xe giải vây cho lơ xe nhà mình, đồng thời trấn an các hành khách trên xe. Cũng kể từ đấy, cứ thấy người khách này là chị Hà… bỏ qua.
Chị Đào Thu Hà chia sẻ về những buồn vui, hy sinh khi làm lơ xe |
Cả tháng không được ăn một bữa cơm nhà…
Không quá vất vả như chị Hà, chị Hằng nhưng chị Đào Thị Thu Hà (lơ xe tuyến Hà Nội - Hải Phòng) cũng phải hy sinh rất nhiều khi quyết tâm gắn bó với nghề lơ xe tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Trước đây chị Hà buôn quần áo tại một chợ nhỏ ở Hải Phòng, công việc cũng tạm ổn nhưng đến thời điểm thấy nghề buôn bán quần áo không còn thuận lợi, vốn tồn đọng nhiều, chị quyết định đổi nghề, chuyển sang làm lơ xe chỉ vì có người quen xin việc cho ngay sau khi đóng quầy quần áo.
Chị Hà cho biết, chị mới bắt đầu công việc được vài tháng nhưng gần như đã bị cuốn hút theo guồng bởi đặc thù của nghề. Nhớ lại những ngày đầu bỡ ngỡ vào nghề, chị phải chuyện trò, học hỏi anh chị em nhiều lắm, phải học thuộc cung đường, phải nhớ những vị trí đón, trả khách để kịp thời dừng đỗ, đặc biệt phải nhanh nhẹn trong việc trả hàng dọc đường để đảm bảo thời gian không bị… lố quá nhiều.
Mới làm một thời gian ngắn nhưng chị cũng đã gặp nhiều tình huống dở khóc, dở cười trong những chuyến xe, đặc biệt hay gặp trong những chuyến tối muộn, chạy ngược Hải Phòng – Hà Nội. Chị kể, chị gặp khá nhiều người ngà ngà bia rượu vì vừa ăn cơm tối hoặc vừa xong một bữa nhậu. Những hành khách này thường hay nói nhiều, hỏi lung tung gây ầm ĩ, khó chịu cho người bên cạnh. Những lúc ấy phải mềm mỏng, giải thích nhẹ nhàng cho họ hiểu để họ giữ im lặng và không gây hấn hay thù hằn gì với mình.
Cũng đã nhiều lần chị phải bỏ tiền túi bù cho công ty để đủ số tiền định mức của mỗi chuyến xe. Chị chia sẻ, nhiều người họ lỡ quên ví, lục tất cả các túi cũng vẫn không đủ tiền, họ đã xin mình trước, không thể không đồng ý cũng không thể bắt bẻ, to tiếng hoặc đuổi người ta xuống xe, dù sau đó lại phải bỏ tiền túi ra bù cho đủ.
Một ngày chị chạy 4 lượt đi lại Hà Nội - Hải Phòng. 6h sáng từ Hà Nội bắt đầu về Hải Phòng, đến khoảng 9h hơn lại quay lên Hà Nội, sau đó đầu giờ chiều lại về, tối muộn, vào khoảng 21h lại quay lên, ăn ngủ ở Hà Nội để sáng mai về sớm.
Theo những chuyến xe nên mỗi tháng chị chỉ ngủ ở nhà được 2-3 tối. Chị bảo: “Chỉ trừ khi nào gia đình có công việc xin nghỉ thì mới thoải mái ở nhà cơm nước, quanh quẩn bên chồng con, còn nếu theo đúng guồng quay của những chuyến xe thì cả một tháng cũng không có bữa nào được ăn cơm ở nhà dù ngày nào cũng quay đi quay lại Hải Phòng 2-3 lượt”.
Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Cả tháng chị không được ăn bữa cơm nào với gia đình sao?”. Chị cười trả lời dù ánh mắt thoáng chút buồn: “Không được bữa nào đâu. Thời gian về thăm nhà còn phải tranh thủ cơ mà. Con trai bé nhà tôi thi thoảng canh giờ mẹ về đến Hải Phòng lại gọi điện hỏi mẹ có về nhà không. Mỗi lần nghe giọng nói buồn thiu của con khi biết mẹ không về được, lòng tôi nặng trĩu. Thế nên nhiều khi tôi phải dặn con nếu về được mẹ sẽ về, con không cần gọi nhé”.
Lời chị nhắc nhở con trai mình có lẽ là bất đắc dĩ bởi chị biết chị còn nhớ con hơn cả các con nhớ chị, chị muốn gần con hơn cả việc chúng muốn mẹ ở nhà. Nhưng vì miếng cơm, manh áo của gia đình, vì tương lai của các con mà các chị vui vẻ xác định trót chọn nghề thì phải tuân thủ mọi nguyên tắc mà nghề đã quy định…