Sau 20 ngày Thành phố “mở cửa” và trước đó là mô hình thực hiện “3 tại chỗ”, các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minhh đã vượt dịch như thế nào? Kế hoạch thích ứng tình hình mới ra sao?
Để hiểu rõ hơn về những nỗ lực của các KCN, KCX, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi trò chuyện cùng ông Phạm Thanh Trực - Phó ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp (KCX và CN) TP Hồ Chí Minh xung quanh về những vấn đề này.
PV: Thưa ông, đại diện cho Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp (KCX và CN) TP Hồ Chí Minh, ông đánh giá như thế nào về những tác động và ảnh hưởng của dịch COVID - 19 đến hoạt động của các doanh nghiệp trong năm 2020 – 2021?
Ông Phạm Thanh Trực |
Ông Phạm Thanh Trực: COVID-19 đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất của các DN trong KCX, KCN, nhất là các hoạt động về thu hút đầu tư, kế hoạch – tiến độ triển khai dự án, xuất khẩu và nhất là về mặt tài chính của doanh nghiệp. Cụ thể:
Thu hút đầu tư giảm:
Tính đến ngày 10/9/2021, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh đạt 409,84 triệu USD, đạt 74,52% so với kế hoạch (550 triệu USD), giảm 28,99% so với cùng kỳ năm 2020 (577,13 triệu USD). Trong đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt 178,84 triệu USD, giảm 21,45% so với cùng kỳ (227,69 triệu USD), đầu tư trong nước đạt 5.342,5 tỷ đồng (tương đương 231 triệu USD), giảm 25,35% so với cùng kỳ (309,44 triệu USD).
Ảnh hưởng đến tình hình triển khai dự án:
Đối với các dự án mới, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, nhiều dự án không đảm bảo tiến độ, chậm triển khai. Nguyên nhân do nhà đầu tư thiếu nguồn vốn, khó khăn về tài chính nên không thể để đầu tư vào các dự án mới (chủ yếu tập trung vốn cho các dự án đang hoạt động sản xuất). Việc nhập khẩu máy móc thiết bị, việc đi lại của chuyên gia nước ngoài gặp nhiều khó khăn cũng đã ảnh hưởng đến lắp đặt máy móc thiết bị… Còn riêng với các dự án đang triển khai thời gian qua đã có nhiều dự án phải tạm ngưng hoạt động.
Đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội, số doanh nghiệp tổ chức hoạt động sản xuất theo phương án vừa sản xuất, vừa cách ly (phương án 3T) là 637 doanh nghiệp (tỷ lệ 45,11%) với 53.254 người lao động “3 tại chỗ”/288.161 người lao động (chiếm tỷ lệ 18,48%); Có 775/1.412 dự án tạm dừng hoạt động sản xuất (tỷ lệ 54,89%).
Tuy nhiên, kể từ khi TP HCM thực hiện Chỉ thị 18/CT-UBND, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đã từng bước ghi nhận sự khôi phục, trong đó, số doanh nghiệp đang hoạt động là 1.236/1.412 doanh nghiệp (đạt tỷ lệ 87,5% so với số lượng doanh nghiệp hoạt động thời kỳ chưa có dịch bệnh và giãn cách xã hội; và tăng 66% so với số lượng DN hoạt động trước khi thực hiện Chỉ thị 18), với tổng số lao động là 173.285/288.161 người (đạt tỷ lệ 60,1% so với số lượng lao động thời kỳ chưa có dịch bệnh và giãn cách xã hội; và tăng 144% so với số lượng lao động hoạt động trước khi thực hiện Chỉ thị 18).
Về kim ngạch xuất khẩu, 8 tháng đầu năm, chúng tôi ghi nhận mức 3.712,46 triệu USD đạt 91% so với cùng kỳ (trong đó: FDI: 2.729,61 triệu USD, đạt 91,53% cùng kỳ; Doanh nghiệp trong nước: 982,85 triệu USD, đạt 89,88% so với cùng kỳ).
Dịch bệnh kéo dài đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn từ khâu sản xuất đến khâu thành phẩm, dẫn đến không kịp tiến độ giao hàng cho đối tác, phải đổi hình thức giao hàng từ đường biển sang đường hàng không dẫn đến tốn kém thêm chi phí. Đơn hàng bị hủy hoặc doanh nghiệp phải từ chối nhận đơn hàng mới do thiếu hụt nhân công và điều kiện sản xuất không thuận lợi dẫn đến doanh nghiệp mất một số khách hàng tiềm năng, đối tác khách hàng chuyển qua thị trường khác.
Bên cạnh đó các yếu tố khác như tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào do doanh nghiệp không có nguồn nguyên liệu dự trữ, nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước bị thiếu hụt do dịch kéo dài, nhà cung ứng không có đơn vị vận chuyển hoặc tạm ngưng hoạt động. Hay gia tăng chi phí sản xuất khi các doanh nghiệp thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất (3 tại chỗ) ghi nhận chi tiêu cho chi phí ăn ở, chi phí hỗ trợ thêm ngoài lương để động viên người lao động, chi phí điện nước, chi phí xét nghiệm định kỳ, hỗ trợ lương cho số lao động không vào doanh nghiệp để giữ người lao động quay trở lại làm việc, chi phí thực hiện các công tác vệ sinh khử khuẩn, mua trang thiết bị y tế để đảm bảo 5K, môi trường an toàn và công tác phòng chống dịch theo quy định… đẩy chi phí vận hành lên mức cao. Đồng thời, các doanh nghiệp phải gánh thêm chi phí sản xuất do giá nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển tăng.
Ngoài ra, 1 nguyên nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu đó chính là tình hình lưu thông và chuỗi cung ứng hàng hóa bị ảnh hưởng do các đối tác cũng phải hoạt động “3 tại chỗ” hoặc tạm ngưng hoạt động nên chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy.
Việc cung ứng nguyên vật liệu, dịch vụ cho sản xuất bị giới hạn khiến cho các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” cũng phải hoạt động cầm chừng hoặc bị gián đoạn sản xuất. Các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa đầu cuối phải phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ không chỉ trong một tỉnh thành mà có sự liên kết kinh tế trong cả vùng kinh tế hoặc trong cả nước.
Chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn cục bộ; lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước, do giữa một số tỉnh, thành phố áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh, giãn cách xã hội khác nhau. Tình trạng khai thác container tại cảng và kho tại cảng vẫn còn chậm trễ, dẫn đến khó khăn trong dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp.
Nhiều tàu bỏ chuyến tại cảng, dẫn đến xuất hàng trễ. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong lưu thông do tài xế mất nhiều thời gian để lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm. Doanh nghiệp phải chi trả các loại chi phí xét nghiệm COVID - 19, tiến độ thông quan hàng hóa chậm và tình hình tắc nghẽn lưu thông vận tải dẫn đến chi phí logistics tăng cao.
Khó khăn về tài chính:
Nói về tài chính, việc dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng đã dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp không còn đủ vốn lưu động chi trả các khoản bảo hiểm, thuế, chi phí nguyên vật liệu… Doanh nghiệp không thu được công nợ nên không đủ chi phí trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng và những khoản vay đến hạn chưa có khả năng đáo hạn, ngân hàng siết chặt các khoản vay.
PV: Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp để có thể duy trì sản xuất đã lựa chọn thực hiện mô hình “3 tại chỗ” để đảm bảo nguồn nhân lực và tiến độ thực hiện các hợp đồng, nhất là với đối tác nước ngoài. Tuy nhiên bên cạnh những điểm thuận lợi thì mô hình này cũng đã bộc lộ nhiều mặt hạn chế, ông nhận định và đánh giá như thế nào về điều này?
Ông Phạm Thanh Trực: Kể từ ngày 15/7/2021, các doanh nghiệp trong KCX, KCN tổ chức hoạt động sản xuất theo phương án “03 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc “1 cung đường 2 địa điểm” theo Kế hoạch số 2023/KH-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2021 của UBND Thành phố về tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất đối với doanh nghiệp hoạt động trong KCX, KCN, KCNC trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Có 746/1.412 DN thực hiện phương án vừa cách ly, vừa sản xuât, với 70.883 người lao động tham gia.
Các doanh nghiệp thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất có quy mô sản xuất bị sụt giảm trong khi tốn nhiều chi phí để duy trì sản xuất: chi phí ăn ở, chi phí hỗ trợ thêm ngoài lương để động viên người lao động, chi phí điện nước, chi phí xét nghiệm định kỳ, hỗ trợ lương cho số lao động không vào doanh nghiệp để giữ người lao động quay trở lại làm việc, chi phí thực hiện các công tác vệ sinh khử khuẩn, mua trang thiết bị y tế để đảm bảo 5K, môi trường an toàn và công tác phòng chống dịch theo quy định… Đồng thời, các doanh nghiệp phải gánh thêm chi phí sản xuất do giá nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng.
PV: Sau hơn 20 ngày thành phố thực hiện việc mở cửa để phục hồi nền kinh tế và hoạt động kinh doanh, sản xuất… nhưng thực tế chứng minh nhiều công ty và xí nghiệp vẫn chưa thật sự tái khởi động trở lại hoặc có chăng là mở cửa dè chừng và hoạt động dưới công suất, ông nghĩ đâu là nguyên nhân dẫn đến điều này?
Ông Phạm Thanh Trực: Tính đến ngày 11/10/2021, chúng tôi ghi nhận có 1.233/1.412 doanh nghiệp thông báo khôi phục sản xuất (đạt tỷ lệ 87.3% so với số lượng doanh nghiệp hoạt động thời kỳ chưa có dịch bệnh và giãn cách xã hội; tăng 65% so với số lượng doanh nghiệp hoạt động trước khi thực hiện Chỉ thị 18, với tổng số lao động là 168.631/288.161 người (đạt 58,5% so với số lượng lao động thời kỳ chưa có dịch bệnh và giãn cách xã hội; tăng 137% so với số lượng lao động hoạt động trước khi thực hiện Chỉ thị 18.
Thời gian này, các doanh nghiệp chưa hoạt động 100% công suất do cần có thời gian thích ứng với các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Mặt khác, một số doanh nghiệp có người lao động lưu trú tại các tỉnh lận cận vẫn chưa được đi lại bằng xe cá nhân nên vẫn chưa thể tham gia sản xuất trở lại.
PV: Việc các lao động lâu năm, có tay nghề và lao động phổ thông về quê số lượng lớn những ngày qua đã đã gây ra sự thiếu hụt trầm trọng nguồn lao động. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến việc mở cửa và phục hồi nền kinh tế tại TP Hồ Chí Minh thưa ông?
Ông Phạm Thanh Trực: Qua báo cáo từ các DN, số lao động làm việc tại các KCX-KCN về quê và lưu trú tại các tỉnh lân cận thành phố là 31.258 người (chiếm khoảng 11% số lao động thời điểm trước dịch và thực hiện giãn cách xã hội).
Trong đó, về các tỉnh phía Bắc: 1.388, về các tỉnh Miền Trung: 3.364, các tỉnh miền Nam: 26.506, bao gồm số lao động lưu trú tại các tỉnh lân cận Thành phố như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 23.000 người.
Ban Quản lý đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố khảo sát 1400 DN về nhu cầu tuyển dụng lao động 3 tháng cuối năm. Hiện có 62 DN phản hồi, số lượng lao động cần tuyển khoảng 3000 lao động, trong đó, công nhân may: 1.100 lao động, điện – điện tử: 200 lao động, cơ khí: 150 lao động, chế biến thực phẩm: 200 lao động, lao động phổ thông 380 lao động.
Do các doanh nghiệp đang bắt đầu khôi phục lại sản xuất, đa số mới ở mức 70 – 80 % công suất nên chưa ghi nhận thiếu hụt nhiều lao động.
PV: Nhằm ổn định thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp về đội ngũ lao động có kinh nghiệm và tay nghề cao, thời gian tới thành phố và khu chế xuất đã có những kế hoạch gì để thu hút nguồn lao động trở lại và gắn bó cùng doanh nghiệp phát triển?
Ông Phạm Thanh Trực: Không phải tới thời điểm này chúng tôi mới có suy nghĩ và định hướng về việc giữ chân người lao động mà thực tế là đã có nhiều chương trình và hoạt động xuyên suốt diễn ra trong nhiều năm như xây dựng khu nhà công nhân, mở trường mầm non, chăm lo cho con em công nhân lao động…
Tuy nhiên thời điểm đại dịch diễn ra và tác động đến toàn ngành kinh tế đã góp phần thay đổi 1 vài chiến lược. Theo đó, hiện nay, Ban Quản lý đang triển khai đồng bộ các việc như:
Về tiêm vắc-xin:
Tính đến ngày 29/9/2021, tổng số người lao động trong KCX, KCN đã được tiêm mũi 1 là: 267.990/288.161 người (tỷ lệ 93%). Tỷ lệ lao động đã tiêm mũi 2 tại TP.HCM/số lao động còn ở tại TP.HCM là 204.864/254.689 (đạt 80,437%); Tỷ lệ lao động đã tiêm mũi 2 tại TP.HCM/tổng số lao động là 204.864/288.161 (đạt 71,094%).
Hiện vẫn còn một bộ phận người lao động trong KCX, KCN Thành phố chưa được tiêm vắc-xin (mũi 1 khoảng 7%, mũi 2 khoảng 20%) do người lao động trở về địa phương hoặc lưu trú ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, do đó Thành phố tiếp tục rà soát để tổ chức tiêm vắc-xin mũi 1 và mũi 2 cho các đối tượng người lao động.
Về đón lao động từ các tỉnh về lại TP. Hồ Chí Minh:
Ban Quản lý phối hợp với Sở Giao thông Vận tải thống kê nhu cầu và có phương án vận chuyển người lao động từ các tỉnh, thành phố đến làm việc tại TP Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Các doanh nghiệp tùy vào điều kiện và tình hình thực tế của đơn vị cần chủ động chọn lựa phương thức vận chuyển phù hợp như đơn vị sử dụng lao động tự tổ chức; phối hợp đơn vị vận tải hành khách xây dựng kế hoạch vận chuyển hoặc tổ chức tuyến vận tải hành khách cố định xuất phát từ các bến xe liên tỉnh.
Về xây dựng nhà lưu trú/nhà ở xã hội cho công nhân KCX, KCN:
Hiện nay, tổng số lao động làm việc trong KCX, KCN là 288.161 lao động, trong đó lao động ngoài TP.HCM chiếm khoảng 65%, do đó nhu cầu về nhà lưu trú dành cho người lao động là rất lớn.
Tại KCX – KCN, hiện có 16 dự án nhà lưu trú, ký túc xá dành cho người lao động (bao gồm các dự án của các Công ty PTHT, dự án của các đơn vị chuyên xây dựng kinh doanh nhà lưu trú và các dự án do doanh nghiệp tự xây dựng để phục vụ nhu cầu của người lao động) với tổng diện tích khu đất là 138.891,14 m2, diện tích sàn xây dựng là 189.982,6 m2. Các dự án này đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho khoảng 21.500 lao động (21.500/182.000 lao động tỉnh, đáp ứng 12% nhu cầu về nhà ở của người lao động) và hiện nay các nhà lưu trú này gần như đã lấp đầy.
Do sự thiếu hụt nhà lưu trú tại các KCX, KCN nên hiện nay đa phần người lao động tỉnh lưu trú tại các nhà trọ xung quanh KCX, KCN. Qua đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, cho thấy vấn đề nhà ở cho công nhân càng trở nên cấp thiết. Xuất phát từ nhu cầu giải quyết chỗ ở tập trung cho người lao động và để thuận lợi khi xử lý các tình huống bùng phát tương tự như dịch bệnh Covid-19, Ban Quản lý kiến nghị về lâu dài cần tập trung tăng cường, đẩy mạnh việc xây dựng nhà lưu trú/nhà ở xã hội cho người lao động làm việc tại các KCX, KCN, KCNC (sử dụng quỹ đất trong và ngoài khu).
Việc xây dựng nhà lưu trú công nhân còn gặp không ít khó khăn mặc dù chủ trương xây dựng nhà lưu trú công nhân đã được triển khai từ nhiều năm nay như: Thiếu quỹ đất; Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm, kéo dài; Chính sách hỗ trợ về tài chính cho nhà đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân (vốn vay, giá cho thuê lại đất, miễn giảm thuế...); Khả năng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp rất khó khăn; Chính sách áp dụng cho đầu tư xây dựng nhà lưu trú còn chưa rõ ràng, nhất quán (còn nhiều ý kiến cho rằng loại hình này là nhà ở và phải áp dụng quy định xây dựng nhà ở khi đầu tư); Thủ tục công nhận chủ đầu tư Dự án nhà lưu trú CN còn nhiều khó khăn.
PV: Xin cảm ơn ông!
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"