Ông lão 83 tuổi hơn 20 năm ôm đơn đòi tài sản sau ly hôn

(PLO) - Dù đã bước sang tuổi 83, cụ ông Tạ Văn Huynh (trú ở phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) chân bước đã run, mắt đã lòa, vẫn gõ cửa các cơ quan công quyền đòi lại quyền lợi sau khi ly hôn với người vợ thua ông tới 20 tuổi.
Ông lão 20 năm đi kiện. Ảnh: T.N
Ông lão 20 năm đi kiện. Ảnh: T.N
Ông Huynh cho rằng ngôi nhà được Nhà nước phân cho khi ông còn là nhân viên của Đài Truyền hình Việt Nam là tài sản của ông chứ không phải của vợ ông. Sự rắc rối của cặp vợ chồng này lên đến đỉnh điểm khi vợ ông kết hôn với người khác và ngôi nhà chia đôi được chính quyền cấp sổ đỏ. Nhiều người khuyên ông già rồi đừng theo đuổi kiện cáo làm gì, nhưng ông cụ này bỏ ngoài tai và vẫn tiếp tục gõ cửa các cơ quan công quyền.
Cuộc ly hôn nhiều rắc rối
Ông Huynh từng công tác tại Cục Quân khí - Tổng cục Hậu cần, sau đó chuyển công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam (THVN). Năm 1972, ông Huynh kết hôn với  bà Nguyễn Thị Minh Thoi (lúc đó đang làm ở Cục Phát thanh) và có 3 đứa con. Nhưng sau đó chuyện  vợ chồng của ông bà “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” diễn ra trầm trọng do ông Huynh nghi ngờ bà Thoi có nhân tình. Ông Huynh cũng xác nhận vợ ông ngoại tình nên ông đã quyết định ly hôn với bà. Năm 1986 tòa tuyên họ ly hôn nhưng hai người vẫn ở chung trong ngôi nhà cũ. 
Về ngôi nhà này, ông Huynh cho biết:  “Trước năm 1984, gia đình tôi và gia đình một người nữa ở cùng căn hộ số 6, nhà B5, Tập thể Đài THVN ( nay là 106 B5, Núi Trúc) gia đình tôi ở phòng ngoài có diện tích là 17,5m2, gia đình kia ở phòng rộng 10,5m2. Tới năm 1984, họ chuyển vào Sài Gòn. Gia đình tôi được Ban phân phối nhà ở Đài THVN ra Quyết định số 08/PPN giao cho tôi quyền thuê ở toàn bộ căn hộ khép kín  là 28m2 ( bao gồm diện tích trước của nhà tôi và thuê  lại của hộ kia là 10,5m2). Khi vợ chồng tôi ly hôn vào năm 1986, tòa tuyên: “Về nhà ở tập thể là tài sản của Nhà nước, tòa không có quyền chia mà chấp nhận sự thỏa thuận của đương sự”.  
Sau khi ly hôn, vào năm 1987  bà Thoi được Sở Nhà đất Hà Nội cho ký hợp đồng thuê lại nhà với diện tích 10,5m2 đó, thời hạn thuê là 5 năm, bắt đầu từ tháng 8/1987. Có nghĩa là chúng tôi vẫn ở ngôi nhà đó, chỉ chia ra như 2 hộ gia đình trước đó”.
Theo ông Huynh, mâu thuẫn nảy sinh khi bà Thoi theo chồng mới về nơi khác sống, nhưng bản hợp đồng vẫn có giá trị và quyền sử dụng phần nhà đó vẫn thuộc về bà Thoi. Tới tháng 10/2007, bà Thoi mua lại diện tích mình đã thuê theo Nghị định 61/CP“. Đáng ra khi họ chuyển đi chỗ khác thì Xí nghiệp (XN) Quản lý nhà Ba Đình phải hủy hợp đồng thuê nhà của bà Thoi để trả căn phòng cho tôi và 2 con tiếp tục thuê lại theo Quyết định 08/PPN ngày 6/11/1984 của Đài THVN, để khi Nhà nước hóa giá hoặc thanh lý thì tôi là người có quyền mua lại. Nhưng họ đã cố tình làm trái bằng cách hóa giá nhà cho bà Thoi và cấp sổ đỏ. Trên thực tế hiện nay tôi vẫn đóng thuế toàn bộ diện tích 28m2”.
Không có cơ sở giải quyết đơn kiện của ông lão
Đó là khẳng định của ông Trần Lưu Tiến, Phó Giám đốc XN quản lý & Phát triển nhà Ba Đình. Theo ông Tiến, vụ việc đã được các cơ quan chức năng xem xét giải quyết theo đúng trình tự pháp luật. Còn theo ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Quản lý nhà cho biết, sau khi ly hôn, bà Thoi có đơn xin tách hợp đồng thuê nhà và ông Huynh đã đồng ý về việc đó: ông Huynh cùng  2 con ký hợp đồng thuê 17,5m2, bà Thoi và 1 người con thuê 10,5m2, hợp đồng ký vào tháng 8/1987. Sau khi hết hạn thuê nhà là 5 năm, bà Thoi đã ký tiếp hợp đồng vào tháng 9/1994. 
Tuy nhiên, ông lão vẫn không đồng tình với trả lời của XN Quản lý & Phát triển nhà Ba Đình. Ông cho rằng diện tích nhà đó là do ông đứng ra thuê theo Quyết định 08 phân phối nhà ở của Đài THVN vào tháng 11/1984. Vì thế, diện tích này chỉ dành riêng cho ông, chỉ linh hoạt trong việc cho bà Thoi thuê lại sau khi ly hôn. Và Theo đó, bà Thoi hết hạn hợp đồng thuê nhà là 5 năm và chuyển đi chỗ khác thì phải trả lại cho ông  tiếp tục thuê chứ không thể hợp thức hóa theo quyết định của XN Quản lý & Phát triển nhà Ba Đình. 
Viết đơn, rồi công văn của các chức năng hồi đáp, hơn 20 năm qua số lượng đơn từ của ông cứ dày lên mà vẫn chưa giải quyết xong. Tuổi ngày càng cao, bước chân đi lại đã run rẩy nhưng ý chí theo đuổi vụ việc của ông vẫn không giảm. Nhiều người trong khu phố cho rằng ông lão bị lẩm cẩm, tại ghét vợ cũ cặp bồ nên mới thù dai vậy, già rồi không nghỉ ngơi đi mà còn kiện tụng làm chi. Ông quả quyết rằng việc khiếu nại là bởi quyền và lợi ích hợp pháp của ông chứ không có mục đích gì khác. “Cái gì thuộc quyền lợi của tôi, tôi phải đòi hỏi chứ, sao lại để người khác cướp mất. Tôi sẽ vẫn đi khiếu kiện cho đến khi nhắm mắt, xuôi tay nếu họ không giải quyết cho tôi” -ông lão quả quyết.
Còn ông Trần Lưu Tiến thì tiếp tục khẳng định: “Việc giải quyết tách hợp đồng tại căn hộ số 6 nhà B5 Tập thể Giảng Võ từ tháng 4/1986 cho ông Huynh và bà Thoi của xí nghiệp dựa trên cơ sở nhất trí của ông Huynh và bà Thoi là hoàn toàn đúng quy định tại điều 6 Quyết định 4565/QĐ-UB ngày 27/10/1987 của Ủy ban thành phố về việc xử lý vi phạm tranh chấp trong sử dụng nhà cửa. Do đó nội dung đơn đề nghị của ông Huynh đòi lại quyền sự dụng căn hộ phòng 10,5m2 là không có  cơ sở giải quyết”.
Trong vụ việc của ông Tạ Văn Huynh, mặc dù có rất nhiều văn bản của cơ quan có thẩm quyền trả lời nhưng ông lão vẫn quyết tâm khiếu kiện trong một thời gian dài. Thạc sỹ, Luật sư Lê Minh Hải (VPLS Royal, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, các cơ quan hữu quan thực sự cần phải làm rõ những vấn đề sau:
Thứ nhất, xác định đối tượng mua nhà theo Nghị định 61/CP đã đúng chưa. Ví dụ như bà Nguyễn Thị Minh Thoi sau khi đã có chỗ ở mới, ổn định thì có thuộc đối tượng được tiếp tục thuê nhà (sau đó được mua nhà khi Nhà nước hóa giá nhà theo Nghị định 61/CP) hay không.
Thứ hai, cần xác minh lại quy trình cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho bà Nguyễn Thị Minh Thoi xem đã đầy đủ thủ tục, giấy tờ theo quy định hay không.
Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền cần xác minh làm rõ nội dung Bản án dân sự gốc số 34/LH ngày 19/04/1986 của Tòa án nhân dân quận Ba Đình đã tuyên về chỗ ở của vợ chồng ông Huynh khi cho rằng: “Về nhà ở: ông Huynh, bà Thoi tiếp tục thuê ở căn hộ trên (6B5) đến khi có quyết định mới của cơ quan quản lý nhà”. Trong khi đó ông Huynh khẳng định trong bản án không hề có nội dung này. Đây cũng là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho bà Nguyễn Thị Minh Thoi và cũng là lý do khiến ông Tạ Văn Huynh đi khiếu kiện đòi nhà mấy chục năm nay. 

Đọc thêm